Kiện chủ vườn mía đòi bồi thường 126 cây cao su

TAND tỉnh Tây Ninh vừa đưa ra xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do tài sản bị xâm phạm (126 cây cao su bị chết cháy) giữa nguyên đơn là ông T và bị đơn là ông Th do có kháng cáo của bị đơn.

Đòi bồi thường 126 cây cao su bị chết cháy

Theo hồ sơ, ông T khai ông có 1,6 ha cây cao su hơn bảy năm tuổi, giáp đất nơi ông Th thuê để trồng mía. Trưa 16-1-2020, ông T nghe tin vườn cao su của ông bị cháy nên cùng một số người đến dập lửa. Sau khi dập tắt lửa, ông đã báo cho công an xã, công an huyện đến lập biên bản hiện trường. Ông T cho rằng lửa xuất phát từ đám mía của ông Th cháy lan sang vườn cao su của ông, làm cho 126 cây cao su bị cháy, cây chết không khai thác được.

Hình minh họa

Từ đó, ông T khởi kiện yêu cầu ông Th bồi thường thiệt hại mỗi cây cao su là 300.000 đồng, tổng 126 cây là 37,8 triệu đồng.

Ông Th trình bày ông thuê đất của người khác cuối năm 2016 để trồng mía, đến hết năm 2019 là hết hợp đồng, phần đất thuê liền kề với đất cao su của ông T. Sáng 16-1-2020, ông cùng với năm công nhân đến thu hoạch hết số mía còn lại và đưa lên xe máy cày. Sau đó, ông cùng nhóm công nhân rời khỏi rẫy mía, ông lái máy cày sang nhà máy đường.

Sáng 17-1-2020, ông mới biết rẫy mía của mình bị cháy và cháy lan qua vườn cao su của ông T. Ông không đốt rẫy mía nên việc vườn cao su của ông T bị cháy không liên quan đến ông. Vì vậy, ông không đồng ý bồi thường cho ông T.

Người chủ đất cho ông Th thuê xác định lời trình bày của ông Th đúng, còn nguyên nhân vụ cháy ông cũng không biết. Khoảng 10 giờ ngày 17-1-2020, ông Th gọi điện thoại báo cho ông trả đất nhưng ông cũng chưa vào rẫy nhận đất. Việc rẫy mía và vườn cao su cháy không liên quan đến ông. Đối với yêu cầu bồi thường của ông T thì ông không có ý kiến.

Xử sơ thẩm, TAND huyện Tân Biên chấp nhận một phần yêu cầu của ông T, buộc ông Th phải bồi thường cho ông T hơn 12,2 triệu đồng.

Sau đó, ông Th kháng cáo yêu cầu hủy án sơ thẩm vì án sơ thẩm không đưa vợ ông vào với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Tòa phúc thẩm bác yêu cầu khởi kiện

Theo tòa phúc thẩm, cấp sơ thẩm xác định rẫy cao su bị cháy là do mía khô không được dọn sạch, chống cháy nên khi mía bị cháy đã làm cháy lan sang rẫy cao su.

Về nguyên nhân vì sao mía khô trên rẫy của ông Th bị cháy thì không xác định được. Tuy nhiên, tòa sơ thẩm căn cứ các điều 584, 585, 589 BLDS để buộc ông Th phải bồi thường 50% thiệt hại cho ông T, bằng số tiền hơn 12,2 triệu đồng, trên cơ sở do lỗi của hai bên.

Cụ thể, sau khi thu hoạch mía, ông Th đã không chủ động phát dọn tạo ranh cản lửa, thu dọn các vật liệu dễ cháy tạo khoảng cách an toàn đối với phần đất liền kề để phòng cháy. Phía ông T trong quá trình canh tác không thực hiện các biện pháp phòng cháy theo phong tục địa phương về việc tự bảo vệ tài sản của mình như dọn cành khô, quét, thổi lá khô, cày ranh chống cháy, dẫn đến lửa cháy lan làm thiệt hại đến tài sản của mình.

Trích dẫn quy định tại Điều 584 BLDS, tòa phúc thẩm cho rằng trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có các điều kiện: Có thiệt hại xảy ra, hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra.

Theo tòa phúc thẩm, trong vụ án này, thiệt hại 126 cây cao su trị giá hơn 24,5 triệu đồng của ông T là có thật nhưng không có hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật của ông Th đối với thiệt hại của ông T…

Cụ thể, trong vụ án này, lời khai của ông T, người làm chứng, kể cả xác định của công an thì chưa có căn cứ nào xác định hành vi gây cháy cây cao su của ông T là do hành vi trái pháp luật của ông Th gây ra.

Việc xác định lửa bùng phát từ lá mía khô trên rẫy của ông Th cũng chỉ là suy đoán vì khi lửa phát cháy, không có người ở tại hiện trường chứng kiến. Nếu nguyên nhân là do sự kiện bất khả kháng thì người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường (theo khoản 2 Điều 584 BLDS).

Cũng theo tòa phúc thẩm, pháp luật không quy định bắt buộc người trồng mía, người trồng cao su phải thực hiện việc phòng cháy trong quá trình sản xuất, thu hoạch. Việc phòng cháy là do ý thức của các chủ thể nhằm bảo vệ tài sản của mình, tránh gây thiệt hại cho người khác. Đây không phải là quy định bắt buộc nên không thể coi hành vi không phòng chống cháy lá mía khô của ông Th là hành vi trái pháp luật được.

Do không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra nên không có căn cứ để buộc ông Th phải bồi thường thiệt hại cho ông T. Từ đó, tòa phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của bị đơn, sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T.

 

Nguyên đơn đã lựa chọn quyền dân sự để khởi kiện

Tại tòa phúc thẩm, đại diện VKS đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa, thu thập thêm chứng cứ tại công an huyện để xác định vụ án có được cơ quan công an huyện thụ lý và đã giải quyết tin báo tội phạm chưa mới đủ cơ sở giải quyết vụ án.

Tuy nhiên, HĐXX cho rằng tại phiên tòa phúc thẩm, ông T xác định ông không có đơn yêu cầu công an huyện giải quyết khi xảy ra vụ cháy. Ông đã báo cho công an xã và công an huyện đến lập biên bản hiện trường nhưng sau đó không giải quyết và giao cho ông hồ sơ biên bản hiện trường, đồng thời đề nghị ông nếu có tranh chấp thì khởi kiện tại tòa án nên ông đã khởi kiện.

Do đó, ông T đã lựa chọn quyền dân sự để khởi kiện ông Th, yêu cầu ông Th bồi thường thiệt hại do ông Th không làm ranh chống cháy nên đã để lửa cháy lan sang vườn cây cao su, gây thiệt hại cho ông, không yêu cầu xử lý trách nhiệm hình sự.

Mặt khác, công an huyện đã giao hồ sơ hiện trường cho ông T để làm chứng cứ khởi kiện. Vì vậy, đề nghị của VKS là không cần thiết.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm