Kiểm điểm, làm rõ vụ ‘Được đình chỉ điều tra vẫn kêu oan’

Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận vừa đề nghị VKSND tỉnh phối hợp với cơ quan CSĐT công an tỉnh tổ chức họp với các cơ quan tố tụng huyện Hàm Thuận Nam để kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc về vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Đầu tư khoáng sản và Thương mại (CPKS) Bình Thuận.

Tại cuộc họp này, theo đề nghị của Sở TT&TT, Công an tỉnh Bình Thuận cũng sẽ trả lời chi tiết liên quan đến bài báo “Đình chỉ điều tra vẫn kêu oan” trên báo Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 24-11. Theo Đại tá Nhiều, đây là vụ án phức tạp do quan điểm của các cơ quan tố tụng chưa thống nhất với nhau về tội danh lẫn cách xử lý. Cho đến nay CQĐT Công an tỉnh Bình Thuận vẫn bảo lưu quan điểm việc khởi tố ông Phan Đình Hiển, giám đốc công ty và ông Hoàng Đắc Hòa, cán bộ công ty là đúng.

Cụ thể, ngày 3-1-2013, ông Hiển và ông Hòa cùng một số công nhân đuổi đánh ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐQT công ty, gạt máy laptop của tổ công tác Cục Cảnh sát môi trường (C49) Bộ Công an đang làm việc tại đây và đạp gây hư hỏng… Ngày 5-3-2013, Công an huyện Hàm Thuận Nam khởi tố ông Hiển và ông Hòa về tội chống người thi hành công vụ. Hai ngành công an và VKSND huyện Hàm Thuận Nam đều thống nhất quan điểm xử lý.

Tuy nhiên, ngày 28-6-2013, Ủy ban Kiểm sát VKSND tỉnh Bình Thuận tiến hành họp và kết luận hành vi của các bị can không phạm tội chống người thi hành công vụ mà phạm tội gây rối trật tự công cộng vì hai lý do: ý thức chủ quan của ông Hiển không biết có tổ công tác C49 đang làm việc và vì công vụ của tổ công tác thiếu minh bạch. VKSND cũng yêu cầu thay đổi tội danh, hủy bỏ biện pháp tạm giam cho bảo lãnh đối với ông Hiển. Quan điểm này không được CQĐT đồng ý nên VKSND tỉnh đã có văn bản gửi và được VKSND Tối cao đồng ý.

Ngày 8-10-2015, Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức cuộc họp lần thứ ba liên quan đến vụ án. Tại cuộc họp, đại diện VKSND tỉnh và TAND tỉnh đều xác định xử lý các bị can về tội gây rối trật tự công cộng nhưng không chứng minh được hậu quả nghiêm trọng xảy ra nên không làm rõ được tội danh này, do vậy cần đình chỉ.

Theo Đại tá Nhiều, trong quá trình điều tra, cơ quan CSĐT công an tỉnh đã ba lần có công văn xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an, của Ban Nội chính Tỉnh ủy và đều giữ nguyên quan điểm truy tố các bị can trên về tội chống người thi hành công vụ. Đến ngày 12-11, VKSND huyện Hàm Thuận Nam trả hồ sơ cho cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Thuận Nam điều tra chứng minh hành vi gây rối trật tự công cộng. Tuy nhiên, sau đó VKSND lại xin rút quyết định và hồ sơ, đến ngày 17-11 ra quyết định đình chỉ bị can theo khoản 1 Điều 25 BLHS (miễn trách nhiệm hình sự do chuyển biến của tình hình).

Trong khi đó, ông Hiển và ông Hòa vẫn tiếp tục làm đơn kêu oan và cho rằng việc đình chỉ trên là để né bồi thường oan vì thực chất họ không có tội. Ông Hiển cho rằng ngày 3-1-2013, nghe tin có cán bộ của Bộ Công an đến làm việc, ông cùng công nhân tổ chức ngừng việc là để kiến nghị. Thấy ông Long tự ý phá cửa văn phòng nên anh em công nhân bức xúc đuổi đi chứ không hề có ý đồ gây rối, bởi toàn bộ diễn biến sự việc đều diễn ra trong sân của công ty. Ngoài ra tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty lúc đó chưa có mặt nên cần đánh giá đúng tính pháp lý của buổi làm việc với C49. Tổng giám đốc là người có quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ cho các cơ quan chức năng theo điều lệ công ty. Từ đó mới có căn cứ để nhận định việc ngừng việc, rượt đuổi ông L. (Chủ tịch HĐQT công ty) có ảnh hưởng và trực tiếp cản trở hoạt động của Công ty CPKS hay không.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm