'Kịch bản' nào phiên xử ly hôn vợ chồng Trung Nguyên ngày mai

Theo kế hoạch, ngày mai (2-12), TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ mở lại phiên phúc thẩm vụ án ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên).

Ông Vũ rời tòa sau khi HĐXX ra quyết định hoãn phiên xử. Ảnh: TRƯỜNG GIANG

Một vụ ly hôn kéo dài thời gian tố tụng trong suốt quá trình sơ thẩm cũng như phúc thẩm. Phiên tòa lần này dự kiến kéo dài trong ba ngày. Đây là lần thứ tư phiên xử phúc thẩm được mở. Trước đó, ba phiên xử phải hoãn. Lý do chính là sự vắng mặt nguyên đơn, bà Thảo. 

Đáng chú ý là trong lần hoãn gần đây nhất, chính chủ toạ phiên xử - thẩm phán Nguyễn Hữu Ba đã nhấn mạnh lần mở phiên xử tiếp theo sẽ không hoãn vì bất cứ lý do nào.

Trước đó, khi phải hoãn xử, HĐXX đã phải vào bệnh viện để xem xét tình trạng sức khỏe của bà Thảo. Sau đó, HĐXX động viên phía bị đơn là dù bà Thảo có thể tham dự phiên tòa nhưng phiên tòa ly hôn kéo dài trong nhiều ngày, có nhiều nội dung phức tạp nên HĐXX quyết định tạm hoãn để bà có thời gian ổn định sức khỏe.

Ngay sau buổi chiều hoãn xử, tòa cũng đã tống đạt quyết định ngày mở phiên xử mới tận bệnh viện cho bà Thảo.  

Theo nguồn tin của PLO, đến nay cả hai bên nguyên, bị cũng như người liên quan không có đơn xin hoãn hay bất kỳ động thái nào đối với việc ngày mai tòamở phiên xử.

Về phía ông Vũ, sau khi tòa hoãn các lần trước đều bày tỏ nguyện vọng muốn nhanh chóng kết thúc vụ án ly hôn này để tập trung cho việc ổn định và phát triển tập đoàn. Bên bị đơn cũng cho rằng đại diện VKS trong lần mở phiên xử thứ ba cũng đề nghị xử dù vắng mặt bà Thảo...

Trong khi đó, trước khi mở phiên xử lần ba vào ngày 18-11, trao đổi với báo chí, bà Thảo mong muốn hủy án sơ thẩm. Bà Thảo cho rằng là một người vợ, người mẹ, bà chỉ muốn nỗ lực cứu ông Vũ, cứu Trung Nguyên và cứu một gia đình. 

Câu hỏi được đặt ra sau các lần hoãn phiên tòa nếu lần thứ tư, bà Thảo tiếp tục vắng mặt thì sao? Về mặt tố tụng, cơ quan xét xử sẽ xử lý như thế nào?

Các thẩm phán, luật sư chuyên về dân sự đều cho rằng theo nguyên tắc, một vụ án ly hôn giải quyết ba vấn đề hôn nhân, con cái và tài sản. Đây là phiên phúc thẩm, các đương sự chỉ có thể vắng mặt có lý do hay không lý do chính đáng hai lần.

Do vấn đề về hôn nhân liên quan đến nhân thân, không thể xét xử khi không có mặt người trong cuộc. Vì vậy nếu lần này bà Thảo vẫn vắng mặt, tòa sẽ đình chỉ giải quyết kháng cáo của bà về việc ly hôn. Còn vấn đề con cái, tài sản, bà có đại diện và luật sư để trình bày bảo vệ quan điểm cho việc kháng cáo nên HĐXX sẽ xem xét. 

Bà Thảo tại phiên xử sơ thẩm. Ảnh: PLO

Như PLO đã thông tin trước phiên xử gần nhất được mở, một diễn biến khác, trong khi bà Thảo đề nghị HĐXX xét xử từ kín sang công khai thì ông Vũ lại có đơn đề nghị tòa xử kín. Vì ông muốn đảm bảo bí mật kinh doanh cũng như không làm ảnh hưởng đến tâm lý các con chung.

Hai vợ chồng "vua cà phê" Trung Nguyên kết hôn hơn 20 năm trước, có bốn người con. Năm 2015, bà Thảo đệ đơn ra TAND TP.HCM xin ly hôn và chia tài sản. Cuộc chiến pháp lý giữa hai bên kéo dài từ đó đến nay. TAND TP.HCM mở 10 phiên hòa giải nhưng hai bên không tìm được tiếng nói chung. Mãi đến tháng 3 năm nay, tòa mới đưa ra phán quyết sơ thẩm.

Tuy nhiên, sau đó bà Thảo có kháng cáo về việc bà đã rút yêu cầu ly hôn nhưng tòa vẫn xử, vấn đề về chia tài sản. Cụ thể tòa sơ thẩm chia ông Vũ 60%, bà Thảo 40% là không khách quan, thiên vị một bên và phủ nhận công sức đóng góp của bà trong việc điều hành Tập đoàn Trung Nguyên…

Ngược lại, ông Vũ chỉ kháng cáo, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét phân chia tài sản theo tỉ lệ 70% cho ông, bà Thảo 30% đối với phần tài sản là cổ phần, phần góp vốn của cả hai tại Trung Nguyên, tài sản là tiền, vàng… hơn 1.764 tỉ đồng.

Còn VKSND TP.HCM cũng có kháng nghị dài 16 trang về hơn 10 vấn đề và đề nghị cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm...

Quyết định bị "bỏ quên"

Liên quan đến vụ án ly hôn này, hiện tòa án Singapore đang chờ kết quả trước khi mở phiên xử tranh chấp liên quan đến vợ chồng bà Thảo, ông Vũ. Đáng chú ý là trước khi mở phiên xử gần đây, bà Thảo gửi đến cơ quan truyền thông Quyết định số 05 ký ngày 23-8-2018 của chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM. Đây là quyết định chấp nhận khiếu nại của bà là không tách yêu cầu chia tài sản chung vợ chồng tại Công ty Trung nguyên International (Singapore) khỏi vụ án này thành một vụ án khác. 

Phía bà Thảo cho biết quyết định này có trước khi đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm nhưng bản án TAND TP.HCM không hề ghi nhận để đưa vào giải quyết vụ án. Sau này bà Thảo mới biết và bà cho rằng đây là "quyết định có giá trị pháp lý cuối cùng". Nhưng ba tháng sau khi bản án sơ thẩm ly hôn được ban hành bà mới biết có quyết định này, nên khiếu nại TAND TP.HCM. Và cơ quan này trong văn bản trả lời bà vào tháng 10 xác nhận "tòa cũng không nhận được quyết định".

Tháng 5-2017, thẩm phán giải quyết vụ án giai đoạn sơ thẩm có quyết định số 42 với nội dung tách yêu cầu chia tài sản liên quan đến TNI thành một vụ án khác theo đề nghị của mẹ và chị gái ông Vũ. Lý do là "tránh tình trạng kéo dài thời gian giải quyết vụ ly hôn, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự”. Không đồng ý, bà Thảo khiếu nại và chánh án TAND TP HCM sau đó hủy quyết định tách vụ án trên. Và mẹ và chị ông Vũ khiếu nại quyết định của chánh án TAND TP.HCM. 

Tháng 9-2017, phó chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM được chánh án ủy nhiệm đã ký quyết định chấp nhận khiếu nại, hủy quyết định nhập vụ án. Theo đó, cấp trên cho rằng chánh án TAND TP.HCM hủy quyết định tách hồ sơ vụ án nhưng lại không nêu được lý do chứng tỏ việc tách vụ án là trái luật; cũng không viện dẫn được căn cứ pháp luật để hủy quyết định tách vụ án. 

Đến tháng 5-2018, bà Thảo lại khiếu nại lên chánh án TAND Tối cao đề nghị hủy quyết định của phó chánh án TAND Cấp cao. Ba tháng sau, chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM lại ra Quyết định số 05 trên, không chấp nhận khiếu nại của mẹ và chị gái ông Vũ, giữ nguyên quyết định của chánh án TAND TP.HCM trước đó.

Quyết định này được gửi cho tòa, VKS TP.HCM và các đương sự. Tuy nhiên, cả bà Thảo và ông Vũ đều cho rằng "không nhận được" quyết định này. Khi xử sơ thẩm, TAND TP HCM tuyên tách yêu cầu giải quyết đối với tài sản là cổ phần của vợ chồng trong Công ty TNI với nhận định tách vụ án này thành vụ kiện khác là có căn cứ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm