Không thể chối bỏ đoạn đời quá khứ

Theo hồ sơ, từ tháng 12-2006 đến 19-8-2008, Nghiêm Xuân Thảo Ly cùng sáu đồng phạm, trong đó có H. bàn bạc, tìm cách làm quen, tiếp xúc rồi xin số điện thoại những người nam mang trên người nhiều trang sức, điện thoại, tiền. Thủ đoạn của nhóm là điện thoại hẹn các đối tượng nam đi nhà nghỉ, khách sạn “tâm sự”. Khi vào khách sạn, họ sẽ cho uống thuốc ngủ đã pha sẵn trong nước rồi nhanh chóng chiếm đoạt tài sản và bỏ trốn. Trong số các vụ của nhóm này gây ra, bị cáo H. tham gia hai vụ, một vụ ở Cần Thơ mà tòa đang xử và một vụ ở Kiên Giang mà H. chưa bị cơ quan tố tụng xử lý.

Hồ sơ vụ án thể hiện sau khi thực hiện hai vụ cướp này cùng đồng phạm thì H. không tham gia nữa mà tự nguyện “hoàn lương”. Rồi H. lấy chồng Hàn Quốc, đến tháng 11-2008, H. nhập cảnh sang Hàn Quốc, không hề biết mình đã bị công an phát lệnh truy nã. Đến năm 2015, H. đọc được thông tin về lệnh truy nã này nên thú thật với chồng rồi xin về Việt Nam đầu thú.

Xử sơ thẩm hồi tháng 9-2015, TAND quận Ninh Kiều nhận định bị cáo ăn năn hối cải, khắc phục hậu quả, ra đầu thú… Tòa xét thấy bị cáo đã có chồng và hai con còn nhỏ ở Hàn Quốc nên tạo cơ hội cho bị cáo sửa chữa, khắc phục sai lầm, sớm đoàn tụ gia đình bằng cách phạt bị cáo ba năm tù treo.

Tuy nhiên, bản án này sau đó bị VKS kháng nghị theo hướng chuyển sang tù giam và tăng hình phạt.

Tại tòa phúc thẩm, đại diện VKS đề nghị phạt bị cáo bảy năm tù. Tòa hỏi bị cáo có tranh luận gì với VKS không. Bị cáo nói sau khi cùng bị cáo đầu vụ thực hiện hai vụ cướp, bị cáo thấy sợ quá nên xin không đi theo nữa mà lên TP.HCM tìm việc làm để thay đổi cuộc sống. Lúc phạm tội, bị cáo nghĩ đơn giản là không gây tác động gì ghê gớm lắm nên vẫn đi làm rồi sau đó kết hôn với người nước ngoài. Mãi đến năm 2015, một người bạn của bị cáo nói bị cáo bị truy nã… Bị cáo đọc mới biết và đã gọi điện thoại theo số ghi trên lệnh truy nã xin thu xếp công việc hai tuần rồi về đầu thú…

Tòa nói bị cáo về đầu thú để xin hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước nhưng cũng phải chịu hình phạt tương xứng. Hành vi phạm tội của bị cáo là rất nghiêm trọng, bị cáo gây ra hai vụ nên thuộc trường hợp phạm tội nhiều lần thì không thể “treo” được…

“Trước khi đi nước ngoài, bị cáo không biết mình có tội, không biết sự việc nó nghiêm trọng vậy. Giờ bị cáo mới nhận thức được hành vi và nhận lãnh hậu quả do mình gây ra. Vì vậy, khi biết thông tin bị truy nã, bị cáo đã tự nguyện về Việt Nam ra đầu thú. Bị cáo chỉ xin tòa xem xét cho bị cáo được liên lạc với con vì bị cáo có hai đứa con nhỏ ở nước ngoài, sợ rằng bị cáo không gặp các con lâu quá chúng sẽ quên, mẹ con không hiểu nhau” - H. nói trong giàn giụa nước mắt.

Tòa vào nghị án, H. vẫn đứng yên trước vành móng ngựa. Thư ký tòa bảo bị cáo ngồi nghỉ. H. chọn ngồi nơi mép ghế hờ hững, nét mặt vô định ngẩng cao.

Cuối cùng, tòa chấp nhận một phần kháng nghị của VKS, sửa án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo ba năm tù.

Khi nghe tòa tuyên án xong, H. bưng mặt khóc lặng. Ở phía sau, người mẹ già của H. cũng giàn giụa nước mắt…

Sau cơn xúc động mạnh, việc đầu tiên H. làm là gọi điện thoại cho chồng ở Hàn Quốc thông báo kết quả phiên tòa. H. kể chồng mình nói cứ ở nhà thu xếp công việc đến khi nào xong thì qua lại.

“Khi đọc được lệnh truy nã, em có nói cho chồng em biết và chồng em kêu em về giải quyết. Đồng thời ảnh cũng gửi các giấy tờ qua để xin cho em hưởng chính sách khoan hồng, sớm đoàn tụ gia đình. Không biết sau khi ở tù mấy năm thì con em sẽ thế nào…” - lời H. kể nghe quặn thắt...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm