Không nên trì hoãn minh oan cho cụ già chết trong uất ức

Về vụ án và cái chết tức tưởi của cụ ông Huỳnh Chiếm Phái ở Khánh Hòa gây xốn xang cho nhiều người. Đứng ở góc độ luật pháp, khi muốn minh oan cho cụ không chỉ phức tạp về việc áp dụng pháp luật mà còn vì thời gian đã quá lâu, nên cơ quan tiến hành tố tụng ở Phú Khánh (cũ) và Khánh Hòa hiện nay lúng túng là có thể hiểu được.

Ông Phái đã có quyết định đình chỉ điều tra ngày 25-9-1984 của VKSND tỉnh Phú Khánh (cũ) nay là tỉnh Khánh Hòa. Yêu cầu chính quyền địa phương tạo điều kiện, khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Phái. Trong quyết định này nêu rõ: “Xét thấy không đủ bằng chứng để buộc tội Huỳnh Chiếm Phái phạm tội giết người”. Quyết định đình chỉ điều tra của VKSND tỉnh Phú Khánh có trước khi BLTTHS năm 1988. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào BLTTHS năm 1988 và năm 2003 thì VKS chỉ có quyền ra quyết định đình chỉ vụ án chứ không có quyền ra quyết định đình chỉ bị can, mà chỉ có cơ quan điều tra mới có quyền này.
Ở đây không bàn đến thẩm quyền ra quyết định đình chỉ bị can nữa, do lúc đó chưa có BLTTHS nên VKSND có ra quyết định đình chỉ bị can hay đình chỉ vụ án cũng chỉ là vấn đề về thủ tục. Tuy nhiên, nội dung quyết định đình chỉ lại ghi: “Xét thấy không đủ bằng chứng để buộc tội Huỳnh Chiếm Phái phạm tội giết người”, chứ không ghi “Ông Huỳnh Chiếm Phái không thực hiện hành vi phạm tội giết người”.
Nếu hiểu một cách máy móc thì trường hợp của ông Phái chưa có quyết định cuối cùng của cơ quan tiến hành tố tụng xác định ông Phái không thực hiện hành vi phạm tội, chưa kể thời hạn yêu cầu cầu bồi thường oan cũng đã hết. Tuy nhiên, trong suốt 30 năm, ông Phái và các con ông đã khiếu nại nhưng không có cơ quan tiến hành tố tụng nào giải quyết, nên dù có 30 năm hay lâu hơn nữa thì thời hạn yêu cầu bồi thường oan đối với những người thân của ông Phái cũng vẫn còn.
Căn cứ vào quyết định đình chỉ điều tra của VKSND tỉnh Phú Khánh (cũ) thì trường hợp của ông Phái được hiểu là bị oan do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự gây ra. Việc áp dụng pháp luật để giải quyết cũng phải mềm dẻo và có tính nhân văn, mà mục đích là vì dân, chứ không nên máy móc.
Ông Phái đã vì uất ức quá mà phải treo cổ tự tử, cả gia đình ông lâm vào cảnh điêu đứng, con cháu không thể đi học, đi làm trong các cơ quan nhà nước hoặc phải nghỉ việc; bị chính quyền địa phương kỳ thị, cuộc sống gia đình lâm vào bế tắc.
Vụ việc đã được VKSND Tối cao có công văn yêu cầu VKSND tỉnh Khánh Hòa sớm chỉ đạo giải quyết thì không có lý do gì mà trì hoãn hơn nữa. TAND thị xã Ninh Hòa nên sớm đưa vụ kiện ra xét xử để phần nào giảm bớt nỗi uất ức của người thân ông Phải, lấy lại lòng tin của người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm