Không mã hóa, án lệ sẽ sinh động hơn

Nếu như ở nước ta, án lệ do TAND Tối cao lựa chọn, công nhận và công bố thì án lệ ở các nước hình thành một cách tự nhiên thông qua hoạt động xét xử của các tòa án. Khi có bản án của một tòa giải quyết được một cách hợp lý, công bằng một vấn đề, một tình huống mà pháp luật nước đó không có quy định hoặc quy định không rõ ràng, không hợp lý thì bản án đó thường được các tòa khác coi là án lệ. Các tòa khác sẽ áp dụng quan điểm giải quyết của tòa án trong án lệ đó để xét xử những vụ án có nội dung tương tự.

Các nước công bố nguyên văn bản án

Vấn đề đặt ra làm cách nào để thẩm phán có thể biết được những bản án của các tòa án khác tuyên trước đó để tham khảo, áp dụng như một án lệ. Ở các nước như Anh, Mỹ, người ta giải quyết vấn đề đó bằng cách cho công bố bản án sau khi xét xử xong (in thành tập hoặc đưa lên trang web của các tòa). Trong thực tiễn, các bản án hình sự, dân sự, thương mại… đều được các tòa công bố nguyên văn, kể cả tên tuổi của cá nhân, tổ chức liên quan, tên của các thẩm phán, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt như bị cáo, người bị hại là trẻ vị thành niên trong án hình sự.

Như vậy, có thể thấy rằng ở các nước phát triển dù rất tôn trọng quyền riêng tư, danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức nhưng không vì thế mà khi công bố bản án, người ta lại phải mã hóa tên của cá nhân, tổ chức liên quan (trừ một số trường hợp đặc biệt như đã nêu).

Ngoài ra, một số tổ chức ngoài tòa án cũng có thể xuất bản ấn phẩm tập hợp các bản án có liên quan đến một lĩnh vực nào đó nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu của giới luật sư, luật gia, giảng viên, sinh viên luật... Trong những ấn phẩm này, người ta có thể tóm tắt nội dung bản án cho gọn nhẹ và thuận tiện cho người sử dụng nhưng vẫn để nguyên tên thật của cá nhân, tổ chức liên quan (trừ một số trường hợp đặc biệt).

Chẳng hạn như ấn phẩm The enforcement of intellectual property rights: A case book do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) xuất bản năm 2012 (tái bản lần thứ ba). Ấn phẩm này tập hợp hàng ngàn bản án xét xử tranh chấp về sở hữu trí tuệ của tòa án nhiều nước, trong đó người ta chỉ tóm tắt nội dung vụ án còn tên của các bên tranh chấp (thường là các công ty) vẫn được giữ nguyên.

Mã hóa: Mất sức nhưng chưa chắc hiệu quả

Vậy ở nước ta thì sao? Cho đến nay pháp luật nước ta chưa có quy định về việc công bố bản án của tòa. Trong thực tiễn, các tòa cũng chưa thực hiện việc công bố bản án. Cơ sở dữ liệu về các bản án của từng tòa nói riêng, của ngành tòa án nói chung chưa được hình thành và phát triển.

Thực trạng này đã gây rất nhiều khó khăn cho thẩm phán trong việc tiếp cận những bản án đã được tuyên trước đó của các tòa khác, thậm chí của chính tòa án mà thẩm phán đang làm việc. Điều đó đồng thời cũng gây khó khăn cho việc nghiên cứu của luật sư, luật gia, giảng viên...

Những năm qua, thỉnh thoảng TAND Tối cao có xuất bản các tập sách in quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao để phục vụ cho hoạt động xét xử của thẩm phán. Trong các quyết định giám đốc thẩm được in đó, TAND Tối cao vẫn để nguyên tên và cả địa chỉ của cá nhân, tổ chức liên quan. Còn đối với các ấn phẩm do các tổ chức, cá nhân ngoài ngành tòa án biên soạn và xuất bản (thông qua một nhà xuất bản được phép), được phát hành rộng rãi (bán ở các hiệu sách trong cả nước), các tác giả cũng thường để nguyên tên của cá nhân, tổ chức liên quan trong bản án.

Mặt khác, chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy các phương tiện thông tin đại chúng vẫn thường xuyên đưa tin, bài phản ánh về các vụ án, trong đó vẫn giữ nguyên tên thật, thậm chí có khi còn đưa cả hình ảnh của cá nhân, tổ chức liên quan lên mặt báo.

Như vậy, dù pháp luật nước ta chưa có quy định về việc công bố bản án của tòa nhưng trong thực tiễn, với nhiều hình thức, mức độ và phương thức khác nhau, nhiều bản án của tòa đã được công bố rộng rãi trong xã hội với nguyên tên thật của các cá nhân, tổ chức liên quan.

Cũng cần nhắc lại, dù bản án hay án lệ có được công bố rộng rãi thì việc này cũng chỉ nhằm phục vụ cho hoạt động xét xử của thẩm phán, hoạt động nghiên cứu của luật sư, luật gia... chứ hoàn toàn không phục vụ cho việc bêu riếu, làm tổn hại danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức liên quan.

Qua tất cả những gì đã trình bày, có thể thấy rằng việc giữ nguyên tên thật, địa chỉ của cá nhân, tổ chức liên quan khi công bố án lệ không gặp trở ngại nào đáng kể mà còn giúp cho việc tiếp cận bản án thật dễ dàng hơn, án lệ trở nên sinh động hơn. Ngược lại, nếu mã hóa tên cá nhân, tổ chức có liên quan sẽ làm giảm tính sinh động của án lệ và quan trọng hơn, sẽ tốn nhiều thời gian, nhân lực cho việc biên tập lại bản án, án lệ mà hiệu quả đem lại chưa hẳn đã thuyết phục.

Tôn trọng đời sống riêng tư

Không mã hóa, án lệ sẽ sinh động hơn ảnh 2

Trong một vụ án ly hôn, sau khi ly hôn tất cả đương sự đều muốn có cuộc sống bình yên, hạnh phúc, có gia đình mới êm đẹp. Họ có quyền không cho người khác biết bí mật đời tư của mình. Vậy vì lý do gì mà tên của họ, đời tư của họ lại bị công bố, phơi bày “từ đời này sang đời khác”? Không cớ gì mà chuyện riêng của họ cứ bị người đời mổ xẻ, phân tích.

Tương tự là các loại án khác. Như án hình sự, người từng phạm tội đã bị pháp luật trừng phạt, đã thi hành xong bản án, ai cũng muốn quên đi dĩ vãng tù tội để làm lại cuộc đời. Chắc chắn một điều rằng họ không muốn tên của họ “mãi mãi lưu danh” trong án lệ.

Hiến pháp đã quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn...”. Hiến pháp và pháp luật đã quy định như vậy thì không vì bất kỳ lý do gì chúng ta lại xâm phạm đến quyền về họ tên, quyền về đời sống riêng tư của người khác.

Luật sư LÊ NGỌC PHỤNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

Xin đừng khơi gợi mặc cảm

Không mã hóa, án lệ sẽ sinh động hơn ảnh 3

Việc giữ nguyên hay mã hóa một số đặc điểm nhân thân của người phạm tội trong bản án hình sự được sử dụng làm án lệ cần được quan tâm dưới nhiều khía cạnh, trong đó cần chú trọng yếu tố nhân đạo.

Đành rằng người phạm tội phải bị trừng phạt về hành vi do họ gây ra nhưng điều đó không có nghĩa họ mãi mãi vẫn là người phạm tội. Chúng ta biết rằng khi được xóa án tích, họ đã không còn là người phạm tội nữa. Vì vậy, việc chúng ta vẫn sử dụng tên tuổi, đặc điểm nhân thân của người từng phạm tội trong án lệ không có vai trò tích cực nào cho hoạt động xét xử mà ngược lại sẽ có nguy cơ làm họ phải bị thiệt hại về danh dự, uy tín. Hơn nữa, tội lỗi trong quá khứ bị khơi gợi lại sẽ gây ra mặc cảm cho người từng phạm tội, không thể hiện tính nhân đạo của việc xử lý người phạm tội, gây khó khăn cho họ trong việc tái hòa nhập xã hội.

Ngoài ra, đối với trường hợp người phạm tội bị hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì việc nêu đích danh họ trong án lệ cũng có nguy cơ gây ra những tổn thất tinh thần, cản trở người thân của họ tham gia các mối quan hệ xã hội.

TS NGUYỄN HUỲNH BẢO KHÁNH, Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm