Không có nhân chứng thấy Hồ Duy Hải ở hiện trường

Sáng 7-5, TAND Tối cao tiếp tục phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về hai tội giết người và cướp tài sản, xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi (Long An).

Phiên giám đốc thẩm tiếp tục làm rõ các nội dung nêu trong kháng nghị của VKSND Tối cao.

Không ai trực tiếp chứng minh Hải có mặt ở hiện trường

Theo kháng nghị của VKS, mặc dù CQĐT đã tiến hành kiểm tra thời gian, quãng đường từ nơi ở của Hồ Duy Hải đến Bưu điện Cầu Voi nhưng chưa giải quyết được triệt để những mâu thuẫn về việc tiêu thụ thời gian vào các hoạt động của bị cáo và thời điểm bị cáo xuất hiện tại bưu điện.

Toàn cảnh phiên tòa giám đốc thẩm.

Bản án kết luận Hải có mặt tại hiện trường lúc 19 giờ 30 (ngày 13-1-2008, ngày xảy ra vụ án) là không có căn cứ… Đặc biệt, không có nhân chứng nào khẳng định được Hồ Duy Hải có mặt ở hiện trường vụ án.

Nêu quan điểm tại phiên giám đốc thẩm, đại diện VKSND Tối cao cho rằng kết luận về thời gian của Hồ Duy Hải có mặt ở Bưu điện Cầu Voi căn cứ vào những chứng cứ gián tiếp.

Theo VKS, dữ liệu của bưu điện thể hiện có cuộc điện thoại của Hải nhưng là từ buổi trưa (lúc 11 giờ 25 phút ngày 13-1-2008), điều này không có ý nghĩa chứng minh gì. 

Thứ hai, lời khai của nhân chứng chỉ nói nhìn thấy 1 thanh niên. Về thời gian, cũng chỉ nói "khoảng 19 giờ nhìn thấy". 

Anh Vũ Đình Thường nói nhìn thấy gì "có ánh đèn màu sáng" nhưng cũng không có căn cứ chứng minh là Hải cầm điện thoại bị anh Thường nhìn thấy. Người bán hoa quả gần bưu điện cũng chỉ xác nhận có chị V. đến mua hoa quả, còn không xác nhận được người đưa tiền cho V. mua hoa quả là Hồ Duy Hải…

Đáng chú ý, đại diện VKS đề nghị cần có thực nghiệm lại hiện trường để tính thời gian Hải có mặt ở tiệm cầm đồ, đi trả xe... rồi từ đó đến bưu điện. "Chúng ta không ngồi đây để suy diễn về khoảng thời gian" - đại diện VKS nói.

Mẹ và em gái Hồ Duy Hải chờ đợi bên ngoài TAND Tối cao. Ảnh: TP

Về vấn đề này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đồng tình đây là những chứng cứ gián tiếp. Tuy nhiên, chánh án cho rằng “nếu tách ra từng lời khai, tình tiết, chứng cứ một cách độc lập thì không nói lên điều gì. Nhưng tổng hợp lại thì sẽ có vấn đề. Tại sao lại có nhiều vấn đề trùng hợp nhau đến như vậy với lời khai của Hải?”. 

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay đến phần đánh giá chứng cứ, các thẩm phán sẽ đánh giá tổng thể các chứng cứ.

Tài liệu luật sư cung cấp không có giá trị chứng cứ

Tại phiên xử ngày hôm qua, người cung cấp chứng cứ vụ án là luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn LS TP.HCM) có khoảng hơn 20 phút trình bày trước phiên xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải.

Luật sư Phong đã trình Hội đồng Thẩm phán giấy xác nhận của nhân chứng Đinh Vũ Thường, tại đây, nhân chứng khẳng định: Không được các cấp tòa mời tham gia vụ án với tư cách nhân chứng.

Tại phiên tòa hôm nay, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã đề nghị VKS đánh giá tính hợp pháp của văn bản này.

Đại diện VKSND Tối cao cho rằng đây là tài liệu phát sinh trong giai đoạn xét xử. Phạm vi của xét xử giám đốc thẩm không chỉ xem xét nội dung kháng nghị mà còn đánh giá tất cả các vấn đề liên quan vụ án.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng tài liệu luật sư trình chỉ là bản phôtô, chưa có công chứng, không giám định chữ viết, chữ ký nên không cơ sở xác định chữ ký là của ai. Do vậy, theo ông, không thể đưa ra làm căn cứ xét xử được.

Ngoài ra, chánh án cũng cho rằng về mặt nội dung, tài liệu này “không có gì mới” so với nội dung kháng nghị của VKSND Tối cao.

Kháng nghị của VKSND Tối cao dẫn Kết luận điều tra nêu anh Đinh Vũ Thường đến Bưu điện Cầu Voi gọi điện thoại về Cà Mau lúc 19 giờ 39 phút, có nhìn thấy một thanh niên ngồi trong bưu điện.

Tuy nhiên, cũng theo kết luận điều tra, vào lúc 19 giờ 13 phút, Hải đang có mặt tại hiệu cầm đồ để làm thủ tục cầm đồ rồi quay về nhà bà Nguyễn Thị Len (dì ruột Hải).

Tính toán quãng đường và thời gian, VKSND Tối cao cho rằng Hải không thể có mặt tại Bưu điện lúc 19 giờ 39 phút như kết luận điều tra đã nêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm