Không chứng minh được thì phải thừa nhận làm oan

Tuần qua dư luận xôn xao vụ Công an huyện Củ Chi, TP.HCM đình chỉ vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và miễn trách nhiệm hình sự với anh Đỗ Minh Tâm với lý do “chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”, theo khoản 1 Điều 25 BLHS.

Đây chỉ là một trong nhiều vụ cơ quan tố tụng đình chỉ bị can sau khi điều tra lại không đủ chứng cứ kết tội. Thay vì phải đi đến cùng sự thật là anh Tâm có tội hay không thì vụ án được khép lại một cách an toàn cho cơ quan tố tụng. Vấn đề là khi nào tình trạng này mới được khắc phục?

Nội dung vụ án bắt nguồn từ một quan hệ dân sự khi anh Tâm được người tố cáo là ông Hạnh đồng ý cho anh trả dần sau khi đã trả được 5/13 triệu đồng. Anh này còn để xe máy lại cho ông Hạnh và đi làm thuê kiếm tiền trả nợ. Tuy vậy, Tâm vẫn bị khởi tố tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. TAND huyện Củ Chi đã trả hồ sơ vì không đủ căn cứ để chứng minh Tâm có hành vi này. Thế rồi cơ quan điều tra bèn chuyển sang truy cứu tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhưng lúc đó VKS cùng cấp từ chối phê chuẩn và cơ quan này đình chỉ theo khoản 1 Điều 25 BLHS.

Mọi chuyện có thể dừng ở đây nếu anh Tâm không đi đòi bồi thường oan. Bởi khi anh Tâm khiếu nại thì bị khởi tố lại tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và bị tòa phạt chín tháng tù treo. Để rồi phiên tòa phúc thẩm lần một và lần hai sau đó, TAND TP.HCM thấy vụ án có vấn đề nên đều hủy án yêu cầu điều tra lại. Cuối cùng cơ quan điều tra đã dùng khoản 1 Điều 25 BLHS để khóa lại vụ việc.

Nếu nói hành vi lừa đảo không còn nguy hiểm cho xã hội nữa là không thuyết phục. Bởi từ khi xảy ra sự việc (năm 2006) so với thời điểm hiện nay chẳng có chuyển biến của tình hình nào khiến hành vi hay bản thân Tâm không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Cần hiểu rằng khoản 1 Điều 25 BLHS là chuyển biến tình hình khi chính sách pháp luật thay đổi mà từ đó đến nay luật chưa thay đổi. Trong khi hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì lúc nào cũng nguy hiểm cho xã hội cả. Đó là chưa kể cáo trạng xác định “Tâm dùng thủ đoạn gian dối lừa ông Cao để chiếm đoạt tiền của ông Hạnh”. Trong khi đó, hai ông này cho rằng mình không liên quan gì đến vụ án và không bị thiệt hại gì…

Tôi cho rằng hành vi của anh Tâm không đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì phải được đình chỉ theo đúng bản chất là không có tội. Đây là một tiền lệ rất đáng lo ngại khi các cơ quan tố tụng vận dụng tùy tiện quy định của pháp luật để tránh né bồi thường oan.

Hiện nay Đảng và Nhà nước đang kiên quyết đấu tranh chống lại các biểu hiện sai trái theo Nghị quyết Trung ương 4 nhằm nâng cao năng lực chuyên môn và nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức. Cán bộ, công chức phải là công bộc của dân, thực sự là chỗ dựa và lòng tin của dân. Tuy nhiên, qua vụ án này cho thấy ở nhiều người nói và làm đều trái ngược nhau.

Một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm của ngành kiểm sát năm 2017 là tăng cường trách nhiệm công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, bảo đảm không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Từ đó viện trưởng VKSND TP.HCM đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó có chỉ đạo phải chấm dứt việc lạm dụng việc đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 25 BLHS. Theo tôi, với căn cứ đình chỉ vụ án Đỗ Minh Tâm lần này, các cơ quan tiến hành tố tụng Củ Chi đã lạm dụng khoản 1 Điều 25 BLHS để né việc bồi thường oan đối với anh Tâm. Thiết nghĩ VKSND TP.HCM, VKSND Tối cao cần phải lấy hồ sơ vụ việc lên nghiên cứu làm rõ trắng đen và bản chất vụ án. Tránh tình trạng lập lờ đánh lận con đen gây thiệt thòi cho người bị oan.

PHẠM CÔNG HÙNG, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm