Không bắt buộc phải công khai tiền bồi thường khi xin lỗi oan

Như PLO đã phản ánh ngày 19-4 tại trụ sở UBND Phường 13, quận 5, TP.HCM, VKSND TP.HCM đã tổ chức buổi công khai xin lỗi đối với ông Chu Quang Hưng (72 tuổi, quận 5, TP.HCM) vì đã truy tố oan ông. Ông Hưng đã bị khởi tố truy tố oan về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Điều đặc biệt là tại buổi xin lỗi công khai này, ông Hưng cho rằng VKS cứ “xin lỗi suông”, “xin lỗi hoài” mà không thấy công bố số tiền bồi thường cho ông.

Trước đó nhiều lần ông Hưng yêu cầu bồi thường 1 đồng cho danh dự và 99 tỷ đồng cho tổn hại vật chất, tinh thần mà ông phải gánh chịu gần 24 năm qua. Tuy nhiên giữa ông và VKS chưa thỏa thuận được số tiền bồi thường oan.

Vậy theo quy định của pháp luật có bắt buộc phải phải công bố số tiền bồi thường oan sai trong buổi công khai xin lỗi người bị oan?

Ông Hưng tại buổi xin lỗi ngày 19-4

Luật sư (LS) Huỳnh Kim Ngân (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng Điều 56, Điều 58 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN) thì người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự (bị oan, sai) sẽ được cơ quan tiến hành tố tụng phục hồi danh dự bằng hình thức tổ chức buổi xin lỗi trực tiếp và công khai tại địa phương mà người đó cư trú.

Tại buổi công khai xin lỗi trực tiếp này, cơ quan, tổ chức có quyền không công bố số tiền dự kiến bồi thường bởi vì theo quy định tại Điều 57 của Luật TNBTCNN thì thời hạn công khai xin lỗi là 15 ngày kể từ ngày có cở sở xác định căn cứ yêu cầu bồi thường.

Do đó, trong khoảng thời gian này cơ quan có trách nhiệm bồi thường có thể chưa đủ cơ sở xác định số tiền bồi thường hoặc chưa thỏa thuận được với người yêu cầu bồi thường về số tiền bồi thường. Việc công khai xin lỗi và bồi thường là hai việc liên quan với nhau nhưng không bắt buộc phải công bố số tiền bồi thường trong buổi xin lỗi công khai.

Cũng theo LS Ngân, người có quyền yêu cầu bồi thường phải nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường theo quy định tại Điều 41 Luật TNBTCNN. Sau khi thụ lý, cơ quan có trách nhiệm bồi thường có thể tạm ứng trước một khoản tiền cho người được bồi thường.

Cán bộ được phân công thụ lý giải quyết bồi thường  phải tiến hành xác minh thiệt hại, từ đó mới có cơ sở tính thiệt hại quy ra tiền. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường sẽ tiến hành thương lượng với người được bồi thường. Nếu hai bên thống nhất thì cơ quan bồi thường ra quyết định và tiến hành thực hiện.

Có quyền khởi kiện nếu không thương lượng thành

Nếu người được bồi thường không đồng ý với số tiền bồi thường thì có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Thời hiệu cho việc khởi kiện là 03 năm kể từ ngày nhận được văn bản làm căn cứ bồi thường.

Tòa án có trách nhiệm xác định thiệt hại theo quy định pháp luật, cụ thể là áp dụng Nghị định 68/2018/NĐ-CP ngày 15-5-2018 để tính toán các loại thiệt hại. Quá trình giải quyết, áp dụng BLTTDS để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của đương sự và áp dụng các văn bản pháp luật liên quan để xác định nội dung vụ án đề giải quyết. Bản án có hiệu lực pháp luật sẽ có giá trị thi hành. LS HUỲNH KIM NGÂN, Đoàn LS TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm