Không ai được quyền livestream phỉ báng người khác

Sáng 11-12, Viện Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED Communication – RED) tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề: Giám định nội dung trên mạng xã hội (MXH) trong xử lý hành chính, hình sự và tranh chấp dân sự.

Diễn giả tọa đàm - ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra Báo chí - Xuất bản, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) cho biết giám định nội dung trên MXH về cơ bản sẽ tuân theo các quy định của Luật Giám định tư pháp.

Thông thường, các vụ việc có dấu hiệu hình sự liên quan đến các nội dung vi phạm trên MXH sẽ được cơ quan công an gửi đến Bộ TT&TT và các Sở TT&TT tỉnh, thành đề nghị giám định.

Ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra Báo chí - Xuất bản, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại tọa đàm online. Ảnh: MAI LINH

Giám định phải chính xác người vi phạm mới "tâm phục khẩu phục"

“Đa phần, Bộ và các Sở TT&TT nhận được các đề nghị giám định ở mức xử phạt vi phạm hành chính, hình sự thì ít hơn. Trong hành chính không gọi là giám định nhưng bản chất cũng là giám định” - ông Toàn thông tin.

Cũng theo ông Toàn, đối với các vụ việc đưa tin sai sự thật, nội dung vi phạm nghiêm trọng trên MXH… mà bất kỳ người nào nhìn vào cũng thấy sai rõ thì việc xử phạt hành chính tương đối dễ dàng.

Tuy nhiên, với các vụ việc mà hành vi đưa thông tin lên MXH còn gây tranh cãi (tức người này thấy đúng, người kia thấy sai) do có thể liên quan đến văn hóa, đặc điểm vùng miền, thuộc về quan điểm… thì Thanh tra Bộ TT&TT sẽ mời nhiều bên để tham vấn như: Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Công an… Từ đó, có thể giám định chính xác hành vi đó có vi phạm hay không, tránh việc xử phạt làm cho người dân bức xúc, không “tâm phục khẩu phục”.

Hiện nay, Bộ TT&TT và Sở TT&TT các tỉnh, thành có chức năng giám định các nội dung trên MXH.

“Cuộc chiến chống tin giả căng thẳng chẳng kém cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Bởi chỉ một thông tin sai sự thật cũng có thể khiến tâm lý người dân hoang mang, kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường khác… ” – ông Toàn chia sẻ thêm.

Livestream phỉ báng người khác: Cần xử lý nghiêm

Ông Lê Nghiêm, Phó viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông đặt vấn đề khi chia sẻ, đăng tin sai sự thật có cần hậu quả, thiệt hại thực tế xảy ra mới bị xử lý hay không.

Đáp lại, ông Toàn nói: Chỉ cần có hành vi vi phạm, không cần thiệt hại cũng đủ để xử lý.

Theo ông Nghiêm, các vụ việc vi phạm trên không gian mạng xảy ra ngày càng nhiều và mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng dần.

“Một số người có ảnh hưởng trên MXH tổ chức live stream nhằm phỉ báng, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm, quy chụp người khác một cách vô căn cứ, không có bằng chứng xảy ra thời gian gần đây là rất nghiêm trọng.

Không ai được phép làm điều đó cả. Đã đến lúc cơ quan chức năng cần vào cuộc một cách quyết liệt, xử lý triệt để hành vi sai trái trên MXH này nhằm ổn định trật tự, an toàn xã hội” – ông Nghiêm nói.

Các diễn giả khách mời của buổi tọa đàm online. Ảnh: MC/RED

Hiện nay, Luật An ninh mạng, Nghị định 15/2020, Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH và nhiều văn bản pháp luật khác đang điều chỉnh vấn đề trên. Các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm cả về hành chính lẫn hình sự và bồi thường thiệt hại theo Bộ luật Dân sự.

Ông Trần Nhật Minh, Viện trưởng RED thông tin tọa đàm đã nhận được rất nhiều câu hỏi từ những người tham dự.

Ông Minh hy vọng tọa đàm sẽ cung cấp những thông tin thiết thực về một số quy trình giám định hiện hành trong xử lý vi phạm nội dung thông tin trên MXH; phân tích những câu chuyện, ví dụ cụ thể để hiểu rõ hơn về cách ứng xử trên nền tảng online.

Từ đó, tạo môi trường mạng lành mạnh, văn minh; hướng đến những giải pháp thanh thoát, thông minh hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm