Khởi tố 2 phó giám đốc sở, 1 cục phó ở Phú Yên

Ngày 24-8, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Ngô Quang Phú (phó giám đốc Sở TN&MT), ông Mai Hắc Lợi (phó giám đốc Sở Tư pháp) và ông Nguyễn Ngọc Duy (cục phó Cục Thuế tỉnh Phú Yên).

Cả ba lãnh đạo cùng bị khởi tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo khoản 3 Điều 219 BLHS (khung hình phạt đến 20 năm tù).

Các quyết định, lệnh của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên đã được VKSND cùng cấp phê chuẩn cùng ngày.

Đã khởi tố, bắt tạm giam cựu phó chủ tịch tỉnh

Theo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên, ba bị can trên có vai trò tham mưu, giúp sức cho ông Nguyễn Chí Hiến (cựu phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên) giảm hơn 8 tỉ đồng tiền bán đấu giá 262 lô đất tại khu đô thị mới Nam TP Tuy Hòa trái quy định pháp luật, gây thiệt hại lớn đối với Nhà nước.

Ông Nguyễn Ngọc Duy, cục phó Cục Thuế tỉnh Phú Yên, nghe công bố quyết định khởi tố bị can. Ảnh: TẤN LỘC

Ông Hiến và bà Nguyễn Thị Nở (cựu phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Phú Yên) đã bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên khởi tố, bắt tạm giam hôm 4-6 để điều tra cùng tội danh trên.

Bước đầu, cơ quan điều tra xác định: Với chức trách phó chủ tịch thường trực Hội đồng đấu giá đặc biệt tỉnh Phú Yên, ông Mai Hắc Lợi (phó giám đốc Sở Tư pháp) đã thống nhất cùng ông Nguyễn Chí Hiến trong việc giảm giá trái quy định khi bán đấu giá sỉ 262 lô đất.

Ông Ngô Quang Phú, phó giám đốc Sở TN&MT, thành viên Hội đồng đấu giá đặc biệt, đã trực tiếp tham mưu soạn thảo, trình ông Nguyễn Chí Hiến phê duyệt phương án, trong đó có nội dung hỗ trợ 5% trên tổng giá trị khu đất đưa ra đấu giá cho người mua trúng đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ).

Nội dung này không có trong quy định pháp luật. Phương án đấu giá này còn vi phạm Luật Đầu tư, Luật Nhà ở. Ông Phú cũng là người tham mưu soạn thảo hầu hết tờ trình, tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều quyết định liên quan đến cuộc đấu giá trái quy định.

Còn ông Nguyễn Ngọc Duy, cục phó Cục Thuế tỉnh Phú Yên, thành viên Hội đồng đấu giá đặc biệt, là người có trách nhiệm theo dõi nguồn thu ngân sách của tỉnh, chống thất thu. Tuy nhiên, ông Duy đã thống nhất giảm tiền sử dụng đất trái quy định pháp luật.

Không có chuyện do áp lực trả nợ

Theo hồ sơ, tháng 10-2016, tỉnh Phú Yên khởi công dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Nam TP Tuy Hòa giai đoạn 1 (gọi tắt là dự án Nam Tuy Hòa) trên diện tích hơn 38 ha đất để xây dựng hạ tầng, bán đấu giá QSDĐ ở.

Tỉnh đầu tư gần 319 tỉ đồng để làm hạ tầng, phân thành 468 lô nhà ở, trong đó có 262 lô nhà ở liên kế, 196 lô xây dựng nhà ở biệt thự, 10 lô xây dựng công trình thương mại dịch vụ. Ngày 15-12-2016, khi dự án còn chưa san lấp mặt bằng, ông Nguyễn Chí Hiến, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên, chủ tịch Hội đồng đấu giá đặc biệt, ký quyết định phê duyệt phương án đấu giá QSDĐ và tổ chức triển khai thực hiện đấu giá khu dân cư phía bắc khu đô thị mới Nam TP Tuy Hòa.

Theo đó, phương thức bán đấu giá là bán trọn gói (tức bán sỉ) toàn bộ khu đất 468 lô cho một nhà đầu tư để thực hiện bán lẻ từng lô sau đó. Tỉnh hỗ trợ 5% trên tổng giá trị khu đất đưa ra đấu giá cho người mua trúng đấu giá. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ lãi suất ngân hàng không quá 16 tháng cho người trúng đấu giá.

Trong các giải trình, thông tin trước đây, ông Hiến cho rằng việc tổ chức bán đấu giá sỉ khi chưa xây dựng hạ tầng, giảm giá để thu hút nhà đầu tư là do áp lực tỉnh Phú Yên phải trả nợ 200 tỉ đồng cho Bộ Tài chính mà tỉnh đã tạm ứng trước đây để đầu tư hạ tầng.

Tuy nhiên, kết quả điều tra xác định đến tháng 12-2016, tỉnh Phú Yên đã trả hết nợ cho Bộ Tài chính, thậm chí sau đó tỉnh sử dụng không hết nguồn kinh phí tạm ứng. Trong khi đó, đến ngày 29-5-2017, cuộc bán đấu giá sỉ 262 lô đất mới diễn ra.

“Hoàn toàn không có áp lực trả nợ để tổ chức bán đấu giá lấy tiền trả nợ như ông Hiến nói. Khi cấp dưới tham mưu không được giảm giá, ông Hiến chỉ đạo phải họp lại để tham mưu bằng được” - lãnh đạo cơ quan điều tra nói.

Nhà nước thiệt hại, tư nhân được lợi

Cũng theo kết quả điều tra, tại phiên đấu giá trên, bà Ngô Thị Điều (chủ một doanh nghiệp ở TP Quy Nhơn, Bình Định) đã trúng đấu giá và mua toàn bộ 262 lô nhà ở liên kế với giá 162,4 tỉ đồng, cao hơn giá khởi điểm chỉ 1,6 tỉ đồng, tương đương gần 1%.

Dù phương án đấu giá, phiên đấu giá QSDĐ đã vi phạm Luật Đầu tư, Luật Nhà ở nhưng ngày 6-6-2017, ông Nguyễn Chí Hiến vẫn ký quyết định công nhận kết quả đấu giá QSDĐ. Nhờ được hỗ trợ hơn 8 tỉ đồng, bà Điều chỉ còn nộp vào ngân sách nhà nước 154,4 tỉ đồng. Sau khi được giảm giá, bình quân mỗi lô đất chỉ còn 591 triệu đồng.

Ngay sau khi mua toàn bộ số lô đất trên và được giảm giá, thông qua các công ty bất động sản, môi giới ở Phú Yên, bà Ngô Thị Điều đã bán lại từng lô đất cho người mua với giá 1,1-1,3 tỉ đồng/lô. Ngoài ra, các công ty môi giới, cò đất mua lại của bà Điều rồi tiếp tục đẩy giá lên cao, bán lại cho những người có nhu cầu đất ở. Hiện mỗi lô đất ở khu vực trên có giá giao dịch gần 3 tỉ đồng.

 

Tiếp tục làm rõ động cơ của các bị can

Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, việc bán đấu giá QSDĐ trong vụ việc ở Phú Yên có hiệu quả không cao vì chỉ thu được 96% so với giá khởi điểm. Thực tế, sau này tỉnh Phú Yên bán đấu giá lẻ từng lô đất, không còn giảm giá thì giá trị thu được tăng 3,4% so với giá khởi điểm, tương đương 84 tỉ đồng.

Theo lãnh đạo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên, trong báo cáo kiểm toán ban hành hồi tháng 11-2018, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi 8 tỉ đồng tiền giảm giá bán sỉ trái quy định trên. Tuy nhiên, sau đó UBND tỉnh Phú Yên xin không thu hồi số tiền này.

“Những quyết định sai lầm của ông Nguyễn Chí Hiến cùng các cán bộ tham mưu đã gây thiệt hại rất lớn đối với Nhà nước. Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ động cơ của các bị can cũng như làm rõ bản chất của vụ án” - một lãnh đạo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm