Khởi động Đề án hoàn thiện Nhà nước pháp quyền

Phòng chống đại dịch COVID-19 đang hoành hành là ưu tiên cao nhất lúc này. Nhưng để củng cố các nền móng cho sự phát triển lâu dài của đất nước, sự trường tồn của quốc gia, dân tộc thì hoàn thiện thể chế phải được quan tâm thích đáng.

Với tinh thần ấy, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Kế hoạch 02 về xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Đây là những bước đi đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng đề án quan trọng này, nhằm kịp hoàn thiện để Bộ Chính trị trình Ban chấp hành Trung ương xem xét, thông qua tại Hội nghị Trung ương 6, dự kiến vào tháng 10-2022.

Đây sẽ là lần đầu tiên Ban chấp hành Trung ương ra một nghị quyết chuyên đề lớn như vậy về Nhà nước pháp quyền Việt Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” hồi tháng 7
vừa qua. Ảnh: VGP

Từ lý luận đến thực tiễn

Để hình thành đề án lớn này, Kế hoạch 02 giao các cơ quan đầu mối lớn của hệ thống chính trị ở trung ương xây dựng 27 chuyên đề chuyên sâu, phủ hết các nội dung lớn của chiến lược.

Ở mảng lý luận, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội chủ trì nghiên cứu, xây dựng ba chuyên đề: Cơ sở lý luận thực tiễn về Nhà nước pháp quyền và Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; Quyền lực nhà nước và cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; Xây dựng và hoàn thiện nền tư pháp Việt Nam - những vấn đề lý luận.

Hội đồng Lý luận Trung ương được giao chủ trì nghiên cứu hai chuyên đề tập trung vào: Quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; nội dung cơ bản của Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII về chủ đề này.

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì nghiên cứu ba chuyên đề: Sự lãnh đạo của Đảng trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; Tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; Đánh giá tác động của việc ban hành và thực hiện chiến lược.

Các chuyên đề đi vào các nội dung cụ thể thuộc về cơ chế vận hành được giao cho khối các cơ quan nhà nước. Cụ thể:

Đảng đoàn Quốc hội chủ trì nghiên cứu bốn chuyên đề: Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; Hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp; Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội; Hoàn thiện cơ chế bảo hiến.

Văn phòng Chủ tịch nước chịu trách nhiệm một chuyên đề về hoàn thiện chế định Chủ tịch nước.

Ban cán sự đảng Chính phủ chủ trì ba chuyên đề: Chiến lược cải cách hành chính; Đổi mới tổ chức, hoạt động của Chính phủ; Đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương.

Cải cách tư pháp: 7 chuyên đề lớn nhỏ

Ở nhóm chuyên đề cải cách tư pháp, Ban Nội chính Trung ương chịu trách nhiệm nghiên cứu một chuyên đề tổng quát về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Các cơ quan thuộc nhóm tư pháp tổ chức các chuyên đề hẹp, như Ban cán sự đảng TAND Tối cao, Ban cán sự đảng VKSND Tối cao, mỗi đơn vị một chuyên đề về cải cách tư pháp trong ngành mình. Đảng ủy Công an Trung ương nghiên cứu hai chuyên đề: Cải cách tư pháp trong cơ quan điều tra; Đổi mới công tác tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự.

Cũng như vậy, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp chủ trì hai chuyên đề: Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động thi hành án dân sự; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp.

Các chuyên đề còn lại, như vấn đề tác động của quá trình hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, được giao cho Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao. Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước thì lo về phần hoàn thiện tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.

Hai chuyên đề liên quan trực tiếp tới người dân thì do Đảng đoàn MTTQ Việt Nam phụ trách, gồm: Phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức xã hội; Bảo đảm thực hiện, phát huy quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

 

Ban chỉ đạo với 8 ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư

Để xây dựng đề án đồ sộ này, sau khi Ban chấp hành Trung ương, ở Hội nghị lần thứ 2, thông qua chương trình làm việc toàn khóa, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo gồm 21 người, trong đó tám vị là ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư; 10 ủy viên Trung ương Đảng.

Trưởng Ban chỉ đạo là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, ba phó trưởng ban gồm: Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc.

Trong cơ cấu lãnh đạo này, ông Phan Đình Trạc là phó trưởng Ban thường trực, để chỉ đạo Ban Nội chính Trung ương làm đầu mối chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, giúp Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch 02.

Số còn lại là các ủy viên Ban chỉ đạo, gồm lãnh đạo Bộ Công an, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Quốc hội, hai ủy ban Tư pháp - Pháp luật của Quốc hội, Bộ Nội vụ, MTTQ Việt Nam, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội đồng Lý luận Trung ương.

Giúp việc cho Ban chỉ đạo là Tổ biên tập do Chủ tịch nước - Trưởng ban chỉ đạo Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định thành lập, gồm 33 cán bộ đến từ nhiều bộ, ngành trung ương có liên quan đến nhiệm vụ xây dựng đề án.

Cho đến nay, Ban chỉ đạo đã họp một cuộc. Ngoài ra, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tổ chức một cuộc họp với nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đặt hàng góp ý cho việc xây dựng Kế hoạch 02, cũng như mong muốn sẽ có phản biện chuyên môn mạnh mẽ trong quá trình các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng các chuyên đề nhỏ, cũng như khi hình thành đề án lớn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm