Khởi công tu bổ, bảo tồn trụ sở TAND TP.HCM

Lãnh đạo TAND Tối cao, Thành ủy TP.HCM; ban lãnh đạo TAND TP.HCM; lãnh đạo UBND TP.HCM, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Văn hóa và Thể thao; đại diện đơn vị thi công, đơn vị tư vấn dự án tiến hành nghi thức động thổ.

Tại lễ khởi công, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình mong muốn lãnh đạo TAND TP.HCM trong quá trình thi công dự án, cần đặc biệt chú ý bảo đảm chất lượng, nhất là các yếu tố về kỹ thuật, mỹ thuật, tiến độ thi công của công trình và an toàn, vệ sinh lao động.
Cạnh đó, phải sử dụng vốn đầu tư đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí. Trong quá trình thi công, phải bảo đảm hoạt động bình thường của TAND TP.HCM, bảo đảm được tiến độ xét xử và các mặt công tác khác của tòa.
Tòa nhà 131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, hiện là trụ sở TAND TP.HCM được xây dựng từ năm 1881, là một kiến trúc độc đáo không bằng bê tông cốt thép được người Pháp xây dựng làm công sở cho cơ quan xét xử.
Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, tòa nhà này là nơi làm việc của TAND TP.HCM, VKSND TP.HCM, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM và VKS xét xử và thực hành quyền công tố III.
Ngày 29-3-2012, tòa nhà được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Cùng với công trình trụ sở UBND TP.HCM, Bưu điện TP.HCM thì trụ sở TAND TP.HCM là một trong ba tòa nhà điển hình nhất, có kiến trúc độc đáo, là những công trình văn hóa tiêu biểu của quốc gia và TP.HCM.
Trải qua thời gian gần 135 năm sử dụng, nhiều hạng mục công trình đã không còn giữ được vẻ nguyên sơ và một số hạng mục đã xuống cấp cần phải tu bổ, sửa chữa nhằm bảo tồn nguyên vẹn về mặt kiến trúc, tăng cường kết cấu và duy trì tính công năng của tòa nhà.
Do vậy, lãnh đạo TAND TP.HCM đã xây dựng dự án tu bổ, bảo tồn trụ sở làm việc TAND TP.HCM và năm 2006 đã được chánh án TAND Tối cao phê duyệt. Nhưng do tính chất phức tạp của công trình, việc tu bổ phải bảo đảm gìn giữ được những nét độc đáo của kiến trúc cũ, lại không ảnh hưởng đến hoạt động xét xử bình thường của tòa án nên quá trình triển khai công tác chuẩn bị đầu tư diễn ra trong thời gian khá dài...
Hồ sơ dự án phải điều chỉnh cho phù hợp với quy định của Luật Di sản và phát huy tốt giá trị đầu tư nên dự án được phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1: Thực hiện việc tu bổ, bảo tồn phần trong công trình và mái ngói; giai đoạn tiếp theo sẽ thực hiện việc tu bổ, bảo tồn phần ngoài công trình và ngoại vi).
Ngày 23-9-2013, TAND Tối cao có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tu bổ, bảo tồn trụ sở làm việc TAND TP.HCM (giai đoạn 1).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm