Khó xử vụ đòi nợ giữa quán cà phê

Công an quận Tân Bình, TP.HCM vừa có kết luận điều tra quyết định chuyển từ tội bắt giữ người trái pháp luật sang tội giữ người trái pháp luật đối với ba bị can trong vụ án xuất phát từ việc đòi nợ xảy ra hơn sáu năm trước. Ba người được thay đổi tội danh là ông Phan Văn Hùng, Bùi Xuân Hùng và Nguyễn Văn Tân. Bị can thứ tư trong vụ án vẫn bị giữ nguyên tội danh cũ.

Đổi tội danh sau sáu năm

Tháng 7-2018, TAND TP.HCM xử phúc thẩm lần thứ hai đã tuyên hủy án nên vụ án được điều tra lại. Như vậy, sau hơn sáu năm, vụ án đã có sự phân hóa hành vi giữa bốn bị can. Trong số này ông Văn Hùng liên tục kêu oan, còn ba người khác không kháng cáo.

Nội dung vụ án thể hiện từ năm 2009 đến 2014, trong quan hệ làm ăn ở lĩnh vực san lấp mặt bằng, ông Minh nợ tiền của ông Văn Hùng. Tháng 6-2014, được báo tin là ông Minh mới trúng hợp đồng nên ông Văn Hùng đi từ TP Cần Thơ lên TP.HCM đòi nợ.

Khoảng 6 giờ ngày 16-7-2014, tại quán cà phê ở quận 12 gần nhà ông Minh, ông Văn Hùng và ông Minh nói chuyện với nhau về việc nợ nần. Tiếp đó, tại quán cà phê ở quận Tân Bình, ông Văn Hùng và ông Xuân Hùng (cũng là chủ nợ của ông Minh) nói chuyện nợ nần với ông Minh. Ông Xuân Hùng gọi hai người khác đến quán trong đó có Nguyễn Văn Tân nhưng hai người này liên tục chửi, đe dọa ông Minh. Họ yêu cầu ông Minh trả nợ, yêu cầu ghi giấy nợ, yêu cầu kêu người nhà mang tiền hoặc giấy tờ nhà đến giải quyết.

Trên đường đến quán, vợ ông Minh đã báo công an phường. Khoảng 13 giờ, hai chiến sĩ công an phường đến nhưng không thấy gì bất thường nên đi về. Sau đó, vợ ông Minh tiếp tục gọi điện thoại thì đến 16 giờ, công an phường đến và mời cả nhóm về phường. Kết quả là ông Văn Hùng, Xuân Hùng, Tân và một người nữa cùng bị khởi tố về tội bắt giữ người trái pháp luật.

Theo kết luận điều tra mới, tại quán cà phê ở quận Tân Bình, bị can Xuân Hùng gọi hai người đến đánh đập và đe dọa bị hại Minh, buộc phải viết giấy nợ cho ông. Bị can Văn Hùng buộc ông Minh gọi điện thoại về nhà kêu đem tiền đến chuộc về. Ông Minh bị khống chế về tinh thần, bị giới hạn về đi lại như đi vệ sinh phải xin phép, có người đi theo canh chừng.

Theo cơ quan điều tra, các bị can tuy không có hành động gì nhưng vẫn có mặt tại đó hỗ trợ tinh thần, sử dụng số đông người để trấn áp ông Minh và thực tế đã giữ ông Minh trong nhiều giờ liền. Như vậy đã đủ căn cứ để xử lý về tội giữ người trái pháp luật…

Quán cà phê ở quận Tân Bình (TP.HCM) nơi được coi là hiện trường xảy ra vụ án. Ảnh: PL

Hai lần bị hủy án

Hai lần xử sơ thẩm, TAND quận Tân Bình đều kết tội các bị cáo. Tuy nhiên, sau đó cả hai lần xử phúc thẩm, TAND TP.HCM đều tuyên hủy án, cho rằng việc kết tội bị cáo Văn Hùng chưa đủ cơ sở.

Theo tòa phúc thẩm, việc bàn bạc chuyện trả nợ giữa hai bên diễn ra ở quán cà phê đông người. Khi công an phường đến theo cuộc điện thoại của vợ bị hại thì mọi người đều nói “đang bàn chuyện, không có gì”. Vợ chồng bị hại không có thái độ phản kháng, lo lắng, hoảng sợ hay kêu gọi sự hỗ trợ. Chính vì vậy công an đã đến và ra về.

Bị cáo Văn Hùng không phải người trực tiếp thực hiện hành vi bắt, giữ người. Do đó, muốn kết tội thì phải chứng minh ông này có vai trò đồng phạm như chủ mưu (thuê người đến bắt, giữ), giúp sức (cổ vũ động viên đồng phạm bắt, giữ bị hại).

Cũng theo tòa phúc thẩm, ông Minh nợ bị cáo Văn Hùng 80 triệu đồng và nợ bị cáo Xuân Hùng 350 triệu đồng nhưng không trả mà có ý trốn tránh.

Suốt quá trình điều tra và tại các phiên tòa, lời khai của ông Minh có nhiều mâu thuẫn. Giai đoạn điều tra, ông Minh cho rằng ông bị dẫn đi, bị hăm dọa, đánh đập, tinh thần hoảng loạn, bị ép buộc, bị khống chế.

Tuy nhiên, tại phiên tòa, ông Minh lại khai rằng khi bị cáo Văn Hùng đến thì ông có phần lo sợ vì đã thiếu nợ lâu năm chưa trả. Tại quán cà phê, khi công an phường đến thì ông không có phản ứng nào vì muốn giải quyết việc nợ cho xong. Đáng chú ý, ông Minh cũng có lời khai rằng do thấy ông bị hù dọa, bị bắt viết giấy nợ nên bị cáo Văn Hùng sợ và chuyển sang bàn khác ngồi.

Theo tòa phúc thẩm, cần làm rõ lý do sau khi vợ ông Minh từ quán cà phê về, bà không trình báo mà chỉ trình báo khi nhận được tin nhắn của ông Minh “nếu không kiếm được tiền thì báo công an”. Cơ quan điểu tra cũng cần làm rõ bị hại Minh bị khống chế ý chí hay tự nguyện ngồi lại quán cà phê để giải quyết nợ.

Tiếp tục kêu oan

Sau khi nhận kết luận điều tra mới, bị can Văn Hùng đã có văn bản gửi Công an quận Tân Bình cho rằng mình bị oan. Theo ông Văn Hùng, trừ người gọi điện thoại báo tin ông Minh mới trúng hợp đồng thì ông không quen hoặc biết ai trong nhóm người xuất hiện ngày hôm đó tại hai quán cà phê. “Tôi tay không, ngồi nói chuyện với ông Minh. Tôi nói ổng trả tiền cho tôi, chớ nợ ngâm lâu quá rồi. Tôi không có bất cứ hành vi nào cố ý xâm phạm quyền tự do thân thể của ông Minh, hay bắt ông ấy ngồi tại chỗ, không cho đi đâu vượt ra ngoài sự kiểm soát. Tôi cũng không đánh đập, hăm dọa hay bắt giữ, ép buộc ông Minh viết giấy nợ...” - ông Văn Hùng viết. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...