Khó xử vì không chứng minh được tội phạm

Ông Bùi Nguyên Tùng (ngụ 133/8 đường số 8, phường 11, quận Gò Vấp, TP.HCM) gửi đơn đến Pháp Luật TP.HCM trình bày: “Ngày 4-3-2014, tôi bị Công an quận Gò Vấp bắt và khởi tố về tội sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm. VKSND quận Gò Vấp truy tố tôi về cùng tội danh. Tháng 5-2015, sau hơn 14 tháng bị tạm giam, tôi được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú. Suốt quá trình bị giam và cho đến nay tôi vẫn liên tục khiếu nại kết luận điều tra và cáo trạng. Tôi khẳng định mình không sản xuất rượu giả như cáo buộc”...

Hành vi chưa rõ, đã vội khởi tố

Theo hồ sơ, ngày 4-3-2014, ông Tùng đang đi trên đường thì bị công an bắt và lập biên bản phạm tội quả tang với lý do “vận chuyển ba chai rượu ngoại mà không xuất trình được hóa đơn, chứng từ”. Đưa ông Tùng về khám nhà, công an thu thêm hai chai rượu ngoại khác và một số vật như vỏ, nắp chai rượu… Kết quả giám định cho thấy có chai có thành phần hóa học giống rượu thật, số còn lại thì thành phần hóa học không giống.

Sau đó, ông Tùng bị quy kết có hành vi sản xuất rượu giả với tang vật là năm chai rượu ngoại các loại. Ông bị khởi tố, truy tố về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh theo khoản 1 Điều 157 BLHS (khung hình phạt từ hai năm tù đến bảy năm tù).

Tòa ba lần trả hồ sơ

Sau khi thụ lý, nghiên cứu hồ sơ vụ án, TAND quận Gò Vấp đã trả hồ sơ để “làm rõ hành vi của bị cáo có phải là sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm hay không”. Sau đó, VKS quận này không điều tra bổ sung được gì mới hơn, vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố nên ngày 30-3-2015, TAND quận Gò Vấp mở phiên xử sơ thẩm.

Tại phiên tòa này, ông Tùng trình bày rằng mình không phải do không có tiền tiêu xài nên thuê nhà để sản xuất rượu giả như cáo trạng xác định mà ông thuê nhà để ở riêng vì vợ chồng ông có mâu thuẫn, không thể chung sống với nhau. “Trong nhà tôi không có dụng cụ nào để làm rượu giả. Vài cái vỏ chai, nắp chai thì do tôi uống rồi vất lung tung, vất cả vào đống rác. Máy đóng nắp chai nằm trong gầm giường, tôi lôi ra dính đầy bụi bặm, mạng nhện (máy này không bị thu giữ - NV). Còn nếu nói đó là rượu giả thì cũng không thể ép tôi là buôn bán hàng giả vì tôi làm sao biết được rượu ở trong chai không phải là thật. Đó là vấn đề của người sản xuất” - ông Tùng nói.

Ông Bùi Nguyên Tùng đang trình bày sự việc với PV. Ảnh: NGUYỄN CHÍNH

Ông Tùng khai tiếp: “Tôi mua ba chai rượu của một người rao bán trên mạng để bán lại kiếm lời. Người này vừa giao rượu cho tôi tại ngã ba gần nhà trước đó 15 phút. Các chai rượu còn nguyên vết keo dính do mới lấy ra từ giỏ quà biếu. Hai bên liên lạc bằng điện thoại, có tin nhắn qua lại thể hiện nội dung mua bán, giá tiền cũng như số sêri của từng chai. Trong máy còn lưu số điện thoại nhà, điện thoại cơ quan và điện thoại di động của người đó. Khi bắt giữ tôi, công an đã thu giữ chiếc điện thoại này”.

Căn cứ vào kết quả xét hỏi tại phiên xử, tòa đã quyết định trả hồ sơ lần thứ hai vì cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung ngay tại phiên xử được. Chẳng hạn hồ sơ thể hiện không có chiếc điện thoại mà ông Tùng khai bị công an thu giữ, do đó tòa yêu cầu phải thu hồi để làm rõ. Đồng thời tòa yêu cầu tiếp tục củng cố hồ sơ, làm rõ hành vi của bị cáo có phải là sản xuất hàng giả là thực phẩm hay không; làm rõ lời khai của một người làm chứng xem có phải người này chứng kiến bị cáo sản xuất rượu giả hay không...

Lần này, VKSND quận Gò Vấp tiếp tục không đáp ứng được các yêu cầu của tòa vì máy đóng nắp chai do CQĐT không thu giữ nên đã thất lạc, nhân chứng tòa yêu cầu làm rõ lời khai đã đi đâu mất... Dù vậy, VKS quận vẫn chuyển hồ sơ tiếp tục đề nghị truy tố ông Tùng.

Tháng 9-2015, TAND quận Gò Vấp lên lịch đưa vụ án ra xét xử lần thứ hai. Tuy nhiên, khi ông Tùng đến tòa theo giấy triệu tập thì hôm đó không hề có phiên xử nào liên quan đến ông được mở ra cả. Sau đó, tòa đã ra quyết định trả hồ sơ lần thứ ba để điều tra bổ sung nhằm làm rõ “hành vi của bị cáo có phải là sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm hay không”.

“Vụ án có nhiều vấn đề phức tạp”

Ông Tùng cho biết sáng 20-1-2016, CQĐT đã gọi ông lên làm việc, tiếp tục lấy lời khai: “Không hiểu có gì phức tạp mà đã hai năm từ ngày khởi tố tôi đến nay, vụ án của tôi vẫn cứ lửng lơ. Tuy được tại ngoại từ tháng 5-2015 nhưng tôi hoàn toàn bó tay bó chân với cái lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú này. Người thân ốm đau thế nào tôi cũng không thể thăm nom. Số phận pháp lý lửng lơ khiến tôi không còn tâm trí làm ăn, kiếm kế sinh nhai. Tôi mong vụ án phải được giải quyết đâu đó rõ ràng. Nếu cơ quan tố tụng làm oan thì phải kết luận và xin lỗi, bồi thường thiệt hại cho tôi. Còn nếu VKS quận quyết tâm truy tố tôi thì tòa phải đưa ra xét xử”.

Để làm rõ hơn vụ việc, chúng tôi đã liên hệ với VKSND quận Gò Vấp. Bà Nguyễn Thị Thơm (Viện trưởng VKSND quận Gò Vấp) cho biết: “Hiện hồ sơ đang ở bên công an, đang trong quá trình điều tra bổ sung. Dự kiến trong tuần này là hoàn tất”. Bà Thơm cũng cho biết vụ án này sở dĩ chậm được giải quyết dứt điểm vì “có nhiều vấn đề phức tạp” nhưng lại không trả lời cụ thể là những vấn đề gì.

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi để thông tin tới bạn đọc.

Xác định sự thật của vụ án

CQĐT, VKS và tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

(Theo Điều 10 BLTTHS 2003)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm