Khó xác minh người nghiện cư trú không ổn định

Tại hội nghị giao ban tư pháp trên địa bàn TP.HCM (quý IV-2019) mới đây, Sở Tư pháp TP.HCM đã giải đáp 17 khó khăn, vướng mắc cho các phòng tư pháp cấp quận (huyện). Trong đó nổi cộm vấn đề xác minh nơi cư trú, hồ sơ chứng thực và hủy bỏ di chúc.

Phải hủy hồ sơ cai nghiện

Kiến nghị của Phòng Tư pháp quận Bình Thạnh liên quan đến điểm c khoản 2 Điều 5 Thông tư số 05/2018 của Bộ Công an.

Cụ thể, hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định gồm: Tài liệu xác định người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định. Trong khi theo điểm b khoản 2 Điều 4 thông tư này thì: Việc xác minh căn cứ vào kết quả tại phiếu trả lời xác minh.

Tuy nhiên, theo Phòng Tư pháp quận Bình Thạnh, nhiều địa phương (thường là ngoài địa bàn TP.HCM) không trả lời xác minh hoặc trả lời không đúng quy định về tình trạng cư trú của người đang được lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Vì thế nơi đây phải hủy hồ sơ và giải tỏa đối tượng vì không có cơ sở xác định họ là người không có nơi cư trú ổn định. Hậu quả là gây ra khó khăn trong việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Phòng công tác thi hành pháp luật và quản lý xử lý vi phạm hành chính (Sở Tư pháp) cho biết đây là một vướng mắc đang gặp trong thực tế nên sẽ ghi nhận, tổng hợp và báo cáo Bộ Tư pháp để gỡ vướng.

Nhiều người nghi sử dụng ma túy bị công an đưa về kiểm tra. Ảnh: T.PHAN

Khó sửa sai trong chứng thực di chúc?

Phòng Tư pháp quận 1 nêu tại khoản 1 Điều 662 BLDS 2015 quy định: Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc vào bất cứ lúc nào. Khoản 3 điều luật trên thì quy định: Trong trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.

Khoản 2 Điều 38 Nghị định số 23/2015 của Chính phủ quy định: Việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch được thực hiện tại cơ quan đã chứng thực hợp đồng, giao dịch. Trường hợp sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì có thể chứng thực tại bất kỳ cơ quan có thẩm quyền chứng thực nào.

Cơ quan đã thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đã chứng thực trước đây về nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc để ghi chú vào sổ chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Tuy nhiên, Nghị định số 23/2015 nêu trên lại chưa quy định về thành phần hồ sơ, trình tự, cách thức giải quyết việc hủy di chúc. Do đó Phòng Tư pháp kiến nghị Sở Tư pháp có hướng dẫn cụ thể.

Về việc này, đại diện Sở Tư pháp thông tin cơ quan đã có Văn bản số 7196 ngày 6-12-2019 gửi Bộ Tư pháp góp ý đối với dự thảo thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015. Phòng Tư pháp quận 10 thắc mắc về sửa lỗi sai sót trong di chúc được chứng thực.

Cụ thể, trường hợp của một người lập di chúc tại UBND phường năm 2008. Lời chứng của người thực hiện chứng thực trong văn bản di chúc có thông tin thời điểm giao kết hợp đồng, địa điểm chứng thực, năng lực hành vi dân sự, chữ ký của người lập di chúc.

Tuy nhiên, trong lời chứng của người thực hiện chứng thực có đánh máy thông tin sai địa chỉ thường trú của người lập di chúc (nay người lập di chúc đã mất). Vì vậy trong trường hợp này việc điều chỉnh lời chứng của người thực hiện chứng thực về thông tin sai địa chỉ thường trú của người lập di chúc sẽ như thế nào.

Phòng bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp) cho biết hiện nay Nghị định số 23/2015 của Chính phủ không quy định trường hợp sửa lỗi sai sót trong di chúc được chứng thực nên khó điều chỉnh. Vì vậy Sở Tư pháp ghi nhận kiến nghị này để báo cáo Bộ Tư pháp sớm có hướng dẫn để điều chỉnh.

Chờ hướng dẫn để tiêu hủy hồ sơ chứng thực

Phòng Tư pháp quận Bình Thạnh thông tin hiện cơ quan này đang lưu trữ (theo Nghị định số 79/2007 của Chính phủ) số lượng lớn hồ sơ chứng thực chữ ký, chứng thực chữ ký của người dịch từ năm 2008 đến năm 2015. Hiện nay khoản 2 Điều 14 Nghị định số 23/2015 của Chính phủ (về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch) quy định, chế độ lưu trữ đối với loại hồ sơ này là hai năm.

Hiện các hồ sơ cùng loại lưu trữ trong năm 2015, 2016 theo Nghị định số 23 thì đã hết thời hạn lưu trữ và đã được tiêu hủy. Thế nhưng các hồ sơ chứng thực chữ ký, chứng thực chữ ký của người dịch đã lưu trước năm 2015 (theo Nghị định số 79/2007) không được tiêu hủy là không phù hợp. Vì vậy cần Sở Tư pháp hướng dẫn về việc tiêu hủy các hồ sơ này.

Đại diện Sở Tư pháp cho biết đây là vấn đề sở đã phát hiện ra từ lâu và từ năm 2017 đến nay đã ba lần có văn bản đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn về nội dung trên. Tuy nhiên, đến nay Sở Tư pháp vẫn chưa nhận được văn bản trả lời của Bộ Tư pháp, vì vậy cần phải chờ thêm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm