Khó truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân công

Từ góc độ thực tiễn, Trung tướng Trần Văn Độ (nguyên Phó Chánh án TANDTC) đề cập tới năm lý do cần phải quy định TNHS đối với pháp nhân. Đáng chú ý, theo ông Độ, việc không truy cứu TNHS đối với pháp nhân trong nhiều trường hợp gây nên những khó khăn cho việc xử lý vi phạm. Chẳng hạn, nếu truy cứu TNHS thì cơ quan tiến hành tố tụng có quyền chủ động khởi tố vụ án hình sự và truy cứu TNHS đối với pháp nhân và trách nhiệm dân sự. Nhưng nếu theo Luật TTDS thì rất khó xác định nguyên đơn và khả năng để nguyên đơn chứng minh được thiệt hại theo nguyên tắc đương sự phải chứng minh cho yêu cầu của mình. Hơn nữa, việc khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại luôn đi kèm dự phí án phí dân sự không phải nhỏ…

Vụ việc Vedan gây ô nhiễm môi trường, người nông dân rất khó chứng minh thiệt hại do Vedan gây ra. 
 

“Trong vụ việc Vedan làm ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại cho nông dân TP.HCM và tỉnh Đồng Nai, người nông dân rất khó chứng minh thiệt hại do Vedan gây ra. Phạt hành chính thu mấy trăm triệu đưa về cho địa phương để “chia” cho dân. Khi đề cập việc khởi kiện thì chỉ có nông dân TP. HCM theo kiện còn nông dân Đồng Nai nghèo quá, không có tiền nộp án phí nên không giải quyết được”- ông Độ dẫn chứng.

Đồng tình về chủ trương, tuy nhiên, Phó Chánh án TAND TP. HCM Huỳnh Ngọc Ánh băn khoăn, nếu tước quyền hoặc đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp có tới cả ngàn công nhân thì hậu quả xã hội sẽ rất lớn.

Cũng theo ông Độ, một đặc điểm nổi bật trong hệ thống chính trị nước ta là ngoài các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội, các tổ chức quần chúng, các hội nghề nghiệp… đều có sử dụng ngân sách nhà nước cho hoạt động của mình. Trong khi đó, hình phạt chính đối với pháp nhân là phạt tiền, giải thể, đình chỉ hoạt động…; các hình phạt bổ sung như tịch thu tài sản, cấm hoặc hạn chế hoạt động… lại không thể áp dụng đối với các chủ thể này.

“Vì thế, khó có thể coi các pháp nhân công, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội, các tổ chức quần chúng, các hội nghề nghiệp là chủ thể của TNHS được. Trong điều kiện hiện nay, chỉ nên coi chủ thể TNHS là pháp nhân kinh tế (thương mại) để bảo đảm tính khả thi cũng như thi hành hình phạt và biện pháp tư pháp”- ông Độ nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm