Khiên cưỡng vụ đã mất trộm còn bị kết án

Ngày 29-9, Pháp luật TP.HCM có bài "Nhà mất trộm, vợ bị kết án không tố giác tội phạm" phản ánh về vụ án chị Thào Thị Mai (41 tuổi, huyện Đồng Văn, Hà Giang) bị TAND huyện Đồng Văn phạt 9 tháng cải tạo không giam giữ về tội không tố giác tội phạm.

Vụ án đặc biệt ở chỗ chị Mai cũng chính là chủ nhà bị trộm, là bị hại trong vụ án trộm cắp tài sản do Sùng Mí Nô (bị tuyên phạt 36 tháng tù) thực hiện.

Phiên tòa ngày 1-9. Ảnh: baophapluat.vn

Nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Theo án sơ thẩm, sáng 31-5-2019, Nô (vốn quen biết từ trước) biết vợ chồng Mai đi chợ xa nên lẻn vào nhà trộm cắp tài sản. Nô lấy đi hơn 300 triệu đồng. Phát hiện tài sản bị mất, gia đình Mai trình báo cơ quan công an.

Chiều 1-6, tức một ngày sau, Mai gọi điện thoại cho Nô (là trưởng thôn, đồng thời là Bí thư Chi bộ thôn), nói về việc nhà Mai bị mất tiền, hiện công an đang lấy lời khai của Mai. Lúc này, Nô nói tiền đang ở chỗ Nô, Nô sẽ đến gặp để trả cho Mai. Mai nói: “Nô lấy tiền ở đâu thì Nô tự đem trả vị trí cũ, Mai không có thời gian”.

Khoảng 19 giờ 30 cùng ngày, Nô mang số tiền trộm cắp được để tại vị trí bếp gas trong gian bếp của gia đình Mai. Nửa tiếng sau, Mai về đến nhà, phát hiện số tiền này nên nói với chồng. Tiếp đó, chồng Mai báo với Công an huyện Đồng Văn. 

Nô sau đó bị khởi tố và xử lý tội trộm cắp tài sản; Mai bị khởi tố và xét xử tội không tố giác tội phạm.

ThS TRẦN THANH THẢO, Trường Đại học Luật TP.HCM:

Phải chứng minh “biết rõ”

Từ trước đến nay, bị hại ít khi nào bị khởi tố về tội không tố giác tội phạm. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định pháp luật hình sự hiện hành, bị hại vẫn có thể trở thành chủ thể của tội này nếu biết rõ người phạm tội nhưng cố tình không tố giác, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án.

Điều quan trọng là các cơ quan tố tụng phải chứng minh được bị hại phải "biết rõ". Căn cứ để xác định biết rõ có thể là người phạm tội xác nhận về việc thực hiện tội phạm với bị hại hoặc qua các phương tiện ghi hình như camera, bị hại thấy được hình ảnh, xác nhận được người phạm tội... nhưng cố tình không tố giác tội phạm.

Đối với vụ án trên, cần phải cân nhắc đến việc chị Mai là người dân tộc H’Mông, không biết đọc, biết viết, trình độ nhận thức còn thấp để từ đó đưa ra nhận định.

Tóm lại, để xử lý bị hại về tội phạm này, phải có đầy đủ chứng cứ chứng minh được tại thời điểm không tố giác tội phạm, bị hại biết rõ ràng, biết chắc chắn về việc người phạm tội đã thực hiện tội phạm nhưng cố tình không tố giác, gây cản trở cho hoạt động tư pháp. Còn nếu không có đầy đủ chứng cứ chứng minh bị hại biết rõ thì không đủ cơ sở để xử lý bị hại về tội danh này.

Luật sư PHẠM TUẤN ANH, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Không tố giác hay che giấu tội phạm?

Cơ sở quy kết tội Mai còn khiên cưỡng, áp đặt, chưa đủ sức thuyết phục. Các cơ quan tố tụng cấp phúc thẩm cần xem xét lại vụ án này.

Cấp sơ thẩm nhận định nếu Mai đến gặp Nô thì có thể lấy lại tiền và biết chính xác Nô có phải thủ phạm hay không nhưng Mai không giải thích được tại sao không đến. Đây là sự suy luận chủ quan, bởi không phải ai trong trường hợp này cũng lựa chọn phương án "thử đến" để xem có phải Nô lấy trộm tiền thật hay không. Hơn nữa, nếu Mai đã nghĩ là Nô nói đùa, Nô là Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ, là người có uy tín trong cộng đồng nên Mai không nghĩ Nô là người lấy trộm tiền thì việc Mai không đến có thể hiểu được.

Tội không tố giác tội phạm yêu cầu là phải "biết rõ" một người đã thực hiện hành vi phạm tội. "Biết rõ" ở đây cần phải hiểu là có cơ sở rõ ràng để xác định một hành vi cụ thể, cả trong nhận thức chủ quan và cơ sở chứng minh. Nếu chỉ dựa vào các sự kiện rồi ghép nối, suy luận một người đã thực hiện hành vi phạm tội thì không đủ cơ sở. 

Thậm chí trong vụ án này, muốn kết tội Nô, muốn khẳng định Nô có phải là người trộm tiền hay không (hay nhận thay người khác) thì cơ quan tố tụng cũng phải làm rõ các chứng cứ, tình tiết về thời gian, phương thức, thủ đoạn, công cụ, dấu vân tay… chứ không phải chỉ dựa vào lời khai nhận tội của Nô.

Cạnh đó, HĐXX sơ thẩm còn nhận định có cơ sở đối với lời khai của Nô là sau khi Nô đem trả lại tiền, giữa hai người đã gọi điện thoại bàn bạc phương án đối phó với gia đình Mai và cơ quan công an để làm sao cho vừa không ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình hai bên, vừa để cơ quan điều tra không tiếp tục điều tra...

Trong khi Điều 18 BLHS quy định người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm.

Do đó, nếu có đủ cơ sở xác định Mai và Nô đã có hành vi như trên thì việc kết tội Mai về tội không tố giác tội phạm là không chính xác. Vì hành vi Mai cùng Nô bàn bạc, lên phương án đối phó với gia đình, cơ quan điều tra để cơ quan điều tra không tiếp tục điều tra nữa hoặc hạn chế mức thấp nhất trách nhiệm hình sự... (nếu có) đã cấu thành tội che dấu tội phạm.

Luật sư NGUYỄN THÀNH CÔNG, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Không nên truy cứu hình sự chị Mai

Tôi cho rằng cần xem xét lại vụ án. Vì tội không tố giác là phải biết rõ tội phạm đã được thực hiện. "Biết rõ" là biết tận tường, được nghe người thực hiện việc trộm kể lại chi tiết hoặc đã xem clip và thấy, biết rõ về hành vi đó của thủ phạm.

Tòa đã xác định CQĐT không chứng minh được mối liên hệ giữa Mai và Nô trong việc trộm tiền và xác định hành vi trộm tiền chỉ do Nô thực hiện thì cũng phải chấp nhận việc Mai không thể biết rõ Nô có thật sự lấy trộm tiền hay không. Còn vì lấn cấn quan hệ của Mai và Nô (vẫn chưa được làm rõ) mà lấy đó kết luận việc Mai biết rõ thì không đủ cơ sở.

Thậm chí nếu Mai đã được xem camera và biết rõ thì cũng cần xem xét áp dụng quy định "Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác" (khoản 2 Điều 8 BLHS 2015) để không truy cứu TNHS. Bởi lẽ Mai đã nói cho chồng và chồng chị đã trình báo công an, đồng thời Mai cũng là bị hại trong vụ án trộm cắp.

Đồng phạm tội trộm?

Nếu có chứng cứ chứng minh chị Mai và Nô trước đó có sự bàn bạc, thống nhất với nhau để chiếm đoạt số tiền 300 triệu thì lúc này hành vi của Mai có dấu hiệu đồng phạm với Nô về tội trộm cắp tài sản.

Tuy nhiên, cần làm rõ số tiền 300 triệu đồng này là tài sản chung của vợ chồng Mai hay của Mai thì mới có cơ sở xử lý.

Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...