Khi nữ thẩm phán ra đòn tâm lý

Anh H. là sĩ quan quân đội, đã có vợ con nhưng cuộc sống gia đình không hạnh phúc. Chị T. là thợ may, cũng đã có gia đình ở quê. Hai người quen nhau ở sân bay khi chị T. nhờ anh H. giúp mình gọi điện thoại cho người thân. Từ đó, mỗi khi buồn chuyện gia đình, anh H. thường tâm sự với chị T. Lâu dần thì nảy sinh tình cảm.

Yêu không được thì đạp đổ

Chị T. cho biết hai người nhiều lần đi uống nước cùng nhau. Lúc đầu tình cảm tốt đẹp. Sau đó chị nghĩ mình đã có gia đình nên từ chối các cuộc hẹn. Không được gặp, anh H. nhắn tin đe dọa và có những lời lẽ xúc phạm người tình. Tháng 9-2010, anh tìm đến gia đình chồng chị T. nói rằng hai người đã nhiều lần đi khách sạn, đi du lịch và sống như vợ chồng với nhau. Anh còn dọa sẽ thuê giang hồ xử, mướn người làm phim đen nhục mạ chị T. vì không đáp lại tình yêu của mình.

Chị T. làm đơn tố cáo đến công an, cung cấp đủ bằng chứng là những tin nhắn do số điện thoại anh H. gửi vào số máy của mình, cho chồng và cả những người bên nhà chồng. Nội dung tin nhắn cho rằng chị vào khách sạn, đi du lịch, âu yếm và lẳng lơ với anh. Theo chị, đó chính là nguyên nhân làm vợ chồng chị ly hôn, phía gia đình chồng mất niềm tin ở con dâu. Công an quận 4 đã xử phạt hành chính anh H. về hành vi vu khống, nhục mạ, đe dọa người khác, mức phạt là 1,5 triệu đồng. Lần đó, anh H. đã công khai xin lỗi, hứa sẽ bồi thường cho chị T. 20 triệu đồng. Thế nhưng sau đó anh H. không thực hiện lại còn tiếp tục có những hành vi như cũ. Chị T. phải kiện ra tòa để lấy lại danh dự cho mình. Trong đơn, chị yêu cầu anh H. phải bồi thường tiền mất thu nhập; bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm với số tiền 50 triệu đồng.

Ra tòa, anh H. không thừa nhận. Anh nói mình bị vu khống: “Lúc quen tôi, cô ta nói tên M. và bảo chưa có gia đình. Lúc đó, vợ chồng đang lục đục nên tôi quyết định sống với cô ta như vợ chồng, có ý định sẽ đi đến hôn nhân. Thời gian sống chung chúng tôi đi du lịch nhiều nơi, tiêu rất nhiều tiền của tôi. Tôi còn bỏ tiền nuôi cô ta, lo cho cuộc sống của cô ta. Ngốn của tôi một khoản tiền cô ta bỏ đi. Tôi liên lạc thì bảo đã có chồng và chấm dứt mối quan hệ. Tôi rất bức xúc và tức giận”.

Đòn tâm lý chí lý cái tình

Là người trực tiếp giải quyết vụ án, nhiều lần Thẩm phán Lê Thị Hằng, Phó Chánh án TAND quận 4, đưa vụ án ra hòa giải nhưng bất thành. Cả anh H. và chị T. đều khẳng định mình đúng và tố ngược nhau. Thẩm phán Hằng nghĩ để biết được đâu là bản chất của vụ việc thì cần phải dùng đòn đánh vào tâm lý để các đương sự nói thật. Chị gọi từng đương sự một vào phòng mình ngồi nói chuyện giống như hai người bạn đang tâm sự với nhau.

Đến lượt bị đơn, chị Hằng nói: “Một người đàn ông để gia đình mình không hạnh phúc, đi ngoại tình rồi phá vỡ hạnh phúc gia đình người khác có đáng không?”. Anh H. nói: “Tôi không làm gì sai. Cô ta bịa chuyện để tố cáo tôi”. Chị Hằng lại nói: “Anh là sĩ quan quân đội. Là người đứng trong hàng ngũ của Đảng, tham gia bảo vệ đất nước, giữ vững an ninh trật tự cho người dân. Thế mà đang sống với vợ con anh đi ngoại tình. Khi không yêu được thì đạp đổ. Việc anh đang có vợ mà sống với phụ nữ khác là vi phạm pháp luật. Chuyện này không xứng đáng với một đảng viên”.

Im lặng một lúc, anh H. mới cho biết mối quan hệ giữa mình và chị T. chỉ là bạn bè, không có chuyện quan hệ tình dục với nhau. Những tin nhắn trong điện thoại mà chị T. cung cấp được gửi từ số máy của anh là do anh bịa đặt. “Vì tức chuyện bị T. lừa tôi mới nghĩ đến chuyện nhục mạ, nói xấu và đe dọa cho hả giận. Tôi làm vậy cũng muốn vạch trần ý đồ của cô ta. Một phụ nữ đã có chồng mà nói chưa có. Bây giờ tôi đã nhận ra lỗi của mình. Tôi đã sai khi phá vỡ hạnh phúc gia đình T. và danh dự, nhân phẩm cũng như niềm tin của người khác đối với cô ấy” - anh H. cho biết.


Thẩm phán Lê Thị Hằng, Phó Chánh án TAND quận 4 (TP.HCM), cho biết khi nhận hồ sơ vụ án, chị đã có bằng chứng là những tin nhắn chị T. cung cấp, biên bản vi phạm hành chính đối với anh H. mà phía công an đã lập và bản lời khai, lời xin lỗi của anh tại cơ quan điều tra. Những điều đó có thể biết ai là người đúng. Nhưng theo chị, cần phải có sự thừa nhận của cả hai đương sự để ra một bản án khách quan, nghĩa là cần anh H. nói ra sự thật.

Khi anh H. nói rõ sự thật, tôi cứ nghĩ vụ án như thế là giải quyết xong. Nhưng sau đó anh H. lật lọng, không thừa nhận những gì mình nói và những việc mình làm. Anh ta yêu cầu phải đưa vụ án ra xét xử công khai. Thế nhưng khi phiên tòa được mở, anh lại có đơn xin vắng mặt. Tôi xử và căn cứ theo những chứng cứ và lời khai anh H. thừa nhận trong buổi hòa giải để tuyên án. Tôi chấp nhận đơn kiện của nguyên đơn, yêu cầu bị đơn phải bồi thường hơn 50 triệu đồng. Bị đơn tiếp tục kháng cáo. TAND TP đã chấp nhận bản án của tôi, bác kháng cáo của anh H.

Tiêu điểm

Thẩm phán Lê Thị Hằng, Phó Chánh án TAND quận 4 (TP.HCM), cho biết hiện nay tình trạng không yêu được thì đạp đổ xảy ra rất nhiều trong xã hội, nhất là ở lớp trẻ. Đã có những việc đau lòng xảy ra và là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người. Thế nhưng tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm