Khi nào kiểm lâm được khởi tố, điều tra vụ án hình sự?

Đó là một trong những vấn đề được nêu ra tại Hội nghị triển khai Nghị định số 01/2019/NĐ-CP về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, Nghị định số 35/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp và Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản do Cục Kiểm lâm vừa tổ chức tại TP.HCM.
Theo Điều 7 Nghị định 01/2019/NĐ-CP quy định công chức Kiểm lâm được: “Xử lý vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính.
Thủ trưởng Kiểm lâm trung ương, Thủ trưởng Kiểm lâm vùng, Thủ trưởng Kiểm lâm cấp tỉnh, Thủ trưởng Kiểm lâm cấp huyện, Thủ trưởng Kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ có thẩm quyền khởi tố, điều tra vụ án hình sự hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp theo quy định của pháp luật”.
Nghị định 01/2019/NĐ-CP đã khắc phục được bất cấp về tổ chức Kiểm lâm rừng đặc dụng, phòng hộ hiện nay nơi thuộc tỉnh, nơi thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nơi thuộc Chi cục Kiểm lâm.
Cụ thể, tại Điều 11 quy định Kiểm lâm rừng đặc dụng, Kiểm lâm rừng phòng hộ là tổ chức hành chính thuộc Kiểm lâm trung ương đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ do trung ương quản lý; thuộc Kiểm lâm cấp tỉnh đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ do địa phương quản lý.

Khi nào kiểm lâm được khởi tố, điều tra vụ án hình sự? ảnh 1
Ngoài xử lý vi phạm hành chính, thủ trưởng Kiểm lâm các cấp còn có thẩm quyền khởi tố, điều tra vụ án. Ảnh: NGÂN NGA 

Cũng tại hội nghị, nhiều Chi cục Kiểm lâm ở các địa phương còn quan tâm đến việc quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản sao cho hiệu quả. Tại Điều 33 của thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT quy định: “Mẫu vật các loài thuộc danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; các loài thuộc các phụ lục CITES; sản phẩm gỗ hoàn chỉnh khi mua bán” thuộc đối tượng phải đánh dấu.
Theo Cục Kiểm lâm: Mẫu vật của các loài thuộc các phụ lục CITES đã có quy định đánh dấu thì thực hiện theo quy định của CITES.
Việc đánh dấu có thể thực hiện bằng tem, mã số, mã vạch, mã QR, chíp điện tử, vòng, khuyên hoặc vật liệu khác có chứa đựng thông tin để truy xuất nguồn gốc.
Chủ mẫu vật tự quyết định chất liệu, kích thước, hình thức của nhãn đánh dấu, phù hợp với tính chất, chủng loại của mẫu vật và đảm bảo đúng quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá.
Nhãn đánh dấu được gắn trực tiếp lên mẫu vật, bảo đảm có thể dễ dàng nhận biết bằng mắt thường hoặc thiết bị đọc.

Theo ông Đỗ Quang Tùng, quy định đánh dấu mẫu vật là cách để nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp về nguồn gốc nông sản. Ảnh: NGÂN NGA

Theo ông Đỗ Quang Tùng (Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm), xuất khẩu nông nghiệp hằng năm tăng trưởng trên 30%. Do đó các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đều hướng tới hỗ trợ, thúc đẩy chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.
Với giá trị sản xuất nông nghiệp và giá trị xuất khẩu như năm 2018 gần 10 tỉ USD thì chiếm trên 90% giá trị nông sản nông nghiệp đã áp dụng công nghệ đánh dấu mẫu vật. Hiện nay những địa phương sản xuất đồ gỗ lớn đều có truy xuất nguồn gốc và có dán nhãn.
“Đánh dấu mẫu vật là dùng mã số, mã vạch, chip điện tử chứ không phải là dùng một tờ giấy A4 dán toàn bộ thông tin về tên, tuổi của chủ lâm sản, tên lâm sản… trên mẫu vật đó. Đây cũng là cách để nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, của chủ lâm sản trong việc chịu trách nhiệm về nguồn gốc của nông sản đó”, ông Đỗ Quang Tùng nhấn mạnh.

Tiêu chí thành lập Kiểm lâm rừng đặc dụng, Kiểm lâm rừng phòng hộ

Kiểm lâm rừng đặc dụng được thành lập ở Vườn Quốc gia; khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài – sinh cảnh có diện tích từ 15.000 hecta trở lên.

Kiểm lâm rừng phòng hộ được thành lập ở khu rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển có diện tích từ 20.000 hecta trở lên.

Căn cứ tiêu chí thành lập Kiểm lâm rừng đặc dụng, Kiểm lâm rừng phòng hộ và yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rưng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể Kiểm lâm rừng đặc dụng, Kiểm lâm rừng phòng hộ thuộc trung ương quản lý; UBND cấp tỉnh quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể Kiểm lâm rừng đặc dụng, kiểm lâm rừng phòng hộ thuộc địa phương quản lý.

Trích khoản 2 Điều 11 Nghị định số 01/2019/NĐ-CP về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm