Kháng nghị vụ cựu lãnh đạo sở nhận tiền tiếp tay nhập phế liệu

Viện trưởng VKSND TP.HCM mới có kháng nghị vụ Đoàn Văn Phúc (cựu phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bến Tre) cùng cấp dưới nhận phong bì tiếp tay cho doanh nghiệp nhập lậu phế liệu.

Ngày 8-6, xử sơ thẩm, tòa cùng cấp đã quyết định xử hạ khung hình phạt đối với các bị cáo lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ do có nhiều tình tiết giảm nhẹ và đã nộp lại tiền.

Các bị cáo bị cáo buộc buôn lậu. Ảnh: H.Y

Cụ thể, tòa tuyên phạt bị cáo Phúc năm năm tù, ba bị cáo thuộc cấp đồng phạm Trương Văn Em (cựu chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường - BVMT), Trần Thị Thùy Trang (cựu trưởng phòng kiểm soát ô nhiễm) và Trần Thanh Phong (chuyên viên phòng kiểm soát ô nhiễm - Chi cục BVMT tỉnh Bến Tre) từ một đến hai năm tù.

Đối với nhóm các bị cáo buôn lậu, nhân viên Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh dịch vụ xây dựng Hồng Việt, toà tuyên phạt Dương Tuấn Anh 10 năm tù, Trần Thị Hợp bảy năm tù và Hà Chí Đào bốn năm tù.

Đáng chú ý, đối với số tiền xác định công ty Hồng Việt thu lợi bất chính 58 tỉ đồng, HĐXX xét thấy cơ quan điều tra không thể hiện cụ thể số tiền là bao nhiêu, chỉ khoảng 58 tỉ đồng và không biết công ty còn hoạt động hay không nên không yêu cầu nộp.

Bản án sơ thẩm vừa tuyên cũng kiến nghị VKSND Tối cao xem xét hai trường hợp (nhân viên công ty Hồng Việt vào làm sau khi bị cáo Hợp nghỉ - PV) có hành vi giống một bị cáo nhưng không truy tố để làm rõ và xử lý theo đúng quy định pháp luật. 

Các bị cáo lợi dụng chức vụ quyền hạn. Ảnh: H.Y

VKS cho rằng mức hình phạt của TAND TP.HCM tuyên phạt đối với bị cáo Phúc, Em, Phong là quá nhẹ không đảm bảo tính răn đe, giáo dục. Tương tự, ba bị cáo nhóm buôn lậu, toà đã áp dụng xử dưới khung hình phạt là không có căn cứ, quá nhẹ không tương xứng với hành vi và hậu quả và không đúng pháp luật.

Đối với số tiền thu lợi bất chính của công ty Hồng Việt cáo trạng đã xác định con số cụ thể, xác minh tại cục thuế đến nay công ty này chưa đăng ký giải thể.

Vì vậy việc HĐXX cho rằng kết luận điều tra xác định số tiền thu lợi khoảng không phải là con số chính xác, chưa xác định được công ty Hoàng Việt có hoạt động hay không để không thực hiện việc thu hồi số tiền thu lợi bất chính từ hoạt động buôn lậu là không có căn cứ.

Kháng nghị phân tích quá trình điều tra và xét xử vụ án đã làm rõ Phúc và hai cấp dưới trực tiếp tham gia vào đoàn kiểm tra cơ sở sản xuất của công ty Hồng Việt.

Biết rõ cơ sở này tại Bến Tre không có máy móc thiết bị công nghệ tái chế nguyên phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất là không đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu để sản xuất nhưng Phong đã soạn thảo 76 thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra thông quan. Em duyệt, ký nháy 66 thông báo trước khi trình Phúc ký ban hành.

HĐXX cũng đã nhận định hành vi của các bị cáo là nguy hiểm, biết rõ hành vi của mình là bị pháp luật nghiêm cấm nhưng vì vụ lợi đã cố ý thực hiện nên cần phải xử phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên mức hình phạt của HĐXX đã tuyên là quá nhẹ.

Đối với các bị cáo nhóm buôn lậu, HĐXX nhận định Tuấn Anh là người giúp sức tích cực nhất cho Lê Hữu Thiêm (giám đốc công ty Hồng Việt, trước khi CQĐT làm rõ vụ việc, ông Thiêm đã qua đời do tai nạn giao thông) trong việc giúp quản lý nhân sự và theo chỉ đạo đã truyền đạt yêu cầu nhân viên thực hiện làm giả tài liệu, hồ sơ phục vụ cho việc buôn lậu phế liệu.

Ngoài việc hưởng lương, Tuấn Anh còn được thêm trả tiền công theo việc. Các bị cáo còn lại giúp sức tích cực. Tất cả bị cáo chỉ có một tình tiết giảm nhẹ nhưng HĐXX đã áp dụng điều 54, BLHS xử dưới khung hình phạt là không có căn cứ, quá nhẹ.

Từ đó, Viện trưởng VKSND TP.HCM đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm theo hướng hủy áp dụng Điều 54, BLHS đối với ba bị cáo nhóm buôn lậu, tăng hình phạt ba bị cáo này và ba bị cáo nhóm lợi dụng chức vụ đã nêu trên và buộc công ty Hồng Việt nộp tiền thu lợi bất chính để sung quỹ nhà nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm