Khách hàng kiện bệnh viện thẩm mỹ vì cắt mí mắt bị hỏng

Ngày 6-4, TAND TP.HCM đã quyết định hoãn xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng dịch vụ giữa nguyên đơn là bà NTT (ngụ tại Tân Bình) và bị đơn ông NXC (Bệnh viện TMSG) và Công ty TNHH Hồng An Khang (chủ quản bệnh viện này). Lý do bà T. kháng cáo nhưng vắng mặt.

Trước đó, ngày 11-1, TAND quận 1 xử sơ thẩm đã bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Theo hồ sơ, bà T. khởi kiện trình bày rằng do có nhu cầu làm đẹp nên bà T. đến Bệnh viện mắt Sài Gòn để tư vấn thẩm mỹ cắt mí mắt.

Tại đây, ông C. đã thuyết phục bà T. cắt mí mắt trên, dưới và căng da mặt. Sau khi phẫu thuật, mặt bà T. bị biến dạng để lại sẹo lớn, mắt mờ, mí mắt cứng nhắm, mở khó khăn nên đến bệnh viện phẫu thuật lại.

Sau 3 lần phẫu thuật căng da mặt, 2 lần cắt mí mắt trên và dưới, hai mí mắt bà T. hỏng hoàn toàn, miệng bị méo, hai hàm răng bị lệch, hai dái tai bị mất một góc, để lại di chứng liệt dây thần kinh số 7… Sau đó, ông C. đã thuỷ châm, điện châm, chích thuốc màu vàng trực tiếp vào mặt bà cả năm nhưng không khỏi cho thấy phẫu thuật không thành công. Bà phải đi Hà Nội chữa trị mất hai lần với chi phí 92 triệu đồng. 

Sau khi chữa trị bà có đi khiếu nại và được thanh tra Sở Y tế  TP.HCM cho đi giám định với tỉ lệ mất sức lao động 8%. Do đó, bà khởi kiện yêu cầu phải trả cho bà số tiền 92 triệu đồng đi điều trị, bồi thường thiệt hại tinh thần do thương tật và phải khắc phục hậu quả những thương tật đã gây ra, nếu ở Việt Nam không được thì phải trả bà chi phí để ra nước ngoài chữa trị.

Trong quá trình toà sơ thẩm giải quyết thì bà có bổ sung, thay đổi yêu cầu. Cụ thể là yêu cầu ông C. và Công ty Hồng An Khang bồi thường cho bà hơn 1,1 tỉ đồng, bao gồm chi phí đi lại để bà khắc phục tạm thời 92 triệu đồng; các chi phí giám định; chi phí khắc phục hậu quả thương tật… Trong đó hai khoản nặng nhất là chi phí dự kiến ra nước ngoài cấy ghép mí mắt 200 triệu và 800 triệu khắc phục hậu quả méo miệng, dái tai bị mất..

Phía bị đơn cho rằng có phẫu thuật cắt mí mắt và căng da mặt cho bà T. Sau đó bà T. yêu cầu căng thêm da mặt và sửa lại mí mắt trên nên bệnh viện có phẫu thuật thêm lần 2, lần 3. Sau 3 lần phẫu thuật kết quả các vết sẹo lành tốt, bà T. rất hài lòng. Nhưng sau đó bà vẫn đến bệnh viện gây rối. Vì không muốn bà T. làm ồn ào ảnh hưởng đến bệnh nhân, bệnh viện đã trả lại cho bà T. 66 triệu đồng.

Tòa sơ thẩm nhận định căn cứ kết luận giám định của Trung tâm giám định pháp y (Sở Y tế TP.HCM) không có căn cứ việc phẫu thuật làm cho bà T. mờ mắt và liệt dây thần kinh số 7.

Trong bản kết luận cũng có nêu: sẹo tại mi trên hai mắt có ảnh hưởng thẩm mỹ một phần. Tuy nhiên đôi bên khi giao kết hợp đồng dịch vụ không lập thành văn bản mà chỉ thoả thuận miệng về công việc và giá tiền, không thoả thuận cụ thể về chất lượng công việc. Vì vậy không có căn cứ để xác định kết quả phẫu thuật không đạt được yêu cầu về thẩm mỹ đã thoả thuận. Và tại phiên toà, bà T. đều thừa nhận ba lần phẫu thuật đều ký giấy cam đoan có nội dung “Tôi hiểu rõ việc giải phẫu thẩm mỹ chỉ đáp ứng hoàn thiện một phần trong yêu cầu làm đẹp của tôi…”.

Từ nhận định này và căn cứ tài liệu chứng cứ trong hồ sơ, lời khai các bên, tòa sơ thẩm tuyên không chấp nhận yêu cầu của bà T. Sau án sơ thẩm, bà T. nộp đơn kháng cáo toàn bộ bản án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm