Khác biệt của tòa Gia đình và người chưa thành niên

Ngày 4-4, TAND Tối cao tổ chức lễ ra mắt Tòa Gia đình và người chưa thành niên tại TAND TP.HCM. TP.HCM là nơi đầu tiên thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên trong cả nước. Trụ sở tòa này được bố trí tại 26 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1 và không chung với trụ sở tòa án.

Phòng xử thân thiện

Chánh án TAND TP.HCM Ung Thị Xuân Hương cho biết: “Theo nghiên cứu, định dạng chuẩn của phòng xét xử có thể làm cho trẻ em sợ hãi. Vì vậy, Tòa Gia đình và người chưa thành niên có sự bố trí lại để tạo ra một môi trường thân thiện hơn với trẻ em”.

Cụ thể, bà Hương cho biết phòng xử án hình sự đối với các bị cáo chưa đủ 18 tuổi sẽ không có vành móng ngựa, trẻ được đứng gần với người giám hộ, người bào chữa để được hỗ trợ về tâm lý trong quá trình thẩm vấn, tranh tụng.

Phòng xử án hôn nhân cũng được bố trí khác các phòng xử bình thường. Trong phòng bố trí một cái bàn vuông, HĐXX ngồi đối diện với đương sự, hai bên còn lại là đại diện VKS và luật sư tham gia phiên tòa.

“Việc sắp xếp này tránh không khí căng thẳng tại phiên xử. Các đương sự có thể trình bày như trò chuyện, chia sẻ, không quá áp lực, nặng nề...” - bà Hương giải thích.

Bên cạnh phòng xử còn có các phòng tư vấn, hòa giải, phòng y tế... Các phòng này đáp ứng nhiệm vụ tư vấn pháp luật về hôn nhân và gia đình, đưa ra những lời khuyên về cách cư xử giữa vợ chồng sau khi ly hôn hay quan tâm đến tâm lý trẻ nhỏ sau biến cố...

Đặc biệt, tòa có phòng trẻ em giúp giám sát tâm lý trẻ hay để trẻ chờ khi chưa được dự tòa. Phòng là nơi quan sát, đánh giá về tâm lý, tình cảm của trẻ em trong những vụ án ly hôn có tranh chấp nuôi con. Nơi đây được bố trí các camera để các chuyên gia tư vấn, thẩm phán có thể theo dõi tâm lý, tâm trạng của các em để quyết định giao con cho ai nuôi sẽ tốt nhất. Phòng được trang trí hài hòa, có phim hoạt hình, có bút màu vẽ tranh và có đồ chơi..., tạo cảm giác ấm cúng, gần gũi, giúp các cháu tự tin bộc lộ cảm xúc.

Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình (thứ ba từ phải) đang giới thiệu về Tòa Gia đình và người chưa thành niên.  Ảnh: HOÀNG YẾN

Phòng xử  hình sự người chưa thành niên. Ảnh: HOÀNG YẾN

Có đội ngũ chuyên gia tâm lý hỗ trợ

Về nhân sự, bà Hương chia sẻ: “Tòa Gia đình và người chưa thành niên giải quyết vấn đề ly hôn, án hình sự dành cho người chưa thành niên, các biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên (đưa vào trường giáo dưỡng). Vì vậy, lãnh đạo đã cân nhắc, lựa chọn các thẩm phán vừa vững kinh nghiệm, chuyên môn, vừa điềm đạm, chịu lắng nghe và chia sẻ để giải quyết án tốt nhất”.

HĐXX ngoài thẩm phán còn có các hội thẩm. Tiêu chí nhất quán là các hội thẩm phải có một giáo viên hoặc người của đoàn thanh niên hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.

Đặc biệt, ngoài đội ngũ thẩm phán, tòa còn có đội ngũ chuyên gia tâm lý và tư vấn để có thể hỗ trợ tốt nhất cho công tác hòa giải và xét xử của thẩm phán.

Bà Hương cho biết TAND TP.HCM đã họp với Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên, Sở Y tế, Sở Giáo dục, Sở VH-TT&DL... để lập hội đồng tư vấn gồm khoảng 20 người. Những người này sẽ tham vấn cho các thẩm phán, đương sự... khi giải quyết vụ án.

Được biết ông Trần Thanh Minh, Thẩm phán trung cấp, Trưởng phòng Giám đốc kiểm tra, vừa được bổ nhiệm làm chánh Tòa Gia đình và người chưa thành niên TAND TP.HCM. Ông Đỗ Giang, bà Phạm Hồng Loan và bà Phạm Thị Duyên (thẩm phán trung cấp) được bổ nhiệm phó chánh tòa của tòa này.

HOÀNG YẾN

Góp phần hạn chế, ngăn ngừa trẻ phạm pháp

Việc ra đời của Tòa Gia đình và người chưa thành niên là dấu ấn quan trọng và là một trong những thành công của tiến trình cải cách tư pháp... Thực tiễn xét xử vụ việc liên quan đến quan hệ hôn nhân, người chưa thành niên có đặc thù riêng, xuất phát từ quan hệ hôn nhân, huyết thống… Khi giải quyết các vụ việc trên, bên cạnh tuân thủ pháp luật, thẩm phán cần chú ý yếu tố tâm lý, tình cảm, đạo đức. Việc giải quyết các vấn đề gia đình có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tâm lý của từng thành viên. Bởi vậy, nếu giải quyết tốt các vấn đề thuộc quan hệ gia đình sẽ góp phần hạn chế, ngăn ngừa trẻ em phạm pháp, tạo môi trường lành mạnh để trẻ phát triển...

Ông TRƯƠNG HÒA BÌNH, Chánh án TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm