Kết tội chỉ dựa vào lời khai mâu thuẫn, có ổn?

Vừa qua, TAND tỉnh Đồng Nai đã xử sơ thẩm lần 2 vụ Đồng Ngọc Thanh Tân, Đặng Quốc Lương, Đinh Trường Hoan bị truy tố về tội mua bán trái phép chất ma túy. Đây là vụ án gây nhiều tranh cãi về mặt đánh giá chứng cứ buộc tội đối với Tân.

Phải họp liên ngành

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Đồng Nai, ngày 8-12-2014, Lương mang ma túy tổng hợp xuống TP Biên Hòa bán cho Hoan với giá 44 triệu đồng thì bị Công an tỉnh Đồng Nai bắt quả tang, thu giữ hơn 74 g ma túy tổng hợp.

Từ lời khai của Lương và Hoan, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai cho rằng từ tháng 7-2014 đến tháng 10-2014, Hoan còn mua bán ma túy với Tân (ngụ TP.HCM) thêm bốn lần  khác nữa với tổng trọng lượng là 245 g.

Bốn lần CQĐT cho rằng Tân mua bán ma túy với Hoan nói trên đều chỉ dựa vào lời khai của Lương, Hoan nên không thể có tang vật. Tháng 8-2015, CQĐT, VKSND, TAND tỉnh Đồng Nai phải tổ chức họp liên ngành về vụ án. Tại buổi họp, đại diện TAND tỉnh Đồng Nai nói vụ án có vướng mắc theo Công văn 234 ngày 17-9-2014 của TAND Tối cao là không có ma túy để giám định hàm lượng (Công văn 234 yêu cầu phải trưng cầu giám định hàm lượng (tinh chất) ma túy trong các chất thu giữ nghi là ma túy để làm căn cứ kết tội bị cáo - NV). Từ đó, đại diện TAND tỉnh đề xuất ba phương án: Thứ nhất, ba ngành tố tụng có công văn đề nghị TAND Tối cao trả lời dứt khoát về trường hợp này. Thứ hai, CQĐT ra kết luận điều tra, chuyển VKSND tỉnh ra cáo trạng truy tố, chuyển TAND tỉnh chờ xét xử cho phù hợp quy trình, khi đó sẽ có thời gian chờ hướng dẫn mới (thay thế Công văn 234 - NV). Thứ ba là xử theo khoản 2 Điều 194 BLHS, sau đó chờ giám đốc thẩm.

Đại diện VKSND tỉnh ủng hộ phương án TAND tỉnh xin ý kiến TAND Tối cao. Theo vị này, Tân không thừa nhận có bán ma túy cho Hoan, không có tang vật nên không đặt ra vấn đề giám định chất ma túy. Tuy nhiên, cuối cùng ba cơ quan lại thống nhất lựa chọn phương án hai là CQĐT ra kết luận điều tra, chuyển hồ sơ cho VKSND tỉnh.

Chị Nguyễn Thị Gái (phải, vợ Tân) từng bị cơ quan điều tra bắt nhầm vì lời khai của Lương. Ảnh: N.NGA

Kết tội chưa thuyết phục

Ngày 9-5-2016, tại phiên xử sơ thẩm lần đầu của TAND tỉnh Đồng Nai, Lương và Hoan phản cung, khai mua bán ma túy với một người tên Dũng ở quận 8 (TP.HCM) chứ không phải là Tân nên HĐXX đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Ngày 26-8, tại phiên xử sơ thẩm lần 2, Lương và Hoan lại chỉ thừa nhận có mua bán ma túy với nhau một lần vào ngày 8-12-2014. Cả Lương và Hoan đều khai việc cáo trạng truy tố Hoan từng bốn lần khác mua bán ma túy với Tân, Lương là làm oan cho các bị cáo.

Luật sư của Tân đề nghị HĐXX tuyên Tân không phạm tội. Bởi lẽ Tân không bị bắt quả tang, mà chỉ bị quy kết mua bán ma túy qua lời khai của Lương, Hoan tại CQĐT, trong khi các lời khai này có nhiều mâu thuẫn về người bán ma túy, thời gian mua bán, địa điểm mua bán, số lượng ma túy, số tiền mua bán.

Cụ thể, trong biên bản ghi lời khai lúc 19 giờ 45 ngày 8-12-2014, Lương khai: “Nguồn gốc số ma túy mà bản thân tôi có được là do Dũng (quận 8) cung cấp. Mỗi lần Dũng đưa cho tôi 60-65 g, giá cả thì tôi đi bán về tôi đưa lại cho Dũng khoảng 33 triệu đồng. Dũng đã đưa cho tôi được ba lần, mỗi lần khoảng 60-65 g ma túy tổng hợp”. Chỉ khoảng 50 phút sau, Lương lại khai khác: “Nguồn gốc số ma túy giao cho Hoan là từ Đồng Ngọc Thanh Tân và Nguyễn Thị Gái (là vợ Tân)”. Lời khai của Hoan cũng bất nhất, lúc nói mua của Tân 20 g với giá 15 triệu đồng, lúc thì nói mua 30-60 g với giá 20-40 triệu đồng, lúc thì nói mua 60-65 g với giá 30-45 triệu đồng...

Đại diện VKS vẫn đề nghị HĐXX áp dụng khoản 2 Điều 194 BLHS để phạt Hoan 12-13 năm tù, Lương 11-12 năm tù, Tân 10-11 năm tù. Theo HĐXX, trong quá trình điều tra, các bị cáo thừa nhận tội nên đủ cơ sở kết luận các bị cáo phạm tội mua bán trái phép chất ma túy theo Điều 194 BLHS. Số ma túy Tân bán cho Hoan không xác định rõ nguồn gốc, không thu được vật chứng, không giám định được hàm lượng nhưng Tân, Hoan là đối tượng nghiện, mua bán ma túy nhiều lần để sử dụng và bán cho các đối tượng khác nên đủ cơ sở kết luận cả ba bị cáo phạm tội nhiều lần. Từ đó, HĐXX đã phạt Lương và Hoan mỗi người 10 năm tù, Tân chín năm tù.

Sau đó, Tân kháng cáo kêu oan. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi có kết quả xét xử phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM.

Bắt nhầm vợ

Từ lời khai của Lương là “nguồn gốc số ma túy giao cho Hoan là từ Đồng Ngọc Thanh Tân và Nguyễn Thị Gái (vợ Tân)”, CQĐT đã bắt chị Gái ngay trong tối 8-12-2014. Sau đó, chị Gái và Lương đều khẳng định chỉ cho Lương vay 75 triệu đồng, chứ không mua bán ma túy. Ngày 14-12-2014, VKSND tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ của CQĐT đối với chị Gái, yêu cầu CQĐT trả tự do cho chị.

“Tối hôm ấy, tôi chẳng hiểu chuyện gì xảy ra với mình khi bỗng dưng bị bắt. Mẹ chồng tôi đã già lại còn mắc bệnh ung thư nhưng vẫn phải thay vợ chồng tôi trông cháu. Tôi sẽ gửi đơn yêu cầu Công an tỉnh Đồng Nai phải công khai xin lỗi tôi. Sao có thể tùy tiện bắt tôi, tạm giữ sáu ngày rồi trả tự do mà không hề nói rõ lý do như vậy? Chồng tôi lúc đó đang bị tạm giam trong trại Chí Hòa trong một vụ án khác cũng bị lôi ra quy tội. Tôi giờ cũng không biết làm sao để kêu oan cho chồng” - chị Gái nói.

Suy diễn bất lợi cho bị cáo

Chứng cứ kết tội bị cáo Tân quá yếu, chỉ dựa vào lời khai của hai bị cáo Lương, Hoan tại CQĐT trong khi các lời khai này có nhiều mâu thuẫn, không rõ ràng. Tân thì kêu oan. Đặc biệt ở cả hai phiên tòa, Lương và Hoan đều khẳng định không mua bán ma túy với Tân. Chưa kể các cơ quan tố tụng còn không xác định được nguồn gốc ma túy, không thu được vật chứng, không giám định được hàm lượng.

Việc HĐXX lập luận trong quá trình điều tra, các bị cáo thừa nhận tội nên đủ cơ sở kết luận các bị cáo phạm tội là thiếu thuyết phục bởi Tân không thừa nhận bán ma túy cho Hoan. Chưa kể đã có rất nhiều vụ án oan, người bị oan bị bức cung, nhục hình nên mới nhận tội trong giai đoạn điều tra, chờ đến khi ra tòa kêu oan. Cạnh đó, HĐXX lập luận Tân, Hoan là đối tượng nghiện, mua bán ma túy nhiều lần để sử dụng và bán cho các đối tượng khác nên đủ cơ sở kết luận các bị cáo phạm tội nhiều lần cũng không thuyết phục. Đây là sự suy diễn cảm tính gây bất lợi cho các bị cáo, hoàn toàn trái với nguyên tắc suy đoán có lợi cho bị cáo.

Luật sư HOÀNG CAO SANG, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm