Hy hữu: Cưỡng chế hai nguồn phóng xạ nguy hiểm

Chiều 15-8, Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.HCM đã hoàn tất việc cưỡng chế THA để giao tài sản là Bệnh viện (BV) đa khoa Phú Thọ tại 298 Độc Lập, phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM cho người mua trúng giá.

Thi hành án tài sản đặc biệt

Từ sáng sớm, các con đường quanh BV này bị lực lượng chức năng phong tỏa, bảo vệ nghiêm ngặt. PV báo chí không được phép tác nghiệp.

Theo hồ sơ, Công ty TNHH BV đa khoa Phú Thọ có khoản nợ tín dụng tại Ngân hàng TMCP Phương Nam (nay là Ngân hàng Sacombank) cả gốc và lãi tính đến ngày 28-4-2011 là hơn 192 tỉ đồng. Bản án năm 2011 của TAND TP.HCM cho phép ngân hàng có quyền đề nghị Cục THADS TP phát mại tài sản thế chấp của BV này là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (tại trụ sở BV) để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nói trên.

Sau đó, hết thời hạn tự nguyện THA nên Cục THADS TP đã cưỡng chế kê biên và bán đấu giá tài sản là BV này. Người mua trúng đấu giá BV là Công ty cổ phần BV Vạn Phúc Sài Gòn nhưng việc bàn giao tài sản bất thành do đại diện của BV Phú Thọ vắng mặt.

Đáng chú ý, trước khi cưỡng chế THA, phía BV đa khoa Phú Thọ đã có đơn gửi các cơ quan chức năng để khiếu nại về việc trong số các tài sản của BV hiện có hai máy dùng để xạ trị cho các bệnh nhân ung thư. Hai máy này được cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ KH&CN) cấp giấy phép và có quy định điều kiện sử dụng nguồn phóng xạ rất nghiêm ngặt. Đây là nguồn nguy hiểm cao độ, có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và môi trường.

Theo hồ sơ tại Công văn số 856 ngày 6-8 (phúc đáp cho Công ty TNHH BV Phú Thọ), Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho biết khoản 3 Điều 12 Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 quy định: Nghiêm cấm hành vi tiến hành công việc bức xạ mà không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép. Vì vậy khi chưa có giấy phép của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, đề nghị các bên liên quan không chuyển giao, thực hiện việc di dời ra khỏi khu vực đang lưu trữ.

Cũng theo công văn, ngày 1-8, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân có công văn gửi Cục THADS TP.HCM, BV Phú Thọ và Viện Nghiên cứu hạt nhân tại Đà Lạt (Lâm Đồng) về việc hướng dẫn tháo dỡ, vận chuyển và lưu trữ nguồn phóng xạ. Theo đó, Cục THADS phải thỏa thuận với Viện Nghiên cứu hạt nhân tháo dỡ, di dời vận chuyển và lưu trữ. Đồng thời phải lập hồ sơ đề nghị Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cấp giấy phép cho các hoạt động này theo quy định.

Lực lượng bảo vệ tại hiện trường buổi cưỡng chế. Ảnh: Cục THADS TP.HCM cung cấp

Các bên liên quan nói gì?

Trao đổi với PV tại hiện trường, một thành viên trong đoàn cưỡng chế thuộc Cục THADS TP cho biết cơ quan này tiến hành cưỡng chế theo quy định. Đáng lo ngại nhất là việc hai nguồn phóng xạ có thể gây nguy hiểm thì đã được cán bộ kỹ thuật của Viện Nghiên cứu hạt nhân kiểm tra kỹ lưỡng, không phát hiện rò rỉ và đang tiến hành di chuyển về nơi lưu trữ an toàn. Một lãnh đạo Cục THADS TP cho biết thêm, đây được xem là lần cưỡng chế có huy động lực lượng lớn nhất từ trước đến nay với sự tham gia tổng cộng của gần 300 người.

Trong khi đó, ông Tô Huy Thông, trợ lý giám đốc BV Phú Thọ, cho biết thông báo cưỡng chế là 8 giờ 30 nhưng từ sáng sớm lực lượng chức năng đã tiến vào cưỡng chế, họ yêu cầu bảo vệ và cán bộ, nhân viên ra ngoài và “có gì cứ khiếu nại sau”. Đại diện BV Phú Thọ thông tin không có bất kỳ cán bộ, nhân viên nào của BV tham gia và giám sát quá trình cưỡng chế THA trong cả ngày 15-8. Đồng thời, BV Phú Thọ sẽ có khiếu nại về việc cưỡng chế của Cục THADS.

Ngoài ra, phía BV này còn cho rằng tổng giá trị các tài sản của đơn vị có giá thị thường vào khoảng 800 tỉ đồng nhưng công ty thẩm định giá chỉ thẩm định 450 tỉ đồng. Cạnh đó, Cục THADS TP còn sử dụng kết quả thẩm định giá từ năm năm trước để làm cơ sở cho việc đấu giá vào cuối tháng 3-2019, khi người mua trúng đấu giá chỉ phải bỏ 273 tỉ đồng để nhận toàn bộ tài sản của BV…

đại diện Cục THADS TP cũng cho biết ngày 29-7 đơn vị này đã có công văn đề nghị Cục An toàn bức xạ và hạt nhân hỗ trợ, phối hợp để có biện pháp đảm bảo an toàn cho việc di dời hai nguồn phóng xạ. Cục An toàn bức xạ và hạt nhân sau đó đã đề nghị Viện Nghiên cứu hạt nhân lập phương án tháo dỡ và đưa hai nguồn phóng xạ vào lưu trữ an toàn. Vị đại diện này cũng cho biết trong cuộc họp trù bị cưỡng chế ngày 12-8, Cục THADS TP, Viện Nghiên cứu hạt nhân đã thống nhất đưa các nguồn phóng xạ này tới lưu trữ tại Viện Nghiên cứu hạt nhân (có sự phối hợp của Sở KH&CN TP.HCM).

Cùng ngày, ông Phan Sơn Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân, cho biết đoàn công tác của đơn vị đã di chuyển đi TP.HCM từ đêm trước để phối hợp cùng Cục THADS TP tổ chức vận chuyển nguồn phóng xạ về nơi lưu trữ tại Đà Lạt.

Luật Thi hành án không quy định về phóng xạ

Luật THADS hiện chưa có quy định riêng đối với trường hợp cưỡng chế tài sản là nguồn nguy hiểm đặc thù như trường hợp hai nguồn phóng xạ tại BV Phú Thọ. Do đó về cơ bản, việc THA vẫn phải tuân theo các quy định của Luật THADS và có sự phối hợp với các cơ quan.

Trong vụ việc này, tài sản bị cưỡng chế THA được điều chỉnh bởi Luật Năng lượng nguyên tử, quy định về cách thức, quy trình lưu trữ, di dời... nhằm đảm bảo an toàn. Do vậy, cơ quan THA khi lập kế hoạch cưỡng chế cần phối hợp với các cơ quan chuyên môn để thực hiện việc cưỡng chế. Việc để Viện Nghiên cứu hạt nhân trực tiếp di dời các nguồn phóng xạ nguy hiểm về nơi an toàn để lưu trữ là bắt buộc để đảm bảo an toàn cho người dân.

ThS HUỲNH THỊ NAM HẢI, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM

Sở Y tế TP.HCM không còn quản lý BV Phú Thọ

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết BV đa khoa Phú Thọ đã đăng ký giải thể cách đây 10 năm nên Sở Y tế TP không còn quản lý công tác khám, chữa bệnh đối với cơ sở này. Vì vậy, việc cưỡng chế tha do Sở KH&CN TP phối hợp với các đơn vị khác thực hiện.

HOÀNG LAN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm