Hủy án vụ chưa rõ bị hại, chuyển cấp TP giải quyết

TAND TP.HCM vừa xử phúc thẩm lần hai vụ Nguyễn Cao Nhân bị truy tố về tội cướp tài sản, hủy bản án sơ thẩm lần hai của TAND quận Bình Tân để làm rõ tang vật, bị hại…

Đại diện VKS đề nghị hủy án

Theo hồ sơ, ngày 2-7-2016, Nhân lên mạng tìm mua xe không giấy tờ. Thấy Phạm Tuấn Kiệt đăng bán xe máy Suzuki Sport giá 35 triệu đồng, Nhân nảy sinh ý định cướp xe bèn gọi cho Kiệt. Kiệt hẹn Nhân để dẫn đi coi xe.

Nhân chuẩn bị súng điện, gậy ba khúc, dao cho vào ba lô. Khoảng 13 giờ 30 ngày 3-7-2016, Nhân đi xe ôm đến gặp Kiệt. Sau đó, Kiệt chở Nhân đến một quán cà phê ở phường An Lạc A (quận Bình Tân) coi xe. Lúc coi xe, Nhân lấy súng điện bắn Kiệt nhưng không trúng. Kiệt chạy vào quán, Nhân đuổi theo thì bị bà Thợn (chủ quán) chạy đến ôm lại. Nhân chạy ra ngoài, ngồi lên xe Kiệt đạp máy nhưng không nổ. Bà Thợn chạy tới xô ngã xe và tri hô “Cướp, cướp”. Nhân bỏ xe chạy bộ thì bị Kiệt đuổi theo cùng người dân, dân phòng đi tuần bắt...

Tại phiên tòa phúc thẩm, Nhân kêu oan, khai rằng người Nhân bắn không phải là Kiệt mà là một người đàn ông đi cùng với Kiệt. Nhân không có ý định cướp xe mà vì tức giận nên đạp đổ chiếc xe Suzuki màu đen do người đàn ông đi cùng Kiệt mang tới. Còn chiếc xe Suzuki mà Kiệt mang đến rao bán thì Kiệt đã dắt đi trước đó vì Nhân không mua.

Luật sư (LS) của Nhân cho rằng cần làm rõ bị hại là ai vì Kiệt không biết chữ nên không thể đăng thông tin rao bán xe trên mạng. Trước đây, xử phúc thẩm lần đầu, tòa từng yêu cầu làm rõ số điện thoại rao bán xe và trong hồ sơ có văn bản của CQĐT yêu cầu nhà mạng MobiFone cung cấp thông tin về chủ thuê bao nhưng không có văn bản trả lời. Có thể số điện thoại rao bán xe của một người tên Tửng. Tửng mang xe Suzuki màu đen đến cho Nhân xem nên cần cho Nhân nhận dạng Tửng. Tửng khai nhờ Kiệt bán xe với giá 42 triệu đồng nhưng Kiệt khai rao bán xe 35 triệu đồng là mâu thuẫn…

Đại diện VKS nhận định lời khai của bị hại, người làm chứng có nhiều mâu thuẫn nhưng chưa được làm rõ nên chưa đủ căn cứ xác định bị hại là ai, chiếc xe bị cáo chiếm đoạt là xe nào. Từ đó đại diện VKS đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm.

Bị cáo Nhân tại phiên tòa phúc thẩm lần hai. Ảnh: YC

Tòa: Sai sót cả tố tụng lẫn nội dung

Theo HĐXX, về tố tụng có những sai sót như giai đoạn tiền tố tụng, Công an phường An Lạc A lập biên bản bắt người phạm tội quả tang nhưng không thu giữ ngay chiếc xe mà Nhân bị cáo buộc chiếm đoạt. Thời gian lập biên bản phạm tội quả tang trùng với thời gian ghi lời khai.

Nhân kêu oan nhưng kiểm sát viên (KSV) không trực tiếp hỏi cung mà chỉ tham gia chứng kiến việc hỏi cung. Biên bản ghi lời khai của bị hại, người liên quan, người làm chứng có chữ ký KSV nhưng phần mở đầu không thể hiện có KSV tham gia.

Bản án sơ thẩm không có phần phân tích tính hợp pháp các hành vi, quyết định tố tụng của điều tra viên (ĐTV), KSV, LS là chưa đúng quy định.

Những sai sót trên đã làm ảnh hưởng đến việc xác định các tình tiết khách quan của vụ án.

Về nội dung, lời khai của Kiệt (CQĐT, VKSND quận Bình Tân xác định là bị hại), lời khai người làm chứng và tài liệu thu thập được có nhiều mâu thuẫn về diễn biến, quá trình xảy ra sự việc. Biên bản bắt người phạm tội quả tang ghi nhận Nhân cướp xe màu đen; bà Thợn (chủ quán cà phê) và Kiệt xác định xe bị cướp có màu đen. Tuy nhiên, trên giấy đăng ký xe cấp cho Tửng thì xe có màu đỏ; biên bản thu giữ xe ghi màu vàng, đen; trong biên bản ghi lời khai Nhân vào ngày 3-7-2016 (trùng ngày xảy ra sự việc), Nhân khai xe màu trắng, xanh, đen. Với những mâu thuẫn đó, chưa đủ căn cứ để xác định Kiệt là người bị Nhân bắn, chiếc xe thu giữ là xe Kiệt mang đến. Do vậy, chưa có cơ sở vững chắc để xác định Nhân có hành vi cướp tài sản của Kiệt.

Đáng chú ý, tòa sơ thẩm nhận định “chưa đủ cơ sở kết luận chiếc xe loại Suzuki Sport đã thu giữ trong vụ án là chiếc xe mà bị cáo thực hiện hành vi chiếm đoạt” nhưng lại “căn cứ vào lời khai của bị cáo, bị hại, những người làm chứng, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, căn cứ vào các biên bản thu giữ vật chứng, kết quả thực nghiệm điều tra, có cơ sở để kết luận tại thời điểm xảy ra vụ án có một chiếc xe loại Suzuki Sport và đó là tài sản mà bị cáo thực hiện hành vi chiếm đoạt khi sử dụng vũ lực với bị hại”. Nhận định như vậy là khiên cưỡng.

Tòa sơ thẩm cũng nhận định dù Nhân không thừa nhận bị hại là Kiệt, CQĐT cũng chưa thu thập chứng cứ để làm rõ chủ sở hữu của số điện thoại nhưng căn cứ vào lời khai của Nhân, căn cứ vào kết quả nhận dạng của bà Thợn, lời khai người làm chứng khác, lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, có đủ cơ sở để kết luận bị hại có mặt tại hiện trường là Kiệt. Nhận định này chưa đảm bảo tính khách quan bởi khi lập biên bản bắt người có hành vi phạm tội quả tang có mặt bà Thợn và Kiệt nên đương nhiên bà Thợn phải biết mặt Kiệt. Vì vậy kết quả bà Thợn nhận dạng Kiệt không có giá trị pháp lý trong việc chứng minh Kiệt là bị hại.

Trong vụ án, dù có dấu hiệu cho thấy Nhân phạm tội, Nhân lý giải chưa thuyết phục về lý do tại sao đi mua xe mà chỉ mang theo 800.000 đồng và mang theo nhiều hung khí nhưng như đã nhận định, có nhiều nội dung cần phải làm rõ.

Ngoài ra, theo HĐXX, trước đây TAND TP.HCM từng hủy vụ án một lần để điều tra lại nhưng Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Tân chưa làm hết trách nhiệm, chưa thực hiện đầy đủ yêu cầu của cấp phúc thẩm. ĐTV chưa làm hết trách nhiệm, chưa thực sự cẩn trọng trong quá trình điều tra, dù việc khai báo của người làm chứng, bị hại, bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mâu thuẫn nhưng vẫn dễ dàng chấp nhận mà không thẩm tra làm rõ...

Từ đó HĐXX tuyên hủy bản án sơ thẩm. Đồng thời để đảm bảo cho việc điều tra được khách quan, đúng pháp luật, HĐXX giao hồ sơ cho VKSND TP.HCM để chuyển Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM điều tra lại.

Bốn phiên xử chưa xong

Xử sơ thẩm lần đầu tháng 5-2017, TAND quận Bình Tân phạt Nhân bảy năm tù về tội cướp tài sản. Nhân kháng cáo kêu oan.

Tháng 9-2017, TAND TP.HCM xử phúc thẩm lần đầu tuyên hủy án để xác định lại vật chứng, bị hại…

Sau đó, dù điều tra lại không có gì mới nhưng tháng 4-2018, TAND quận Bình Tân xử sơ thẩm lần hai vẫn kết án Nhân bảy năm tù.

Nhân tiếp tục kháng cáo kêu oan, còn viện trưởng VKSND TP.HCM kháng nghị bản án theo hướng không tịch thu, tiêu hủy các vật chứng gồm hai súng điện, một gậy ba khúc, năm viên đạn mà giao cơ quan có thẩm quyền...

Cần làm rõ số điện thoại

Theo HĐXX, LS yêu cầu làm rõ ai là chủ thuê bao của số điện thoại vào thời điểm khi xảy ra vụ việc là cần thiết bởi nó là căn cứ để xác định người rao bán xe cho Nhân là ai, từ đó xác định Kiệt có phải là bị hại hay không. Yêu cầu của LS cho Nhân nhận dạng Tửng để làm rõ vụ việc vì có thể Tửng là người đàn ông bị Nhân bắn là có căn cứ bởi Nhân bị quy buộc đã cướp chiếc xe do Tửng đứng tên chủ sở hữu; mặt khác có lúc Tửng khai không chính xác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm