Hủy án sơ thẩm vụ sai phạm tại dự án thủy điện Đăk Đrinh

Ngày 23-5, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã mở phiên xử phúc thẩm vụ cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại dự án thủy điện Đăk Đrinh (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi). 

5 bị cáo trong vụ án này gồm: Hà Văn Tiên (SN 1969, cựu Trưởng phòng TN&MT huyện Sơn Tây); Nguyễn Anh Dũng (SN 1956, cựu Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây); Nguyễn Vỹ Cường (SN 1983), Lê Khắc Tâm Anh (SN 1970) và Trần Minh Việt (SN 1986) lần lượt cựu cán bộ địa chính tại các xã Sơn Liên, Sơn Dung và Sơn Long, huyện Sơn Tây. 

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: TÂM AN

Trước đó, tại phiên xử sơ thẩm, TAND tỉnh Quảng Ngãi đã tuyên phạt Tiên 3 năm tù nhưng được hưởng án treo (mức án cao nhất); Tâm Anh 2 năm tù (hưởng án treo). Ba bị cáo Dũng, Cường, Việt được miễn hình phạt.

Sau đó, bốn bị cáo Tiên, Dũng, Tâm Anh và Cường đã kháng cáo kêu oan, 62 người có nghĩa vụ liên quan cũng có đơn kháng cáo vì cho rằng bản án sơ thẩm tuyên tịch thu số tiền bồi thường họ đã nhận đế sung công quỹ là không có căn cứ. 

Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Ngãi đã có kháng nghị, yêu cầu tòa án phúc thẩm áp dụng hình phạt tù đối với các bị cáo Dũng, Cường, Việt; tăng hình phạt tù đối với các bị cáo Tiên và Tâm Anh. Ngoài ra, ngày 17-1-2018, Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng cũng đã có kháng nghị phúc thẩm, đề nghị TAND Cấp cao hủy bản án hình sự sơ thẩm để điều tra lại theo quy định. 

Theo cáo trạng, trong quá trình lập phương án bồi thường đất, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ dân tại dự án thủy điện Đăk Đrinh khu vực các xã Sơn Liên, Sơn Long, Sơn Dung (huyện Sơn Tây tỉnh Quảng Ngãi), Tô Cước (cựu Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng dự án thủy điện Đăk Đrinh - đã chết) và Tiên biết rõ trong khu vực lòng hồ thủy điện có nhiều trường hợp mua bán đất không đúng quy định.

Tuy nhiên, Tiên vẫn đề xuất khi lập phương án đền bù thì đưa tên người đã chuyển nhượng đất vào diện được bồi thường, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp khi bị thu hồi. Chủ tịch Hội đồng bồi thường là ông Tô Cước đã chỉ đạo thực hiện chủ trương trên. Các Phó Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án thủy điện Đắk Đrinh là Tiên và Dũng trực tiếp triển khai. 

Các bị cáo Cường, Anh và Việt biết rõ là sai quy định nhà nước nhưng vẫn thực hiện chỉ đạo của Tô Cước, Hà Văn Tiên và Nguyễn Anh Dũng dẫn đến hậu quả là thiệt hại cho nhà nước khoảng 26 tỉ đồng.

Những người dân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án tỏ ra mệt mỏi vì vụ án kéo dài nhiều năm vẫn chưa kết thúc. Ảnh: TÂM AN

Tại phiên phúc thẩm, Tiên, Dũng, Tâm Anh và Cường kêu oan vì cho rằng trong dự án thủy điện Đăk Đrinh, các bị cáo chỉ thực hiện nhiệm vụ theo sự chỉ đạo của bí thư huyện ủy, chủ tịch UBND huyện Sơn Tây tại thời điểm đó mà cụ thể là ông Đinh Kà Để và ông Phạm Tấn Hoàng. 

Quá trình thực hiện, ngoài các bị cáo còn có nhiều người khác cùng tham gia, kể cả phó chủ tịch, chủ tịch ủy ban nhân dân ba xã nói trên. Việc chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự với 5 bị cáo mà không xem xét xử lý những người này là không công bằng. Ngoài ra, các bị cáo cũng đề nghị được đối chất với lãnh đạo chính quyền địa phương, cụ thể là ông Đinh Kà Để và ông Phạm Tấn Hoàng để làm sáng tỏ vụ án.  

Trình bày tại tòa, hầu hết những người có nghĩa vụ liên quan đều cho rằng tòa cấp sơ thẩm yêu cầu họ nộp lại số tiền được bồi thường, hỗ trợ để sung công quỹ là gây thiệt hại cho họ. Bản thân những người này đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế rất khó khăn nên không có khả năng trả lại số tiền trên. 

Sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên chấp nhận kháng nghị của VKSND cấp cao tại Đà Nẵng, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm trả hồ sơ cho VKSND tỉnh này để điều tra xét xử lại theo quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm