Hủy án để xử thêm tội

Ngày 18-7, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND huyện Bình Chánh đối với Đoàn Tứ Hanh (sinh năm 1986, quê Phú Yên) về tội trộm cắp tài sản.

HĐXX phúc thẩm đồng tình với VKS cùng cấp là cần thiết phải điều tra, xét xử lại vụ án toàn diện. Bởi theo lời khai nhận của bị cáo cũng như hồ sơ thể hiện, sau khi việc trộm chó kết thúc, Hanh và đồng phạm chạy đi khá xa với khoảng thời gian 10 đến 15 phút. Sau đó có nhiều người đuổi theo Hanh và đồng phạm. Hanh phản ứng hành hung lại để tẩu thoát. Từ đó có thể thấy bị cáo Hanh có dấu hiệu phạm hai tội là trộm cắp và cố ý gây thương tích chứ không phải một tội trộm cắp như cấp sơ thẩm đã tuyên xử.

Vụ án này báo Pháp Luật TP.HCM từng có bài phân tích và khẳng định việc TAND huyện Bình Chánh xử bị cáo chỉ một tội trộm cắp với hai tình tiết tăng nặng là chưa chuẩn mà phải xử hai tội trộm cắp và cố ý gây thương tích mới đúng. Cụ thể, TAND huyện Bình Chánh tuyên phạt Hanh năm năm tù và xử phạt 10 triệu đồng về tội trộm cắp tài sản với hai tình tiết tăng nặng là hành hung để tẩu thoát và gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo Đoàn Tứ Hanh. Ảnh: HY

Theo hồ sơ, Hanh và đối tượng tên Tính (không xác định lai lịch) chơi chung với nhau. Rạng sáng 14-7-2015, Tính rủ Hanh đi chích điện bắt trộm chó và giao cho Hanh bộ chích điện tự chế. Tính chạy xe máy chở Hanh, khi đến đường Rạch Già thuộc ấp 4, xã Hưng Long, Bình Chánh thì thấy một con chó nên chích điện bắt. Khi đến trước nhà E9/55 ấp 5, xã Hưng Long, thấy con chó màu vàng đang nằm trên ghế đá trước nhà, cả hai lại ra tay như trước. Lúc này con của chủ nhà là anh Trang Sỹ Cường và Nguyễn Trọng Nghĩa phát hiện, tri hô. Tính chở Hanh bỏ chạy. Anh Nghĩa chở anh Cường đuổi theo một đoạn thì phát hiện Tính chở Hanh chạy ngược chiều lại. Anh Nghĩa chạy xe tông trực tiếp vào đầu xe của Tính khiến hai bên ngã xuống đường. 

Do sợ bị bắt nên Hanh dùng dụng cụ chích điện chích vào người anh Nghĩa. Tính dùng nón bảo hiểm đánh anh Cường. Anh Cường, anh Nghĩa cùng người dân khống chế, bắt giữ Hanh giao công an xã, riêng Tính lấy xe máy của anh Cường chạy thoát. Hậu quả là anh Cường bị thương, tỉ lệ thương tích 30%, anh Nghĩa bị 32%.

HOÀNG YẾN

Hành hung để tẩu thoát và cố ý gây thương tích

Về lý luận, tình tiết hành hung để tẩu thoát (trong tội trộm cắp) được hiểu là sau khi đã trộm được tài sản, người phạm tội bị đuổi bắt hoặc đã bị bắt mà người phạm tội có hành vi dùng vũ lực đối với chủ sở hữu hoặc những người khác. Nhưng hành vi dùng vũ lực này chưa gây ra thương tích hoặc nếu đã gây ra thương tích với tỉ lệ thương tật chưa đến 11% mà không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ a đến k khoản 1 Điều 104 BLHS.

Còn nếu tỉ lệ thương tật từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ a đến k khoản 1 Điều 104 BLHS thì tùy trường hợp mà xử về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Nếu hành hung để tẩu thoát mà dẫn đến chết người thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo Điều 93 BLHS.

Nếu người phạm tội sau khi đã trộm được tài sản, bị đuổi bắt hoặc đã bị bắt nhưng cố tình giữ tài sản bằng cách hành hung người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản. Khoa học luật hình sự gọi đó là chuyển hóa từ tội trộm cắp tài sản sang tội cướp tài sản (đầu trộm đuôi cướp).

Ông ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm