Hướng gỡ cho quyền khởi kiện lại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Công văn 02 ngày 2-8-2021 của TAND Tối cao, nếu tòa đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì lý do nguyên đơn không nộp tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác thì nguyên đơn không có quyền kiện lại. Hướng dẫn này đã tạo nên nhiều tranh luận về cả pháp lý và thực tiễn xét xử.

Không gây khó khăn thêm cho bị đơn và người liên quan

Với mong muốn người không có tiền cũng có thể được tiếp cận công lý thông qua tòa án, tháng 4-2020, tôi từng đề xuất phát triển một quyết định của TAND Cấp cao tại Hà Nội thành án lệ theo hướng ngược lại với hướng dẫn Công văn 02/2021 của TAND Tối cao.

Hình minh họa

Theo dự thảo án lệ, sau khi vụ án bị đình chỉ do nguyên đơn không nộp tạm ứng chi phí định giá tài sản thì vẫn được phép khởi kiện lại. Tuy nhiên, dự thảo án lệ này đã không được TAND Tối cao chấp nhận.

Lý do chính dẫn tới việc dự thảo án lệ trên không được chấp nhận:

Thứ nhất: BLTTDS có quy định trường hợp được khởi kiện lại sau khi vụ án bị đình chỉ tại Điều 218 nhưng điều luật này không đề cập cụ thể đến trường hợp vụ án đã bị đình chỉ do nguyên đơn không nộp tạm ứng chi phí định giá tài sản.

Thứ hai: Việc cho phép khởi kiện lại sẽ gây khó khăn cho bị đơn và người có quyền, lợi ích liên quan vì họ lại phải theo nguyên đơn trong một vụ kiện mới mà nội dung không khác với vụ án đã bị đình chỉ.

Thứ ba: Người nghèo đã có cơ chế được miễn tiền tạm ứng chi phí giám định, miễn chi phí giám định.

Nhìn ở góc độ tích cực, nội dung hướng dẫn về vấn đề này của Công văn 02/2021 một phần đã đưa ra lời cảnh báo cho đương sự không hoàn thành trách nhiệm tài chính trong quá trình tố tụng. Phần nữa là sẽ giảm tải công việc cho tòa án và không gây khó khăn thêm cho bị đơn và người có quyền, lợi ích liên quan như đã đề cập ở trên.

Nhưng làm ảnh hưởng đến người có quyền khởi kiện

Hướng dẫn của Công văn 02/2021 của TAND Tối cao về vấn đề “không có quyền kiện lại nếu tòa đã đình chỉ giải quyết vì nguyên đơn không nộp tạm ứng chi phí tố tụng” chắc chắn ảnh hưởng tiêu cực tới người có quyền khởi kiện, nhất là người không được miễn tiền tạm ứng chi phí giám định, miễn chi phí giám định.

Với hướng dẫn của công văn, người có quyền khởi kiện sẽ không dám khởi kiện khi chưa có tiền để nộp tạm ứng chi phí giám định tài sản và họ sẽ đợi đến khi có tiền mới khởi kiện.

Việc này có thể dẫn đến tình trạng thời hiệu khởi kiện sẽ hết nếu tranh chấp có thời hiệu khởi kiện và lúc này quyền khởi kiện bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đối với người đã lỡ khởi kiện nhưng không có tiền nộp tạm ứng chi phí giám định, hướng dẫn trên làm triệt tiêu cơ hội được tòa án phán xét và do đó ảnh hưởng nghiêm trọng quyền khởi kiện của họ.

Nguyên đơn không được quyền kiện lại nhưng tranh chấp vẫn tồn tại. Thực tiễn cho thấy khi không thể nhờ tòa giải quyết thì các bên phải tự giải quyết. Tình trạng sử dụng bạo lực để giải quyết có nguy cơ xảy ra, ảnh hưởng không tốt cho xã hội.

Hơn nữa, Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung quy định TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý và BLDS năm 2015 cũng đã nêu rõ tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Các quy định mới, tiến bộ này thể hiện tinh thần là tòa án phải có trách nhiệm đảm bảo công lý cho người dân mà công lý chỉ có thể được đảm bảo khi tòa án chấp nhận xem xét nội dung vụ tranh chấp. Do đó, có thể thấy hướng dẫn tại Công văn 02/2021 của TAND Tối cao không thực sự phù hợp với tinh thần này.

Sửa quy định, mở đường cho quyền khởi kiện lại

Điều 218 BLTTDS 2015 có quy định những trường hợp được khởi kiện lại sau khi vụ án bị đình chỉ theo cách liệt kê và kết thúc danh sách liệt kê với nội dung “các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”. Nội dung này cho thấy ngoài những trường hợp được liệt kê cụ thể, chúng ta còn có thể có trường hợp khác theo quy định và quy định này có thể là văn bản dưới luật.

Vì vậy, theo tôi, TAND Tối cao nên bỏ nội dung hướng dẫn nêu trên của Công văn 02/2021 và thông qua một nghị quyết cho phép khởi kiện lại. Cạnh đó, cần quy định hướng xử lý bảo vệ bị đơn và người liên quan như “buộc nguyên đơn trả chi phí và thiệt hại mà những người này đã phải gánh chịu đối với vụ án đã bị đình chỉ trước đây”.

PGS-TS ĐỖ VĂN ĐẠI 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm