Hợp đồng chưa phát sinh hiệu lực nên không phải bồi thường

Theo đơn khởi kiện của Công ty N., tháng 9-2011, công ty này và Công ty Q. ký hợp đồng không số về việc cung ứng dịch vụ bảo vệ cho Công ty Q. (hợp đồng sẽ hết hạn vào ngày 9-3-2012). Ngày 10-2-2012, hai bên ký tiếp Hợp đồng số 1002 có thời hạn 12 tháng. Ngày 9-3-2012, Công ty Q. bất ngờ có văn bản đơn phương chấm dứt hợp đồng dịch vụ, gây thiệt hại nặng cho Công ty N. bởi Công ty N. vẫn phải trả lương cho nhân viên trong 12 tháng (theo thời hạn của Hợp đồng số 1002) với số tiền hơn 1,5 tỉ đồng. Vì vậy, Công ty N. khởi kiện yêu cầu Công ty Q. bồi thường số tiền trên.

Trong khi đó, phía Công ty Q. cho rằng trong quá trình thực hiện hợp đồng không số, Công ty N. đã vi phạm điều cấm của hợp đồng và điều cấm của pháp luật là không cung cấp được chứng chỉ nghiệp vụ của các nhân viên bảo vệ. Vì vậy, Công ty Q. quyết định hủy Hợp đồng số 1002. Thực tế vào ngày 9-3-2012, hợp đồng này chưa có hiệu lực, chưa được thực hiện.

Xử sơ thẩm hồi tháng 3-2016, TAND huyện Củ Chi tuyên buộc Công ty Q. phải bồi thường cho Công ty N. hơn 1,5 tỉ đồng. Công ty Q. kháng cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, do Công ty N. chỉ cung cấp được cho HĐXX bảng lương của nhân viên trong chín tháng nên tự giảm mức yêu cầu bồi thường là còn hơn 1,1 tỉ đồng.

Theo HĐXX, theo Hợp đồng số 1002 thì hai bên cam kết hợp đồng có hiệu lực sau khi hai bên ký và đóng dấu vào biên bản bàn giao công việc. Ở đây, phía Công ty N. xuất trình biên bản bàn giao công việc ngày 10-3-2012 để chứng minh Hợp đồng số 1002 đã có hiệu lực là không có căn cứ bởi đây chỉ là bản phôtô, người ký không có thẩm quyền, không được đóng dấu của hai công ty như đã thỏa thuận. Chính phía Công ty N. cũng thừa nhận đã nhận được văn bản yêu cầu chấm dứt hợp đồng vào ngày 9-3 từ phía Công ty Q. nên không thể có việc bàn giao công việc vào ngày 10-3.

Mặt khác, nội dung Hợp đồng số 1002 còn quy định hợp đồng này sẽ được thực hiện vào ngày 10-3-2012. Hợp đồng số 1002 không có quy định ràng buộc nghĩa vụ cho trường hợp các bên chấm dứt hợp đồng khi hợp đồng chưa có hiệu lực và chưa được thực hiện. Việc Công ty N. cho rằng phải trả lương cho nhân viên theo hợp đồng mà hai bên đã ký, nghĩa là phải trả lương trước cả 12 tháng cho nhân viên là không có cơ sở. Từ đó, tòa đã quyết định sửa án sơ thẩm như trên.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm