Hôm nay, Vũ ‘nhôm’ và Út ‘trọc’ cùng ra tòa

Theo nguồn tin của PV, trong hai ngày (30 và 31-7), Tòa án quân sự Quân khu 7 sẽ mở phiên tòa xét xử bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, cựu phó TGĐ Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ và sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức. Đồng thời TAND TP Hà Nội cũng mở phiên sơ thẩm xét xử ông Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm trong vụ án cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước.

Xử Út “trọc” tại Hà Nội

Đáng chú ý, phiên tòa xét xử Út “trọc” sẽ do HĐXX của Tòa án quân sự Quân khu 7 tiến hành tố tụng nhưng được tổ chức tại trụ sở Tòa án quân sự Quân khu thủ đô chứ không phải tại TP.HCM. Nhiều nhân viên Công ty Thái Sơn từng là cấp dưới của Đinh Ngọc Hệ cũng đã được triệu tập ra Hà Nội để tham gia phiên tòa với tư cách nhân chứng.

Tại phiên tòa này, ngoài Đinh Ngọc Hệ, bốn bị cáo khác cũng hầu tòa với vai trò đồng phạm, gồm bị cáo Trần Văn Lâm, Trần Xuân Sơn và Bùi Văn Tiệp, cùng bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 356 BLHS 2015.

Bị cáo Trần Văn Lâm khi phạm tội là tổng giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc phòng. Bị cáo Trần Xuân Sơn khi phạm tội là giám đốc chi nhánh tại Bình Dương, Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn. Bị cáo Bùi Văn Tiệp trước khi phạm tội là sư đoàn trưởng Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không-Không quân (đã nghỉ hưu).

Bị cáo nữa là Phùng Danh Thắm (cựu chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng). Ông Thắm là bị cáo duy nhất bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Phùng Danh Thắm trước khi phạm tội là đại tá, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn.

Cơ quan tố tụng xác định đây là vụ án đồng phạm, trong đó Đinh Ngọc Hệ có vai trò là người khởi xướng và chỉ đạo các đồng phạm khác thực hiện hành vi phạm tội. Trần Văn Lâm, Trần Xuân Sơn và Bùi Văn Tiệp giữ vai trò là người thực hành, giúp sức đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Phiên tòa xét xử Út “trọc” cùng đồng phạm sẽ được tổ chức tại trụ sở Tòa án quân sự Quân khủ thủ đô. Ảnh: TUYẾN PHAN

Xử kín vụ Vũ “nhôm”

Cũng trong hai ngày này (30 và 31-7), TAND TP Hà Nội cũng mở phiên sơ thẩm xét xử ông Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm trong vụ án cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước.

Cùng bị đưa ra xét xử với Vũ “nhôm” còn có ông Phan Hữu Tuấn, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo (Bộ Công an) và ông Nguyễn Hữu Bách, cán bộ Bộ Công an.

Vụ án được xét xử kín và tuyên án công khai. An ninh phiên tòa được siết chặt. PV các báo muốn theo dõi, đưa tin phần tuyên án phải làm thủ tục đăng ký tại TAND TP Hà Nội. Theo quy định tại Điều 25 BLTTHS 2015, trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.

Vũ “nhôm” (43 tuổi) là đại gia bất động sản có tiếng ở Đà Nẵng. Ngày 21-12-2017, ông Vũ bị Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố về tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước theo Điều 263 BLHS 1999. Ngày 4-1, ông Vũ bị đưa về Hà Nội sau nhiều ngày trốn lệnh truy nã tại Singapore.

Ngoài vụ án này, ông Vũ hiện được xác định liên quan đến hai vụ án khác là trốn thuế và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tòa án quân sự quân khu thủ đô chuẩn bị nơi xử chu đáo

Trao đổi với PV về công tác xét xử vụ án Út “trọc”, ông Nguyễn Văn Tiến, Chánh án Tòa án quân sự Quân khu thủ đô, cho biết đơn vị này đã chuẩn bị phòng xử, bố trí người phục vụ sẵn sàng để Tòa án quân sự Quân khu 7 mở phiên tòa xét xử vụ án.

Về lý do tại sao Tòa án quân sự Quân khu 7 không xét xử vụ án trong TP.HCM mà lại chuyển ra Hà Nội, ông Tiến nói ông không biết. “Theo chỉ đạo của cấp trên và theo đề nghị của Tòa án quân sự Quân khu 7 thì chúng tôi chuẩn bị địa điểm xét xử thôi. Còn các vấn đề liên quan đến nội dung vụ án thì không phải việc của chúng tôi”.

Một nguồn tin am hiểu về công tác xét xử thì cho rằng việc xét xử vụ án ở ngoài trụ sở tòa án có thẩm quyền xét xử là chuyện bình thường. “Có thể trong vụ án này các bị can đều bị tạm giam ở Hà Nội thì để thuận lợi cho công tác xét xử, HĐXX từ Quân khu 7 ra đây xử sẽ tiện hơn là xử trong đó. Tôi nghĩ những vụ án đặc biệt thế này sẽ có lãnh đạo chặt chẽ từ Quân ủy Trung ương” - nguồn tin bình luận.

N.NHÂN - T.PHAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm