Hồi ức bị nhục hình của người tù oan

Năm 2003, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Trần (ngụ xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) vì cho rằng nhiều lần giao cấu với bé gái mới 12 tuổi làm bé có thai. Sau khi bị VKSND tỉnh truy tố, cuối năm 2006 TAND tỉnh mở phiên xử nhưng phải tuyên trả hồ sơ vì nhiều tình tiết chưa rõ, ông Trần kêu oan, tố bị bức cung, dùng nhục hình.

641 ngày ngồi tù oan

Sau đó cơ quan CSĐT đã trưng cầu giám định ADN với cháu bé con của nạn nhân. Kết quả cho thấy ông Trần không phải là cha cháu bé. Dù vậy, cơ quan này vẫn đề nghị truy tố ông Trần về tội hiếp dâm trẻ em. Do VKSND tỉnh xác định khi ông Trần có hành vi giao cấu thì nạn nhân đã hơn 13 tuổi nên chuyển sang tội giao cấu với trẻ em.

Tháng 5-2007, TAND tỉnh Đồng Nai xử sơ thẩm lần hai. Tại tòa ông Trần vẫn một mực kêu oan, cho rằng lời nhận tội trong bản khai là bị ép cung, dùng nhục hình. Vì thế tòa hoãn xử. Một tháng sau, tòa mở lại phiên xử nhưng phía người bị hại không có mặt theo giấy triệu tập nên tòa tiếp tục hoãn xử.

Cuối năm 2007, VKSND tỉnh đã thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho ông Trần tại ngoại sau hơn 21 tháng bị tạm giam, đồng thời ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Cuối cùng, ngày 30-3-2008, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định đình chỉ điều tra với lý do: “Hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được hành vi phạm tội của Nguyễn Trần…”.

Từ đó ông Trần liên tục gửi đơn đến các cơ quan như VKSND tỉnh, VKSND Tối cao, TAND Tối cao, Bộ Công an... để yêu cầu được bồi thường oan. Các cơ quan này đều có thông báo chuyển đơn của ông Trần đến VKSND tỉnh để giải quyết theo thẩm quyền. Tuy nhiên, VKS tỉnh bác đơn vì cho rằng trường hợp của ông Trần không thuộc diện bồi thường theo quy định.

Hằng ngày ông Trần làm nhang bán lấy tiền lo cho cuộc sống. Ảnh: V.HỘI

Rối loạn thần kinh do bị nhục hình?

Tháng 3-2016 ông Trần khởi kiện ra TAND huyện Xuân Lộc, yêu cầu VKSND tỉnh Đồng Nai phải tuyên bố mình oan và bồi thường hơn 1 tỉ đồng cho 641 ngày tù oan. Theo ông Trần, số tiền đó gồm bồi thường về tổn hại sức khỏe do bị đánh đập, sức khỏe giảm sút, thiệt hại về chăm sóc con, bồi thường đất bỏ hoang hóa, bồi thường tổn thất về tinh thần...

TAND huyện thụ lý vụ kiện. Trong quá trình làm việc với ông Trần, tòa nhận thấy ông có nhiều biểu hiện bất thường, hay nóng nảy và bất ổn về thần kinh. Vì thế, cuối năm 2016 tòa đã ra quyết định trưng cầu giám định pháp y tâm thần để xác định năng lực hành vi dân sự.

Ngày 6-2-2017, Viện Pháp y tâm thần Trung ương 2 có kết luận giám định gửi tòa. Kết luận này nêu: “Quá trình theo dõi giám định đương sự tiếp xúc được, tư duy nhịp chậm, có những mảng hồi ức khi nhắc đến chuyện xưa bị nhục hình, cảm xúc vẻ bồn chồn, lo lắng, sợ hãi, hành vi yên”.

Cơ quan giám định kết luận về y học, trước khi gây án (trước khi bị bắt - PV) đương sự không có bệnh về tâm thần. Sau khi gây án và hiện tại đương sự bị bệnh rối loạn stress sau sang chấn (F43.1-ICD.10). Hiện nay đương sự không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

Sẽ sớm xét xử

Ngày 12-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, thẩm phán Phạm Thanh Thái (TAND huyện Xuân Lộc), người trực tiếp nhận hồ sơ khởi kiện của ông Nguyễn Trần, cho biết tòa sẽ sớm xét xử vụ kiện.

Theo thẩm phán Thái, sau khi cơ quan giám định kết luận ông Trần không đủ năng lực hành vi dân sự thì tòa đã hướng dẫn con trai của ông là người thay cha đứng đơn khởi kiện theo quy định. Mới đây, tòa đã yêu cầu nguyên đơn bổ sung những chứng cứ liên quan đến vụ kiện. Tòa cũng đã hướng dẫn phía nguyên đơn yêu cầu xác minh những thiệt hại xảy ra để tòa làm cơ sở xem xét thiệt hại.

Cũng theo thẩm phán Thái, ngày 13-6 mới đây tòa đã làm việc với hai bên đương sự. Trong buổi làm việc, đại diện VKSND tỉnh Đồng Nai đồng ý bồi thường thiệt hại với số tiền 314 triệu đồng. Tuy nhiên, phía gia đình ông Trần không đồng ý mà vẫn yêu cầu bồi thường hơn 1 tỉ đồng.

“Chúng tôi đang thực hiện các thủ tục cần thiết theo luật định để sớm đưa vụ án ra xét xử nếu hai bên không thương lượng được số tiền bồi thường” - thẩm phán Thái nói.

Nhắc chuyện cũ, ông như người điên dại

Cuối con hẻm đường đất lầy lội là căn nhà rộng chừng hơn 20 m2 của ông Trần tại ấp 2, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai). Tiếng là nhà nhưng thực ra vách được ghép bằng những mảnh gỗ xẻ cũ kỹ, mái lợp tôn với nhiều lỗ thủng, mỗi khi trời mưa là ướt hết giường chiếu.

Ông Trần ngồi lặng lẽ, đưa mắt thẫn thờ nhìn ra ngoài cửa đang mưa lớn. Khi chúng tôi gợi lại câu chuyện về việc ông bị bắt giam oan nhiều năm trước, bỗng dưng ông như người điên dại. Hai mắt ông long sòng sọc, mặt đỏ ửng nổi rõ những đường gân xanh. Thế rồi ông bắt đầu nói không ngớt, nội dung chỉ là kể tội của cơ quan điều tra trong những ngày ông bị tạm giam. Sự bức xúc cứ kéo dài mãi những câu từ như thể ông đã bị dồn nén rất lâu, chưa bao giờ được nói ra...

Một lúc lâu sau khi kiềm chế được cảm xúc thì ông Trần mới trở lại vẻ mặt hiền từ vốn có. Ông tâm sự rằng những mất mát của mình, gia đình sau khi ông bị bắt giam là quá lớn. “Khi tôi bị bắt, gia đình không có tiền bạc, phải bán đất thăm nuôi, mưu sinh qua ngày. Vợ tôi chết, đứa con trai duy nhất mới 10 tuổi lúc đó không có người chăm sóc phải đi xin ăn” - ông Trần kể.

Lúc ông Trần được tuyên bố oan trở về nhà thì chỉ còn hai bàn tay trắng. Bao nhiêu năm qua ông đi xin việc làm ở ngoài, người ta đều từ chối. Ông chưa được chính thức xin lỗi công khai nên cái án hiếp dâm trẻ em còn “treo” số phận ông, người ta còn nhìn ông với ánh mắt dè chừng. Để có tiền sinh sống, ông làm nhang mang ra chợ bán trong khi sức khỏe và nhận thức ngày càng giảm sút...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm