Hoàng Công Lương nhận tội, xin hưởng án treo

Sáng 12-6, TAND tỉnh Hòa Bình mở lại phiên phúc thẩm xét xử vụ án sự cố chạy thận khiến chín người chết xảy ra tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình.

Bộ Y tế gửi công văn mật

Kết thúc phần kiểm tra căn cước, thủ tục phiên tòa, luật sư Bùi Việt Anh (bào chữa cho bị cáo Hoàng Đình Khiếu, cựu Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) cho rằng trong phiên xử này, cần thiết phải triệu tập điều tra viên để làm rõ các tình tiết trong vụ án.

Đồng thời, nam luật sư cũng có đơn đề nghị HĐXX khởi tố bị can đối với bác sĩ Hoàng Công Tình tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Phúc đáp với luật sư về việc này, chủ tọa phiên tòa – thẩm phán Nguyễn Văn Vận, cho rằng HĐXX đã nhận được hai đơn đề nghị khởi tố đối với bác sĩ Hoàng Công Tình - bác sĩ này tham gia phiên tòa với vai trò người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Tuy nhiên, HĐXX cho rằng thẩm quyền khởi tố hay không khởi tố thuộc về cơ quan Cảnh sát điều tra, VKSND; HĐXX không làm trong phiên xét xử phúc thẩm. Phiên tòa này chủ yếu làm rõ các nội dung kháng cáo của năm bị cáo, các kiến nghị của chín bị hại và hai bị đơn dân sự.

“Trường hợp của bác sĩ Hoàng Công Tình, cơ quan điều tra, VKSND sẽ trả lời luật sư, không thuộc nội dung xét xử phúc thẩm”, chủ tọa nói.

Về ý kiến của luật sư Hoàng Văn Hướng (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương) đề nghị tòa mời đại diện Bộ Y tế, giám định viên Viện khoa học hình sự - Bộ Công an, chủ tọa Nguyễn Văn Vận nói rõ, trong giai đoạn này, HĐXX nhận được công văn của Bộ Y tế về các vấn đề liên quan quá trình xét xử, cho nên cần thiết phải mời đại diện đơn vị này.

“Chúng tôi không mời đại diện Bộ Y tế vào hôm nay, mà mời đơn vị này vào ngày 13-6, để làm rõ việc tại sao Bộ Y tế không tham gia tố tụng, nhưng lại có công văn (Công văn 41 và Công văn 2569) gửi các cơ quan tố tụng trong quá trình tòa giải quyết vụ án này”, chủ tọa cho hay.

Theo chủ tọa phiên tòa, trước khi diễn ra phiên phúc thẩm, Bộ Y tế có hai công văn gửi các cơ quan tố tụng về quá trình giải quyết vụ án sự cố y khoa chạy thận ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, trong đó có một công văn mật.

Xin hưởng án treo

Sau giai đoạn xét xử sơ thẩm, bị cáo Hoàng Công Lương có ba đơn kháng cáo với nội dung lần lượt là: kêu oan; xin miễn trách nhiệm hình sự; xin xem xét lại tội danh, xin giảm hình phạt và xin được hưởng án treo.

Theo nội dung kháng cáo mới nhất gửi TAND tỉnh Hòa Bình ngày 26-3-2019, Hoàng Công Lương đề nghị xem xét tội danh, bị cáo cho rằng chưa đủ căn cứ tội “Vô ý làm chết người” nên xin được thay đổi tội danh, xin giảm hình phạt và hưởng án treo, thay vì bản án 42 tháng tù giam như bản án sơ thẩm đã tuyên.

Đáng chú ý, cả ba lần Hoàng Công Lương gửi đơn kháng cáo đều có nội dung khác nhau và hoàn toàn đối lập nhau chứ không phải bổ sung nội dung kháng cáo.

Là bị cáo được gọi lên trả lời thẩm vấn đầu tiên, bác sĩ Lương xin giữ lại đơn kháng cáo cuối cùng gửi ngày 26-3. Tuy nhiên, bị cáo rút nội dung xin thay đổi tội danh. Như vậy, với quyết định mới nhất, Hoàng Công Lương kháng cáo xin giảm hình phạt và xin được hưởng án treo. Bốn bị cáo còn lại giữ nguyên nội dung kháng cáo.

“Trong đơn kháng cáo cuối cùng có vài vấn đề, vấn đề xem xét lại tội danh thì bị cáo không đề cập đến nữa, bị cáo chỉ xin giảm hình phạt và xin hưởng án treo. Bị cáo đã nhận thức và hiểu quy định của pháp luật về tội Vô ý làm chết người, mong HĐXX xem xét các tình tiết, vai trò và mức độ” - Hoàng Công Lương nói.

Cũng trong phiên xét xử sáng nay, đại diện gia đình các nạn nhân kháng cáo đề nghị xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho Hoàng Công Lương; đề nghị xem xét tăng mức bồi thường bằng cách chấp nhận bồi thường toàn bộ chi phí thực tế của các gia đình về chi phí mai táng.

Bị đơn là Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn kháng cáo cho rằng công ty không phải là đối tượng liên đới phải bồi thường cho gia đình nạn nhân. Do vắng mặt đại diện của bị đơn dân sự, HĐXX đã đọc đơn kháng cáo của Công ty Thiên Sơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm