Hoa khôi dỏm mạo danh Đại học Luật Hà Nội vi phạm gì?

Sự việc một bạn nữ tên Lý Thu Thảo mạo danh là Hoa khôi của Trường Đại học Luật Hà Nội trong kỳ thi “Duyên dáng nữ sinh Trường Đại học Luật Hà Nội – Charm of Law 2020” đang gây ra sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận.

Theo đó, Thảo đã có các hành vi đăng thông tin giả mạo trên trang facebook cá nhân; chia sẻ các link bài báo PR không đúng sự thật về mình; sử dụng thẻ sinh viên giả Trường ĐH Luật Hà Nội…

Lãnh đạo Trường ĐH Luật Hà Nội đã xác nhận Thảo không phải là sinh viên của trường, cũng không phải là thí sinh tham gia cuộc thi nói trên. Nhà trường đã yêu cầu Thảo đính chính lại thông tin nếu không sẽ có các biện pháp mạnh tay.

Lý Thu Thảo trên tạp chí  My Showbiz được giới thiệu là Hoa khôi của Trường ĐH Luật Hà Nội năm 2020. Ảnh: myshowbiz.vn

Dưới góc độ pháp lý, ThS-Luật sư (LS) Nguyễn Văn Dũ (Đoàn LS TP.HCM) nhận định: Chuỗi hành vi mạo danh của Thảo rõ ràng là hành vi gian dối về danh hiệu Hoa khôi của bản thân, gian dối về mối quan hệ của mình với Trường Đại học Luật Hà Nội, gian dối về trình độ học tập…

Trong trường hợp mục đích, động cơ gian dối nêu trên của Thảo nhằm chiếm đoạt tài sản (thông qua hoạt động thiện nguyện, thông qua ký kết hợp đồng quảng cáo sản phẩm…) và Thảo đã chiếm đoạt được tài sản thì hành vi này có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS 2015, khung hình phạt lên đến chung thân nếu tài sản chiếm đoạt có giá trị trên 500 triệu đồng). Nếu chưa chiếm đoạt được tài sản thì hành vi của cô Thảo chưa đủ yếu tố cấu thành tội này.

Còn trong trường hợp Thảo không có động cơ, mục đích chiếm đoạt tài sản thì hành vi gian dối của Thảo vẫn có thể xem xét ở tội danh đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288 BLHS, khung hình phạt tối đa lên đến 7 năm tù).

ThS-LS Nguyễn Văn Dũ phân tích: Hành vi khách quan của Thảo thỏa mãn mặt khách quan của tội danh này là “đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, để bị kết tội này cần chứng minh Thảo đã thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên.

Nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi của Thảo sẽ bị xử phạt hành chính theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020 (quy định XPVPHC trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện,…) đó là hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật”. Theo đó, mức phạt tiền đối với cá nhân là từ 5 đến 10 triệu đồng.

Ngoài ra, trong chuỗi hành vi gian dối của Thảo có cả việc Thảo sử dụng thẻ sinh viên giả. Đây chính là hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341 BLHS 2015, khung hình phạt tối đa lên đến 7 năm tù). Nếu thẻ sinh viên giả do chính Thảo làm ra thì Thảo có dấu hiệu phạm vào tội danh vừa đề cập.

Nếu Thảo không làm ra thẻ sinh viên mà do người khác làm, Thảo chỉ là người sử dụng thì chưa đủ yếu tố cấu thành tội trên. Để cấu thành tội trong trường hợp này cần chứng minh Thảo sử dụng thẻ sinh viên giả để thực hiện hành vi trái pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm