Hết thời hiệu 10 năm vẫn chia thừa kế

Theo đơn kiện của ông S., cha ông chết năm 1997, mẹ ông chết năm 1988, để lại di sản là nhà, đất nhưng không ai để lại di chúc. Cha mẹ ông có sáu người con. Ông khởi kiện yêu cầu chia thừa kế cho sáu anh chị em. Ông L. thì khai trước khi chết, cha mẹ ông đã chia tài sản cho năm anh chị, riêng ông là con út, ở chung với cha mẹ nên được hưởng phần nhà, đất tranh chấp và đã sang tên. Ông không đồng ý chia tài sản. Mặt khác, ông cho rằng cha ông chết năm 1996 nên đã hết thời hiệu chia thừa kế.

Tháng 6-2015, TAND quận Cái Răng xử sơ thẩm xác định người cha chết năm 1997. Tháng 11-2007, ông S. có đơn đề nghị chia thừa kế, được phường hòa giải. Tháng 5-2008, ông S. khởi kiện đòi chia thừa kế, được tòa thụ lý. Sau đó, tòa sơ thẩm đình chỉ giải quyết do hết thời hiệu chia thừa kế nhưng tòa phúc thẩm hủy quyết định này. Năm 2009, ông S. khởi kiện chia tài sản chung. Sau khi có bản án sơ thẩm, ông S. kháng cáo và tòa phúc thẩm hủy án. Đến năm 2014, ông S. khởi kiện yêu cầu chia thừa kế.

Như vậy, theo tòa, từ năm 2007, ông S. có khởi kiện yêu cầu chia thừa kế nên còn thời hiệu chia thừa kế. Từ đó, tòa chia thừa kế làm bảy kỷ phần cho sáu anh chị em (mỗi kỷ phần trị giá hơn 300 triệu đồng), trong đó ông L. được nhận hai kỷ phần vì tòa tính công sức đóng góp của ông vào tài sản cha mẹ để lại. Ông L. phải có trách nhiệm trả lại bằng tiền cho năm anh chị.

Ông L. kháng cáo. Xử phúc thẩm, TAND TP Cần Thơ cho rằng ngay từ đầu (năm 2007), ông S. kiện đòi chia thừa kế nhưng tòa đình chỉ vì hết thời hiệu. Sau đó (các năm 2009, 2010), ông đi kiện đòi chia tài sản chung. Việc chia tài sản chung không được chấp nhận vì không có văn bản thống nhất giữa các anh em cùng xác nhận đó là tài sản chung chưa chia thì năm 2014, ông quay lại kiện đòi chia thừa kế.

Theo tòa phúc thẩm, do cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp là chia di sản thừa kế nên tòa chỉ phân tích có còn thời hiệu chia thừa kế hay không: Thời hiệu chia thừa kế là 10 năm mà cha của hai ông S. và L. chết năm 1996. Điều này được chứng minh bằng giấy chứng tử do địa phương cấp; lời khai của các đương sự qua nhiều thời điểm khác nhau (trong đó có cả ông S.); trong hộ khẩu công an ghi người cha chết năm 1996; cáo phó, bia mộ và nhiều người làm tường trình xác nhận người cha chết năm 1996. Như vậy, theo Điều 80 BLTTDS, đây là chứng cứ không cần phải chứng minh. Cấp sơ thẩm xác định người cha chết năm 1997 là đi ngược các chứng cứ có trong vụ án, đồng thời thụ lý lại vụ kiện yêu cầu chia thừa kế là không có căn cứ. Từ đó, tòa đã sửa án sơ thẩm như đã nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm