Hành trình tìm ‘cha đẻ’ của Thần đồng đất Việt

Vụ kiện “tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ” này bắt đầu từ năm 2006 nhưng vì nhiều lý do, mãi đến trước Tết nguyên đán rồi, TAND quận 1 mới chính thức đưa ra xét xử. theo kế hoạch, ngày mai tòa này sẽ tuyên án như đã công bố trước đó.

Lý lẽ của nguyên đơn

Theo hồ sơ vụ kiện, năm 2001, nguyên đơn là họa sĩ Lê Linh và bị đơn (Công ty TNHH TMDV Kỹ thuật và Phát triển tin học Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh) hợp tác làm bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt. Năm 2002, bộ truyện phát hành được 78 tập, được các bạn đọc nhí say mê đón đọc.

Năm 2006, hai bên phát sinh mâu thuẫn. Họa sĩ Lê Linh cho rằng giám đốc công ty cho người vẽ biến thể. Cùng năm này, họa sĩ khởi kiện và được TAND TP.HCM thụ lý. Qua ba lần tổ chức hòa giải, TAND TP.HCM cho rằng vụ kiện không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình nên chuyển xuống TAND quận 1.

Do nhiều lý do, mãi đến tháng 12-2018, TAND quận 1 mới đưa vụ án ra xét xử nhưng phải hoãn do vắng mặt bị đơn. Đến ngày 25-1, cả hai bên đều có mặt tham gia phiên tòa.

Họa sĩ Lê Linh luôn khẳng định mình chính là tác giả của bốn hình tượng nhân vật Trạng Tý, Sửu “ẹo”, Dần “béo”, Cả “mẹo” - là những nhân vật chủ chốt tạo nên ấn tượng, tạo được tiếng vang trong bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt.

Ông Linh cho biết để có được thành quả được độc giả đón nhận như bây giờ là do bản thân ông một mình xây dựng ý tưởng, sáng tạo kịch bản, nghiên cứu nhiều tư liệu và vẽ tranh từ sơ phác cho đến khi hoàn chỉnh bản vẽ. Khi bộ truyện được sự đón nhận của độc giả, để kịp tiến độ phát hành đòi hỏi phải có thêm người hỗ trợ những thao tác như canh nét, đồ họa…

Ông Linh khẳng định người nào trực tiếp tạo ra tác phẩm thì mới là tác giả và chính ông là người tạo nên điều đó, bà Hạnh không tham gia vào bất kỳ giai đoạn nào của sáng tác nên không phải là tác giả. Bà chỉ là người làm công tác tổ chức và không hề nêu ý tưởng.

Luật sư của ông Linh cũng nêu quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức nhất định, không phân biệt chất lượng, nội dung, phương tiện, ngôn ngữ đã được công bố hay chưa công bố, đăng ký hay chưa đăng ký theo Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ. Ông Linh trình ra tại tòa các hình vẽ sơ phác của bốn hình tượng nhân vật nêu trên.

Họa sĩ Lê Linh (áo trắng) tại tòa. Ảnh: MV

Lập luận của phía bị đơn

Về phía bị đơn, đại diện tại tòa là ông Nguyễn Vân Nam cũng một mực khẳng định bà Hạnh là tác giả duy nhất của bốn hình tượng này. Họa sĩ Lê Linh không phải là đồng tác giả hoặc là tác giả duy nhất, vì bà Hạnh thuê ông Linh và một nhóm người khác nữa thực hiện ý tưởng vẽ lại các hình tượng. Đồng thời, bà Hạnh giao nhiệm vụ cho ông Linh nghiên cứu các điển tích dân gian vẽ thành một bộ truyện tranh dành cho thiếu niên-nhi đồng, sao cho đúng hình dung trong trí tưởng tượng của bà Hạnh.

Theo ông Nam, mặc dù thuê ông Linh nhưng bà Hạnh vẫn tham gia vẽ và chỉ đạo cho ông Linh, “chính bà Hạnh cầm tay chỉ cho ông Linh vẽ” (lời của ông Nam). Ông Nam cũng đưa ra một tài liệu phác họa ý tưởng của bà Hạnh trong thời điểm ban đầu khi lên kế hoạch sản xuất bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt. Trong văn bản ngày 29-3-2002 không có nội dung nào cho thấy ông Linh xác nhận bà Hạnh là đồng tác giả, mà chỉ đề cập đến việc quyền sở hữu thuộc về Công ty Phan Thị.

Về mặt pháp lý, ông Nam cho biết: “Năm 2002, ông Lê Linh cũng đã tự nguyện ký cam kết bằng văn bản để xác nhận cả ông Linh và bà Hạnh là đồng tác giả đối với bốn hình tượng nhân vật trong truyện và được Cục Bản quyền cấp giấy chứng nhận. Và đến nay, giấy chứng nhận vẫn còn hiệu lực. Bên cạnh còn có đơn xin việc của ông Linh thỏa thuận công việc của ông Linh là vẽ minh họa với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng”.

“Bị xúc phạm quyền nhân thân”

Tại phiên tòa, ông Lê Linh nói vẽ nhái lại hình tượng nhân vật mẫu làm biến thể mà không được phép của tác giả là xâm phạm đến quyền nhân thân, xâm phạm đến quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Ông Linh cho biết ông đến hợp tác với Công ty Phan Thị, ông chỉ chuyển quyền sở hữu chứ không chuyển quyền tác giả, “quyền tài sản thì thuộc về công ty, tôi chỉ bảo vệ quyền nhân thân”.

Ông Nguyễn Vân Nam, đại diện phía bị đơn, cũng hỏi lại nguyên đơn như thế nào là xâm phạm quyền nhân thân. Ông Linh khẳng định: “Việc sử dụng mà không xin phép tác giả chính là xâm phạm quyền nhân thân. Công ty Phan Thị đã vẽ nhái lại những hình tượng nhân vật trong truyện tranh Thần đồng đất Việt tạo ra các biến thể mà chưa có sự đồng ý của tác giả trong những sản phẩm có mặt trên thị trường như Thần đồng đất Việt khoa học,Thần đồng đất Việt mỹ thuật…, đó là những vi phạm liên quan đến quyền nhân thân”.

Nguyên đơn cũng nêu nguyện vọng tại tòa là chỉ muốn tòa xác định ai là tác giả, còn quyền sở hữu thì ông không đề cập tới.

Đến ngày 1-2, HĐXX TAND quận 1 tuyên bố vụ án có nhiều tình tiết phức tạp cần làm rõ, HĐXX sẽ nghị án và tuyên án vào ngày 14-2.

Quan điểm của đại diện VKS

Phát biểu quan điểm về vụ án tại tòa ngày 1-2, đại diện VKSND quận 1 cho rằng xác định họa sĩ Lê Linh là tác giả là có căn cứ, vì tại thời điểm này trên thị trường không có ai là tác giả của bộ truyện mang tên Thần đồng đất Việt. VKS cho rằng quyền tác giả phát sinh từ khi tác phẩm được hình thành, sáng tạo, không phân biệt nội dung đã được công bố hay chưa công bố. Phía bị đơn cho rằng đã “cầm tay chỉ cho ông Linh vẽ” nhưng lại không có tài liệu chứng cứ chứng minh nên việc yêu cầu tòa án tuyên bố ông Lê Linh là tác giả của bốn hình tượng nhân vật là có căn cứ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm