Hàng trăm bản cung vi phạm tố tụng, xử lý sao?

Trong phiên xử vụ giám đốc Công ty CP CNTP Sài Gòn Lê Dũng và đồng phạm bị truy tố về các tội buôn lậu, lừa đảo, đưa-nhận hối lộ..., có một tình tiết pháp lý gây tranh cãi: Đại diện VKS tuyên bố không sử dụng các biên bản lấy lời khai có vi phạm mà dựa vào các tài liệu, chứng cứ khác để buộc tội.

Biên bản nào sai thì không sử dụng

Tại phiên tòa, khi tranh luận, luật sư của các bị cáo đã chỉ ra rất nhiều biên bản lấy lời khai trong giai đoạn điều tra có dấu hiệu vi phạm tố tụng. Chẳng hạn chỉ trong một buổi sáng, một điều tra viên (ĐTV) đã lấy lời khai của ba bị can ở hai nơi cách nhau đến... hơn 270 km. Vậy ĐTV di chuyển bằng phương tiện gì, làm cách nào để thực hiện được việc lấy lời khai của ba người này ở khoảng cách xa như vậy chỉ trong khoảng thời gian 3,5 tiếng đồng hồ?

Cạnh đó, có khoảng 150 biên bản lấy lời khai khác cũng có dấu hiệu vi phạm như được lập trong cùng một khoảng thời gian với nhiều bị can nhưng chỉ do một hoặc hai ĐTV thực hiện, có những bị can đang bị tạm giam, có những bị can được tại ngoại nhưng lại được lấy lời khai cùng một lúc. Ngoài ra, ĐTV còn lấy cung ban đêm, lấy cung ngày thứ Bảy mà không giải thích rõ lý do tại sao. Chưa kể có những biên bản thiếu chữ ký của ĐTV, kiểm sát viên (KSV)…

Các luật sư đặt vấn đề: Việc VKS dùng biên bản có vi phạm làm chứng cứ buộc tội các bị cáo có hợp pháp, có đảm bảo nguyên tắc thu thập chứng cứ quy định trong BLTTHS hay không?

Trước câu hỏi này, KSV giữ quyền công tố nói sẽ xem xét và không sử dụng biên bản lấy lời khai nào vi phạm làm bằng chứng để buộc tội các bị cáo. Dù vậy, KSV vẫn khẳng định đủ căn cứ để buộc tội các bị cáo.

Tuy nhiên, các luật sư không đồng tình, cho rằng thân chủ của họ đang kêu oan là bị ép cung, mớm cung. Nếu việc kết tội đơn giản là “cái gì bị chỉ ra sai phạm thì bỏ qua” như vậy sẽ không làm rõ được bản chất, sự thật khách quan của vụ án...

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: H.YẾN

Đã hợp lý?

Việc các bị cáo có tội hay không sẽ do HĐXX đánh giá, quyết định. Vấn đề đáng bàn ở đây là quan điểm “cái gì sai thì bỏ qua” của KSV liệu đã hợp lý trong tố tụng hình sự?

Theo luật gia Đặng Đình Thịnh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia TP.HCM, Điều 10 BLTTHS hiện hành quy định CQĐT, VKS và tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Như vậy, việc có hàng trăm biên bản lấy lời khai vi phạm đã chứng tỏ rằng vụ án chưa được điều tra một cách toàn diện, đầy đủ và chính xác.

“Để tìm ra sự thật khách quan của vụ án đòi hỏi phải đánh giá cả một hệ thống chứng cứ xuyên suốt các quá trình tố tụng. Không phải ngẫu nhiên mà nhà làm luật đưa ra quy trình, thủ tục rất cụ thể, chặt chẽ trong việc cơ quan tố tụng lấy lời khai của nghi phạm. Nếu đơn thuần nói cái gì sai thì bỏ qua và buộc tội bằng cái khác thì chẳng khác gì chỉ chăm chăm buộc tội cho bằng được mà quên đi nguyên tắc xác định sự thật của vụ án là phải khách quan, toàn diện và đầy đủ, không chỉ làm rõ chứng cứ buộc tội mà còn phải làm rõ chứng cứ gỡ tội” - luật gia Thịnh nói.

“Việc buộc tội phải dựa vào nguồn chứng cứ hợp pháp, không vi phạm tố tụng” - TS Nguyễn Duy Hưng (Trưởng khoa Luật Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương) cũng khẳng định. Theo TS Hưng, nếu giữa bên buộc tội và bên gỡ tội có bất đồng trong đánh giá chứng cứ và tác động của chứng cứ đến việc xác định sự thật của vụ án thì HĐXX sẽ thông qua quá trình tranh luận tại phiên tòa để quyết định.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ án có diễn tiến mới.

Nội dung vụ án

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, theo cáo trạng của VKSND TP.HCM, Lê Dũng đã cùng các nhân viên và Trần Thị Bích Tuyền (giám đốc công ty TNHH Lam Tuyền và Công ty TNHH Đại Đắc Tài), Hứa Châu (giám đốc Công ty Lâm Kim Ngọc) câu kết khai báo gian dối, lập hồ sơ thuế khống để nhận tiền hoàn thuế 80 tỉ đồng. Cùng ra tòa với nhóm bị cáo doanh nghiệp này còn có hàng loạt cán bộ hải quan An Giang và TP.HCM (bị truy tố về các tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng)… Giữa tháng 10-2016, TAND TP đưa vụ án ra xử sơ thẩm với tổng cộng 40 bị cáo. Hiện tòa đang nghị án kéo dài và dự kiến sẽ tuyên án vào ngày 11-11.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm