Hacker và 2 phi vụ chuyển nhầm 266.000 USD

Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TPHCM đang điều tra lại vụ án chiếm giữ trái phép tài sản liên quan nữ giám đốc Nguyễn Thị Nở (sinh năm 1980, ngụ quận 12). Tuy nhiên, từ tháng 12-2019 đến nay, người này đã không có mặt ở nơi cư trú, hiện ở đâu không rõ. CQĐT đề nghị bà Nở đến trình diện để làm rõ những nội dung liên quan đến vụ án.

Đáng chú ý, trước đó nữ giám đốc Nguyễn Thị Nở chiếm giữ tiền của hai công ty chuyển nhầm vào và tiêu xài hết. Bà được tại ngoại hầu toà. Tại phiên xử sơ thẩm tháng 11-2019, nữ giám đốc này xin khoan hồng, hưởng án treo do phá sản, chồng bỏ đi phải nuôi con nhỏ, mẹ già...

TAND TP.HCM đã tuyên phạt Nở bốn năm tù về tội chiếm giữ trái phép tài sản. Đồng thời, HĐXX buộc bị cáo này trả lại toàn bộ số tiền cho hai công ty bị hại. 

Sau đó, bị cáo Nở kháng cáo vì cho rằng các cơ quan tố tụng bỏ lọt người, lọt tội. Tháng 2 rồi, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, làm rõ đối tượng Okonkwu Ikenna Chistopher có liên quan đến tội phạm hay không, nhằm tránh bỏ lọt tội phạm, đồng thời làm rõ việc bà Nở thành lập 2 công ty nhằm kinh doanh hay mục đích khác.

Bị cáo Nở nghe toà sơ thẩm tuyên án. Ảnh: H.Y

Theo hồ sơ, Nở là giám đốc Công ty Lucky Star và Công ty Morning Star. Tháng 10-2015, Công ty Heng Pich Chhay (Campuchia) ký hợp đồng mua 594 tấn phân bón các loại của Công ty TNHH Việt Hóa Nông với giá hơn 228.000 USD. Vài ngày sau, Công ty Heng Pich Chhay nhận được email từ đối tác, đề nghị thanh toán vào tài khoản công ty của Nở.

Sau khi chuyển tiền, Công ty Heng Pich Chhay cử đại diện đến kho của Công ty Việt Hóa Nông lấy hàng thì được đối tác cho biết không yêu cầu chuyển tiền cho bên thứ ba. Nhưng trước đó, ngay khi nhận được ngoại tệ chuyển vào tài khoản, Nở đã bán lại cho ngân hàng lấy hơn 5 tỉ đồng.

Tương tự, khoảng tháng 7-2016, Công ty Impulse (Mỹ) ký hợp đồng với một công ty có trụ sở tại Tây Ninh mua hơn 21.900 bộ quần áo. Theo thỏa thuận, công ty ở Mỹ sẽ thanh toán tiền vào tài khoản của ông Jeong Hun Nam mở tại ngân hàng bên Hàn Quốc. Tuy nhiên, Công ty Impulse sau đó nhận được thông báo qua email đề nghị thanh toán 33.620 USD vào tài khoản Công ty Morning Star.

Chuyển tiền xong, nhân viên Công ty Impulse liên hệ với ông Hun Nam thông báo. Tuy nhiên, ông này cho biết không có việc yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của công ty khác. 

Phát hiện việc chuyển tiền nhầm, các công ty trên yêu cầu Nở trả lại nhưng bà ta không đồng ý. Họ sau đó làm đơn tố cáo đến công an. Kết quả điều tra xác định địa chỉ email của ông Jeong Hun Nam đã có người tác động, còn email của Công ty Việt Hóa Nông bị làm giả bằng cách ghi sai một ký tự. Hacker đã sử dụng email yêu cầu các doanh nghiệp chuyển hơn 5,7 tỉ đồng của đối tác vào các tài khoản do các đối tượng chỉ định.

Làm việc với cơ quan điều tra, Nở cho rằng số tiền nhận được là do khách hàng thanh toán cho công ty của mình. Nở khai đứng ra mở công ty để thu gom quần áo xuất khẩu đi châu Phi, nhưng việc kinh doanh, quan hệ với khách hàng là do người chồng Okonkwo Ikenna Christopher (quốc tịch Nigieria) thực hiện. 

Ngày 26-7-2016, Nở nhận được thông báo của chồng có tiền khách hàng chuyển vào tài khoản rút ra trả nợ cho người tên là Bùi Thị Vi 350 triệu đồng, còn lại đưa cho anh ta. Hiện nở không biết Christopher ở đâu. Theo Cục hải quan TP.HCM, kết quả xác minh cho thấy các công ty của Nở chỉ làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa sang Nigeria, không có quan hệ làm ăn với hai công ty đã chuyển nhầm tiền..

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm