Hà Văn Thắm nói về lý do PVN bị thiệt hại 800 tỉ

Luật sư Phan Trung Hoài hỏi ông Nguyễn Xuân Sơn. Ông Sơn cho biết có một lần Hà Văn Thắm gọi điện thoại cho ông việc Oceanbank đang muốn tìm đối tác chiến lược, tăng vốn điều lệ, PVN thì đang có nhu cầu xử lý một số vấn đề liên quan đến NH Hồng Việt... PVN sau đó thống nhất góp 20% vốn điều lệ của OceanBank. Tôi đề nghị với anh Thăng về việc OceanBank phải tiếp nhận con người, cơ sở vật chất của ban trù bị thành lập NH Hồng Việt.

Liên quan đến việc góp thêm 100 tỉ của PVN vào OceanBank (lần góp vốn thứ ba), giữ 20% phần vốn điều lệ của OceanBank, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cho hay, luật pháp luôn biến động, thay đổi nhưng các cam kết với khách hàng thì vẫn được thực hiện theo cái cam kết trước khi luật pháp ban hành. Đặc biệt, căn cứ NHNN đã duyệt rồi, đến tháng 9-2011 mới hết hạn, “Thủ tướng cũng cho phép rồi. Trong tư duy của tôi, các thủ tục này xong rồi thì không bị hồi tố bởi luật mới ra đời” - ông Sơn nói.

Hà Văn Thắm nói về lý do PVN bị thiệt hại 800 tỉ ảnh 1
Luật sư Phan Trung Hoài (trái) tham gia xét hỏi. Ảnh: Đ.MINH

Luật sư Phan Trung Hoài hỏi cựu chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm

Cựu chủ tịch OceanBank cho biết: Thực tế, báo cáo của anh Sự có một số phần liên quan đến yếu kém của OceanBank, nó được cụ thể hóa bởi một loạt các công thức tính toán của các nhân viên thuộc ban trù bị thành lập NH Hồng Việt. Nguyên nhân dẫn đến những đánh giá yếu kém là tỉ lệ an toàn vốn và tỉ lệ dự trữ dự phòng. Nếu tính đúng theo chuẩn sẽ phải trích 64 tỉ đồng nữa nhưng lúc đó OceanBank chỉ có 1.000 tỉ vốn điều lệ và đó là tỉ lệ vốn tối thiếu, OceanBank ở thời điểm 2008 không đủ vốn chủ sở hữu để trích lập cái đó. Điều này dẫn đến các bạn chuyên viên đó đánh giá OceanBank yếu kém. Nhưng điều đó sẽ được khắc phục hoàn toàn nếu như PVN và các cổ đông tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỉ đồng, khi đó thừa sức để trích lập hơn 60 tỉ vốn dự phòng..

“Tôi được nghe nói lại rằng với đánh giá này thì chắc chắc PVN sẽ đầu tư vốn vào OceanBank” - ông Thắm nói.

Ông Thắm cũng cho hay việc tiếp xúc giữa ông với ông Đinh La Thăng hay với những người khác của PVN chủ yếu diễn ra sau (khi có báo cáo đánh giá). Vì OceanBank đã niêm yết trên sàn OTC nên công khai tất cả báo cáo tài chính trên mạng. Ban trù bị thành lập NH Hồng Việt họ tự lấy và tự làm chứ không tiếp xúc chính thức…

. Tại cuộc họp trao đổi với PVN (trước khi ký thỏa thuận), ai là người đưa hợp đồng mẫu?

+ Anh Nguyễn Mạnh Hà đưa thỏa thuận mẫu. Dự thảo đó theo anh Hà nói thì PVN đã sử dụng để đàm phán với nhiều ngân hàng, gần nhất là Pacific, có nhiều điều kiện gần với yêu cầu PVN đưa ra. Các điều khoản đó do PVN đưa ra và tôi chấp nhận. Tôi được anh Thăng nói rõ có hai việc. Một là giá dứt điểm là một; giá thị trường của cậu có là hai thì đó cũng là việc của cậu. Nếu muốn kiếm lời thì phải kiểm lời từ việc hợp tác với PVN chứ không thể bán cổ phiếu giá cao. Thứ hai là OceanBank phải tiếp nhận cán bộ, nhân viên Ban trù bị Hồng Việt và cơ sở vật chất. Anh Thăng cũng nói luôn là phải ký văn bản đó coi như văn bản ghi nhớ để làm căn cứ báo cáo với HĐQT và ĐH cổ đông là đơn vị quyết định chuyện này và báo cáo Thủ tướng... Anh Thăng bảo tôi, cậu mà thay đổi, tớ báo cáo lên HĐQT và Thủ tướng lại thành trò đùa là không được, đã ký là phải chắc chắn thì tớ mới báo cáo.

. Có ý kiến đặt ra rằng,việc ký thỏa thuận giữa hai bên có nhanh chóng quá không?

+ Thỏa thuận của PVN đã được PVN làm đi làm lại với nhiều NH và được sửa đi sửa lại, được PVN chuẩn bị rất kỹ. Bản thân tôi cũng phải xin ý kiến của HĐQT và ĐH cổ đông. Chúng tôi đang rất cần cổ đông chiến lược như PVN, đây là cơ hội tốt cho cả hai bên. Tôi nghĩ không biết thế nào là nhanh hay lâu. Một giờ cũng có thể là lâu và một ngày chưa chắc đã phải là nhanh. Tôi làm kinh doanh, có nhiều quyết định lớn tôi còn quyết định nhanh hơn thế.

Hà Văn Thắm nói về lý do PVN bị thiệt hại 800 tỉ ảnh 2
Ông Hà Văn Thắm đang trả lời thẩm vấn. Ảnh: Đ.MINH

Ông Thắm trình bày thêm: Hôm qua tôi có được nghe VKS công bố thông báo kết luận thanh tra vào năm 2012 liên quan đến phần thanh tra nói OceanBank có thể bị lỗ. Khi đó, chính Trưởng đoàn thanh tra đã thông báo cho tôi nội dung này. Đó là anh ấy căn cứ theo tiêu chuẩn của một số nước trên thế giới áp dụng và thanh tra chủ trương hệ thống NH của Việt Nam trong 10 năm nữa sẽ áp dụng các quy định để đạt được các chỉ tiêu nhưng tôi biết đến nay vẫn chưa áp dụng. Nếu áp dụng các quy định đó sẽ dẫn đến lỗ nên thanh tra chỉ khuyến cáo, không yêu cầu OceanBank thay đổi báo cáo và truy thu cổ tức đã chia cho cổ đông. Nếu đây là việc bắt buộc thì cơ quan thanh tra sẽ yêu cầu OceanBank phải truy thu các cổ tức đã chia và báo cáo lỗ.

Nói cách khác, dù khuyến cáo như vậy nhưng cơ quan thanh tra vẫn chấp nhận Báo cáo tài chính của OceanBank cũng như báo cáo kiểm toán mà Công ty Delloite đã công bố.

Trả lời về việc vì sao PVN không thoái vốn được, Hà Văn Thắm cho biết có mấy vấn đề vướng. Thứ nhất, theo Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Chứng khoán, nếu một cổ đông có tham gia làm thành viên HĐQT của một DN đại chúng sẽ không được phép bán vốn mà phải xin phép trước sáu tháng mới được thoái vốn. PVN luôn có thành viên trong HĐQT nên nếu bán vốn thì được luật này sẽ sai luật khác. Đó là câu trả lời của các cơ quan chức năng tại cuộc họp đó.

Thứ hai, PVN muốn thoái vốn thì phải báo cáo Thủ tướng. Đại diện phần vốn góp lúc đó cho biết thực ra không phải thoái vốn 5% mà PVN đã làm đề án cơ cấu Tập đoàn và sẽ thoái vốn hết.

. Sau khi có việc thanh tra giám sát, OceanBank có nhận được bất kỳ cảnh báo nào từ phía cơ quan chức năng của Nhà nước đối với việc góp vốn của PVN?

+ Thực ra tôi là người chủ động đưa vấn đề này ra vì tôi rất lăn tăn vì chuyện đó. Tại biên bản thanh tra mà VKS trình bày, tôi có nói với trưởng đoàn thanh tra về việc tăng vốn 20%. Tôi đề nghị hoặc là các anh ra tuyên bố trả lại cho cổ đông nếu các anh thấy sai, hoặc các anh phạt (nhưng cho) tồn tại. Thanh tra lại ghi “cho tồn tại”, chúng tôi hiểu rằng họ không yêu cầu đã làm sai phải trả lại cho các cổ đông, hoặc rút vốn về mức 3.500 tỉ mà thực hiện lộ trình thoái vốn. Khi họ viết như vậy thì chúng tôi hiểu vốn đấy là hợp lệ.

. Ông có biết gì về lộ trình thoái toàn bộ vốn của PVN tại OceanBank không?
+ Tôi biết. Tôi còn được đích thân Thủ tướng gặp và nói em tìm đối tác bán cổ phần của PVN đi. Tôi là người trực tiếp giới thiệu một số đối tác, họ nghiên cứu hồ sơ của OceanBank sau khi có kết luận thanh tra năm 2014. Chúng tôi thấy thanh tra đã làm một kết luận thanh tra rất oan ức cho chúng tôi. Chúng tôi đã đưa báo cáo thanh tra đó cho các cổ đông để họ kiểm tra. Họ đã phát văn bản cho PVN đề nghị mua 20% với giá 800 tỉ đồng. Tôi được biết ông Đỗ Văn Hậu của PVN đã báo cáo Thủ tướng về việc này. Tôi được nghe báo lại, ban đầu Phó Thủ tướng đã thông báo đồng ý cho PVN bán cổ phần nhưng phải bảo đảm lợi nhuận cao nhất cho tập đoàn. Sau đó, NHNN lại đề nghị việc này nên giao cho NHNN chứ không nên bán... Kết quả là mấy tháng sau NHNN mua OceanBank với giá 0 đồng. Đó là những việc tôi nghe lại thôi, không biết có đúng không...

Cũng theo ông Hà Văn Thắm, quyết định mua OceanBank với giá 0 đồng đã được TAND TP Hà Nội đề cập trong bản án sơ thẩm yêu cầu phải xem lại việc này…. “Trong ĐH cổ đông năm 2015 đó, các cổ đông cũng không đồng ý bán, cũng không thông qua gì cả. Tôi nghĩ quyết định mua 0 đồng đó không đúng...” - ông Thắm nói.

Ông Hà Văn Thắm cũng nêu nhận xét về đề nghị của đại diện NH Đại Dương (mới) yêu cầu nhận được khoản tiền 20 tỉ đồng của ông Ninh Văn Quỳnh: “Tính kiểu gì cũng dở. Nếu trả cho OceanBank thì có nghĩa là anh Quỳnh, anh Sơn chiếm đoạt phải trả cho OceanBank như vậy sẽ không còn tội tham ô của anh Sơn. Theo kết luận điều tra và cáo trạng ở giai đoạn 1, cứ thất thoát của OceanBank thì có 20% của PVN. Anh Sơn tham ô 49 tỉ trong số 246 tỉ chiếm đoạt của OceanBank. Nếu HĐXX tuyên theo yêu cầu của NH Đại Dương thì bản án trước không còn tội tham ô của anh Sơn. Còn tội tham ô của anh Sơn thì các thiệt hại của OceanBank, người được nhận sẽ là PVN và các cổ đông khác”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm