Grab cung cấp công nghệ hay là doanh nghiệp vận tải?

Ngày 22-10, trong ngày xử thứ tư vụ Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam - đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun (Vinasun) kiện Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab) đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, HĐXX đã quay lại phần hỏi.

Ai quản lý tài xế Grab?

Chủ tọa hỏi phía Grab về giá cước, mức giá tăng vào giờ cao điểm do ai đề xuất. Phía Grab cho biết giá cước do doanh nghiệp (DN), HTX vận tải quyết định. Grab có thực hiện thông báo đến HTX. Về mức giá thì HTX đề xuất. Đây là do lập trình thuật toán có sẵn. Các thuật toán dự đoán tất cả yếu tố phát sinh, chương trình dựa trên trí tuệ nhân tạo.

Chủ tọa hỏi tiếp: “Căn cứ vào đâu Grab thay đổi chiết khấu cho tài xế?”. Phía Grab trả lời: “Dựa trên hợp đồng hợp tác kinh doanh, dựa trên thỏa thuận của các bên để làm cơ sở tăng hoặc giảm”. Chủ tọa thắc mắc: “Vậy sao đối tác tài xế không biết?”. Phía Grab trả lời không làm việc trực tiếp với tài xế mà thông qua HTX.

Khi chủ tọa hỏi về điều kiện đăng ký chạy Grab, phía Grab cho biết trước tiên tài xế làm việc với HTX theo Nghị định 86/2014 của Bộ GTVT. Sau đó, tài xế cung cấp các giấy tờ và ký hợp đồng với HTX để đăng ký hoạt động tại tỉnh, thành mà họ chọn. Cùng với đó, tài xế cung cấp thêm một số thông tin cá nhân, lý lịch tư pháp, sức khỏe và chứng minh sở hữu xe. Tất cả tài liệu này đã đủ thì Grab đào tạo sử dụng tài khoản.

Chủ tọa cho biết tòa đã triệu tập nhiều HTX hợp tác với Grab và họ đều xác định chỉ cung cấp cho tài xế phù hiệu “Xe hợp đồng”, còn việc tài xế quan hệ hợp tác với Grab là việc của tài xế . Các HTX không quản lý tài xế vì các quan hệ hợp tác giữa tài xế và Grab không nằm trong sự kiểm soát của HTX. Tuy nhiên, phía Grab phản bác rằng Grab chỉ hỗ trợ chứ không quản lý tài xế.

Vấn đề ai quản lý tài xế được chủ tọa hỏi nhiều lần bởi theo chủ tọa cần làm rõ để xác định trách nhiệm dân sự nhưng phía Grab không trả lời đúng nội dung. Bản chất hành vi “hỗ trợ” hoàn toàn khác với hành vi “thưởng phạt” tài xế. Grab không quản lý, HTX cũng không quản lý, vậy ai quản lý tài xế? Qua làm việc với các HTX thì các HTX đều cho rằng không quản lý tài xế Grab.

Đại diện Vinasun (ảnh trái) và Grab trình bày tại tòa. Ảnh: PL

Chủ tọa cũng công bố các lời khai nhân chứng là các HTX đều khẳng định giá vận chuyển do Grab quyết định. Các HTX không chịu trách nhiệm gì liên quan đến khiếu nại giữa hành khách và tài xế, trách nhiệm giải quyết thuộc về Grab.

Grab cho rằng tòa chỉ lấy lời khai 9/300 HTX mà Grab hợp tác nên mong HĐXX cân nhắc xem lại. Các HTX kinh doanh vận tải quản lý và xử lý tài xế. Thông qua công nghệ, Grab hỗ trợ HTX kết nối và quản lý các tài xế...

Vinasun: Grab là DN vận tải

Phía Grab còn cho biết mình kinh doanh phần mềm, công nghệ chứ không kinh doanh vận tải taxi. Tuy nhiên, tại phiên tòa chiều qua, phía Vinasun vẫn bảo lưu quan điểm rằng thực tế Grab hoạt động như một DN vận tải taxi, cùng lĩnh vực với Vinasun.

Tòa hỏi phía Vinasun: Trong trường hợp Grab thực hiện đúng Đề án 24 là cài đặt phần mềm ứng dụng gọi xe trên thiết bị di động cho tài xế và DN vận tải thì Vinasun có bị thiệt hại hay không? Phía Vinasun trả lời nếu Grab đúng là một công ty phần mềm và các HTX, các công ty vận tải chỉ trả tiền phần mềm cho Grab thì không thể tạo ra một sự sụt giảm giá cước rất vô lý. Nếu Grab chỉ là một công ty cung cấp phần mềm chân chính thì sẽ không gây ảnh hưởng nhiều.

Theo phía Vinasun, thực tế Grab quản lý toàn bộ quy trình vận hành của tài xế  taxi. Grab đã chuyển hóa thành công ty kinh doanh vận tải và sử dụng một nguồn lực của Grab để tác động vào giá cước. Những vi phạm của Grab đã gây ảnh hưởng hoạt động kinh doanh cùng ngành nghề taxi của Vinasun như tài xế nghỉ việc, xe nằm bãi. Riêng TP.HCM, từ khi có sự tác động của Grab, phần trăm tăng doanh thu của công ty mẹ càng ngày càng giảm. Đến năm 2017, Viansun bị lỗ 42,1%...

Cuối chiều qua, phiên tòa kết thúc phần hỏi, bước vào phần tranh luận bổ sung. Các bên đều cho biết không có gì để tranh luận thêm. HĐXX vào hội ý rồi ra tuyên bố phiên tòa sẽ tiếp tục vào 14 giờ hôm nay (23-10) với phần phát biểu quan điểm của đại diện VKS.

Grab tiếp tục đề nghị giám định lại

Tại tòa, HĐXX công bố theo kết luận giám định của Công ty Cửu Long thì Grab gây thiệt hại cho Vinasun trong khoảng thời gian từ tháng 1-2016 đến tháng 6-2017 với tổng số tiền hơn 85 tỉ đồng.

Theo phía Grab, hồ sơ của Công ty Cửu Long cho thấy công ty này không có năng lực, chuyên môn trong giám định. Các phần việc giám định Cửu Long thuê một công ty khác thực hiện. Do đó, phía Grab đề nghị giám định lại và việc này do tòa quyết định. Phía Grab cũng yêu cầu tòa chọn một công ty có uy tín, chuyên nghiệp, nếu được thì thuê công ty nước ngoài có uy tín giám định lại thiệt hại.

Theo HĐXX, phía Grab cần chỉ ra những căn cứ cho rằng giám định của Cửu Long là không chính xác, vi phạm pháp luật. Phía Grab vẫn bảo lưu quan điểm là Cửu Long không có năng lực chuyên môn trong giám định nên kết quả giám định không có cơ sở chính xác, có vi phạm. Phía Grab cũng đồng ý tạm ứng một khoản phí để giám định lại nếu tòa có quyết định giám định lại.

Về vấn đề này, phía Vinasun cho biết không có ý kiến, nếu tòa xét thấy cần thiết thì giám định lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm