Gói thầu số hóa và thủ thuật ông Nguyễn Đức Chung ưu ái Nhật Cường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VKSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố đối với các bị can trong vụ án xảy ra tại Sở KH&ĐT TP Hà Nội. Đây là vụ án được tách ra từ vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan, thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Theo đó, ông Nguyễn Đức Chung, cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội bị truy tố tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Ngoài ông Chung, nhiều bị can khác bị truy tố tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, gồm ông Nguyễn Văn Tứ, cựu chánh Văn phòng Thành ủy, giám đốc Sở KH&ĐT TP Hà Nội; Phạm Thị Thu Hường, cựu chánh văn phòng Sở KH&ĐT; ông Nguyễn Tiến Học, cựu phó giám đốc Sở KH&ĐT và bà Phạm Thị Kim Tuyến, cựu trưởng phòng đăng ký kinh doanh Sở KH&ĐT.

Hai bị can khác cũng bị cáo buộc cùng tội danh trên gồm ông Võ Việt Hùng, giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Đông Kinh và ông Lê Duy Tuấn, giám đốc kinh doanh Công ty Đông Kinh.

Chỉ một ngày trước khi mời thầu, Bùi Quang Huy gửi email cho ông Nguyễn Đức Chung đề xuất lùi ngày đóng thầu, và được đồng ý ngay sau đó.

Theo cáo trạng, từ năm 2015 đến 2018, Sở KH&ĐT làm chủ đầu tư thực hiện ba gói thầu số hóa hồ sơ đăng ký kinh doanh trên địa bàn Hà Nội, tương ứng với ba hợp đồng kinh tế được ký kết. Trong ba gói thầu này, hai gói năm 2016 và 2017 do liên danh Công ty Nhật Cường – Công ty Đông Kinh thực hiện đã xảy ra nhiều sai phạm trong việc đấu thầu.

Đối với gói thầu năm 2016, đến thời điểm đóng thầu, có bốn nhà thầu đã nộp hồ sơ dự thầu và đủ điều kiện để mở thầu. Sở KH&ĐT dự kiến tổ chức mời thầu và xét thầu vào ngày 16-5-2016.

Tuy nhiên, chỉ một ngày trước đó, Bùi Quang Huy (Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường, đã bỏ trốn) gửi email cho ông Nguyễn Đức Chung, đề xuất ông Chung chỉ đạo lùi ngày đóng thầu thêm hai tuần để Huy giới thiệu một công ty tham gia đấu thầu.

Ngay sau khi Huy gửi email, ông Chung hai lần gọi điện cho ông Nguyễn Văn Tứ (khi đó là Giám đốc Sở KD&ĐT) để chỉ đạo dừng thực hiện gói thầu số hóa năm 2016. Thực hiện mệnh lệnh từ cấp trên, ông Tứ yêu cầu thuộc cấp tại Sở KH&ĐT triển khai các thủ tục để tạm dừng gói thầu này.

Ngày 30-7-2016, Bùi Quang Huy tiếp tục gửi email cho ông Chung, đề xuất ông Chung dừng tất cả gói thầu số hóa trên địa bàn Hà Nội để giao cho công ty Nhật Cường thực hiện. Huy cho rằng nếu Hà Nội làm đơn lẻ sẽ không tích hợp được vào hệ thống dùng chung của thành phố, đồng thời nếu cho Nhật Cường làm thì sẽ mang lại một khoản thu nhập cho công ty.

Về phía mình, Võ Việt Hùng (Giám đốc Công ty Đông Kinh) biết Huy quan hệ thân thiết với ông Chung nhưng Nhật Cường không có năng lực triển khai dự án số hoá trên nên đã mời hợp tác. Liên danh Nhật Cường - Đông Kinh được thành lập.

Cuối năm 2016, sau khi Sở KH&ĐT phát hành hồ sơ mời thầu sửa đổi, Huy cùng các bị can tại Công ty Đông Kinh nhờ pháp nhân của một số công ty làm "quân xanh" để nộp hồ sơ dự thầu cho đủ số lượng tham gia.

Công ty Nhật Cường còn ký hợp đồng khống cung cấp và triển khai phần mềm ERP với Công ty TNHH Thương mại Minh Hoa (do bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa, vợ ông Chung, làm giám đốc) để hợp thức hóa năng lực trong hồ sơ đấu thầu của Nhật Cường.

Tháng 12-2016, trước thời điểm mở thầu, Huy thông báo thay đổi tư cách dự thầu, đề xuất đơn vị tham gia đấu thầu là liên danh Nhật Cường - Đông Kinh. Trong đó, Nhật Cường đảm nhận 76% khối lượng giá trị gói thầu, Đông Kinh phụ trách phần còn lại.

Không nằm ngoài dự tính, liên danh Nhật Cường - Đông Kinh trúng gói thầu số hoá 2016 trị giá 42 tỉ  đồng. Sau đó, Huy đã chuyển nhượng 100% công việc cho Công ty Đông Kinh thực hiện. Sở KH&ĐT thanh toán hơn 42 tỉ đồng, Nhật Cường chuyển cho Đông Kinh 29 tỉ đồng.

Tương tự, với gói thầu số hóa năm 2017, sau khi nhận gần 17 tỉ đồng từ Sở KH&ĐT, Nhật Cường đã chuyển gần 11 tỉ đồng cho Đông Kinh theo hợp đồng thoả thuận.

Cả hai hợp đồng, Công ty Nhật Cường đều bán lại cho Đông Kinh và hưởng lợi gần 20 tỉ đồng. Trong số này, Huy dùng 9 tỉ đồng để biếu tặng và làm chi phí kinh doanh, 10 tỉ chi cho hoạt động khác của công ty. Sau khi trừ các chi phí thực hiện hai gói thầu, Đông Kinh có lợi nhuận hơn 6,5 tỉ đồng.

Cũng theo cáo trạng, tổng giá trị mà Sở KH&ĐT đã thanh quyết toán cho hai gói thầu số hóa năm 2016 và 2017 là hơn 59 tỉ đồng. Sau khi trừ đi hơn 33 tỉ đồng chi phí hợp lý, hợp lệ, số tiền mà ngân sách bị thiệt hại là hơn 26 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm