Giữ niềm tin công lý cho người nghèo

“Đứng trước vành móng ngựa, bị cáo vỡ òa hạnh phúc, quỳ sụp xuống và bật khóc nức nở, liên tục chắp tay lạy tạ trợ giúp viên cùng HĐXX. Những người dự khán đều xúc động. Tôi vội vàng chạy xuống đỡ bà dậy và dìu bà ra khỏi phòng xử trong khi tiếng nấc vẫn nghẹn ngào trong cổ họng, còn gì là hạnh phúc hơn”.

Đó là tâm sự của chị Bùi Thị Công Nương, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP.HCM, trong một vụ án mà chị tham gia.

Đồng cảm với hoàn cảnh của bị cáo

Nối tiếp câu chuyện, chị Nương kể: Người phụ nữ trong vụ án trên thuộc hộ nghèo, trình độ học vấn thấp, nhận thức về pháp luật hạn chế, trong lúc cùng quẫn do con bị bắt tạm giam đã thực hiện hành vi đưa hối lộ. Bà bị TAND TP.HCM phạt hai năm tù và phạt tiền 10 triệu đồng để sung quỹ nhà nước. Điều đó khiến bà rất hoang mang, lo sợ, chỉ biết khóc và khóc.

“Tôi đã phải an ủi, động viên tinh thần cho bà rất nhiều lần, giúp bà chuẩn bị đơn kháng cáo đề nghị được hưởng án treo và tiếp tục tham gia bào chữa.

Tại phiên tòa phúc thẩm, tôi cố gắng phân tích những tình tiết giảm nhẹ của bị cáo như bị cáo lâm vào con đường phạm tội cũng xuất phát từ tình thương của người mẹ; bị cáo đã thành khẩn khai báo thể hiện sự ăn năn, hối cải của mình; bị cáo đã ra tự thú và hỗ trợ các cơ quan chức năng nhanh chóng làm sáng tỏ nội dung vụ án; hoàn cảnh gia đình bị cáo hết sức khó khăn khi gia đình thuộc hộ nghèo; bản thân đang mắc bệnh nan y, còn chồng thì bị tai biến, hai con thì một đang thụ án tù, một đang học lớp 12.

Cuối cùng TAND Cấp cao TP.HCM đã thấu hiểu và đồng cảm, chấp thuận đề nghị của tôi, cho bị cáo được hưởng án treo, đồng thời miễn cả hình phạt tiền”.

Các trợ giúp viên pháp lý đang tư vấn miễn phí cho người dân tại một buổi trợ giúp pháp lý lưu động. Ảnh: Y.CHÂU

Địa chỉ tin cậy của người nghèo

Kể đến đây, ánh mắt của người bao nhiêu năm trong nghề nhưng tâm huyết thì vẫn sôi sục như thuở ban đầu như sáng lên. Rồi chị Nương quay sang kể về cơ quan mình. “Thấm thoát mà Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP.HCM đã thành lập được 20 năm rồi, em à!” - chị nói.

Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP.HCM là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tư pháp TP.HCM, do UBND TP thành lập vào ngày 21-9-1998. Trung tâm cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho đối tượng được trợ giúp pháp lý như hộ nghèo, người có công, trẻ em không nơi nương tựa… nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho họ.

Ngoài ra, việc trợ giúp pháp lý miễn phí của trung tâm còn nâng cao sự hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của người dân; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật; bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội; phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.

“20 năm qua, đội ngũ trợ giúp viên, luật sư (LS) cộng tác viên của trung tâm vẫn miệt mài, tận tụy với nghề của mình, lấy hiệu quả công việc làm niềm vui nghề nghiệp, song nhiều lúc vẫn chạnh lòng khi bị cho rằng “cái gì miễn phí thì chất lượng không tốt”” - chị Nương trải lòng. Để xóa bỏ suy nghĩ này và khẳng định hiệu quả hoạt động, trung tâm thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý. Cụ thể, từ năm 2008 đến nay có 6.000 hồ sơ cử LS, trợ giúp viên tham gia tố tụng với kết quả đánh giá đạt chất lượng tốt 100%; 170.000 hồ sơ tư vấn tại quận, huyện, kết quả đánh giá đạt chất lượng tốt và được công nhận 80%.

“Để khẳng định vai trò, vị trí của mình, các trợ giúp viên luôn không ngừng nỗ lực học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhằm hoàn thiện bản thân và xem trách nhiệm nghề nghiệp, sự cống hiến, tận tụy là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình hoạt động” - chị Nương nói và cho biết trung tâm đã tổ chức khoảng 25 buổi tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho đội ngũ thực hiện và cán bộ tư pháp phường, xã.

Ngoài ra, mỗi năm trung tâm cùng các phòng tư pháp quận, huyện tổ chức khoảng 50 cuộc họp giao ban cộng tác viên tại 24 quận, huyện nhằm nắm bắt tình hình hoạt động, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của cộng tác viên về công tác trợ giúp pháp lý tại địa bàn, đồng thời báo cáo pháp luật và tập huấn kỹ năng tham gia trợ giúp pháp lý cho cộng tác viên.

“Hơn ai hết, chúng tôi luôn mong muốn ngày càng có nhiều người dân biết đến hoạt động trợ giúp pháp lý, coi trung tâm là địa chỉ tin cậy họ tìm đến khi cần được trợ giúp pháp lý” - chị Nương nói.

Trợ giúp pháp lý miễn phí 235.000 vụ việc

Trong suốt 20 năm thành lập và hoạt động, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP.HCM đã trợ giúp pháp lý 235.000 vụ việc (chiếm 11% so với cả nước). Trong đó trợ giúp viên và cán bộ, viên chức trung tâm thực hiện khoảng 8.500 vụ việc, LS cộng tác viên trợ giúp pháp lý thực hiện khoảng 226.500 vụ việc, giúp đỡ cho đối tượng là người nghèo chiếm 32%; người có công cách mạng chiếm 7%; trẻ em chiếm 5%; người dân tộc chiếm 3%; người già chiếm 1%; người khuyết tật và người nhiễm HIV chiếm 1%; còn lại 51% là người thuộc diện khác.

Tất cả trường hợp nói trên, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP.HCM đã chủ động xem xét, xác minh đối tượng và cử người tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ những người được trợ giúp pháp lý một cách kịp thời và tận tình.

Cạnh đó, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP.HCM đã tham mưu cho Sở Tư pháp và UBND TP.HCM ban hành nhiều văn bản quan trọng, triển khai thực hiện hiệu quả các quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý.

Từ năm 2009 đến 2016, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP.HCM đã đạt được danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, nhận được bằng khen của Bộ Tư pháp, của Thủ tướng Chính phủ, của UBND TP và giấy khen của Sở Tư pháp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm