Giới thiệu ‘án lệ’ - Bài cuối: Án dân sự hay hành chính?

Tháng 11-1994, ông Lê Văn Phê (ngụ huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu) ký Hợp đồng số 08, nội dung giao khoán bảo vệ rừng, gây trồng rừng phòng hộ ven biển với Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu. Tổng diện tích khoán bảo vệ rừng là 23,5 ha, thời hạn hợp đồng đến tháng 11-2044.

Kiện vì không được tiếp tục giao khoán rừng

Tháng 10-2003, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ban hành quyết định giao bổ sung 2.150 ha rừng và đất nông nghiệp cho ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh, trong đó có diện tích 23,5 ha rừng phòng hộ mà ông Phê nhận khoán.

Sau đó, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu lập biên bản thanh lý hợp đồng, có nội dung hủy bỏ Hợp đồng giao khoán số 08 giữa ban quản lý và ông Phê. Tháng 12-2006, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu có văn bản thông báo cho ông Phê biết Hợp đồng giao khoán số 08 không còn giá trị.

Ông Phê khiếu nại. Tháng 7-2007, Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có văn bản trả lời khiếu nại của ông như sau: Phần diện tích 23,5 ha của Hợp đồng số 08 mà ông Phê nhận khoán hiện nay là 37,93 ha (bao gồm diện tích đất rừng phát sinh thêm do trước đây không được đo đạc cụ thể). Ông Phê đã chuyển nhượng cho sáu hộ đang quản lý tổng diện tích 26,46 ha và giao cho Trạm quản lý bảo vệ rừng Phước Thuận quản lý 11,47 ha. Đề nghị ông Phê thanh lý Hợp đồng số 08 và không ký hợp đồng giao khoán với ông Phê nữa; nếu ông Phê tranh chấp thì là tranh chấp dân sự giữa ông Phê và ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh.

Tháng 9-2007, ông Phê và Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu đã thanh lý Hợp đồng giao khoán số 08. Sau đó, ông Phê có đơn gửi cho ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh xin tái lập hợp đồng khoán bảo vệ rừng, gây trồng rừng phòng hộ nhưng không được chấp nhận.

Tháng 3-2012, vợ chồng ông Phê khởi kiện ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh ra TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, yêu cầu ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh tái lập hợp đồng khoán bảo vệ rừng và gây rừng theo các điều khoản đã thỏa thuận trong Hợp đồng giao khoán số 08. Tháng 9-2012, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xử sơ thẩm đã bác đơn kiện của vợ chồng ông Phê. Vợ chồng ông Phê kháng cáo. Tháng 12-2012, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Giám đốc thẩm: Dân sự, không phải hành chính

Tháng 10-2013, chánh án TAND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hủy cả hai bản án hành chính sơ, phúc thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.

Tháng 4-2014, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xử giám đốc thẩm, xét thấy: Trong quá trình nhận khoán, Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng ông Phê đã vi phạm hợp đồng nhận khoán (chuyển nhượng rừng cho sáu hộ dân khác - NV) nên khi thanh lý Hợp đồng giao khoán số 08, ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh không đồng ý tái lập hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng mới với ông Phê.

Theo Hội đồng Thẩm phán, Hợp đồng giao khoán số 08 là hợp đồng dân sự nên tranh chấp giữa ông Phê và ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh về việc ông Phê yêu cầu tái lập hợp đồng khoán bảo vệ rừng là tranh chấp dân sự. Mặt khác, khi ông Phê khiếu nại việc không tái lập hợp đồng giao khoán, Sở NN&PTNT tỉnh đã có công văn trả lời ông Phê, xác định đây là tranh chấp dân sự, được điều chỉnh theo quy định của BLDS. Do đó, tranh chấp trong vụ án này là tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.

Cũng theo Hội đồng Thẩm phán, hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đều cho rằng hành vi không tái lập hợp đồng khoán bảo vệ rừng thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án bằng vụ án hành chính là không đúng quy định tại khoản 2 Điều 3 và Điều 28 Luật Tố tụng hành chính, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hành chính, làm mất quyền khởi kiện vụ án dân sự của ông Phê.

Từ đó, Hội đồng Thẩm phán xét thấy cần phải hủy hai bản án sơ, phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giải quyết lại. Khi giải quyết lại vụ án, TAND tỉnh Bà Rịa-Vùng Tàu hướng dẫn vợ chồng ông Phê sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện vụ án dân sự, sau đó xóa sổ thụ lý, chuyển hồ sơ vụ án cho TAND TP Bà Rịa (nơi có trụ sở ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh) hoặc TAND huyện Xuyên Mộc (nơi thực hiện Hợp đồng số 08) giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Nên phát triển thành án lệ?

Một kiểm sát viên VKSND TP.HCM nhận xét trong vụ án trên, hợp đồng giữa ông Phê với ban quản lý rừng phòng hộ là hợp đồng dân sự rất rõ ràng, nếu đưa ra giải quyết về vụ án hành chính thì ảnh hưởng đến quyền lợi của ông Phê. Trong thực tiễn, những trường hợp dễ gây nhầm lẫn khi xác định án dân sự hay hành chính như trên xảy ra không ít và pháp luật không bao quát hết nên cần thiết phát triển thành án lệ.

Trong khi đó, luật sư Đoàn Văn Nên (Đoàn Luật sư TP.HCM) lại cho rằng cấp giám đốc thẩm chưa phân tích, giải thích, làm rõ một cách thuyết phục về việc tại sao lại xác định đây là hợp đồng dân sự… Nội dung đề xuất án lệ chưa nêu rõ vấn đề pháp lý quan trọng về việc khi quan hệ được xác lập là hợp đồng dân sự thì dù có sự thay đổi về chủ thể tham gia hợp đồng bằng quyết định hành chính, các tranh chấp về việc thực hiện, thay đổi, chấm dứt hợp đồng vẫn là tranh chấp dân sự chứ không phải tranh chấp hành chính. Yêu cầu giải quyết tranh chấp phải được giải quyết theo tố tụng dân sự chứ không phải tố tụng hành chính.

“Quyết định giám đốc thẩm không có căn cứ”

Theo tôi, quyết định giám đốc thẩm không có căn cứ và không phù hợp với pháp luật bởi các lẽ sau:

Thứ nhất, vợ chồng ông Phê khởi kiện yêu cầu ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh tái lập hợp đồng khoán bảo vệ rừng và gây rừng theo các điều khoản đã thỏa thuận trong Hợp đồng số 08 chứ không phải tranh chấp về Hợp đồng số 08. Vả lại, giữa ông Phê và Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu đã thanh lý Hợp đồng số 08, coi như đã xong, không ai còn khiếu nại đối với Hợp đồng số 08 này nữa.

Thứ hai, quyết định giám đốc thẩm hình như có sự nhầm lẫn về điều luật nên đã có nhận định: “Tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm đều cho rằng hành vi không tái lập hợp đồng khoán bảo vệ rừng thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án bằng vụ án hành chính là không đúng với quy định tại khoản 2 Điều 3 và Điều 28 Luật Tố tụng hành chính, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hành chính, làm mất quyền khởi kiện vụ án dân sự của ông Phê”. Tôi thấy nhận định này của quyết định giám đốc thẩm nêu trên là không phù hợp với điều luật đã viện dẫn. Theo tôi, hai bản án sơ, phúc thẩm đã xử là có căn cứ, phù hợp với pháp luật vì: Khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính quy định: Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật. Điều 28 Luật Tố tụng hành chính quy định: “Những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án: 1)- Khiếu kiện …, hành vi hành chính…”.

Tóm lại, với những căn cứ như đã phân tích, tôi không đồng tình với đề xuất công nhận án lệ đối với quyết định giám đốc thẩm trên.

NGUYỄN NGỌC LẠC, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm