Giới luật sư chống chọi với đại dịch COVID-19

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và ngày càng nguy hiểm thì hoạt động nói chung của giới luật sư (LS) cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Đặc biệt, ngày 10-3 vừa qua, chánh án TAND Tối cao ban hành Chỉ thị số 02/2020 về việc tạm dừng nhận đơn khởi kiện, các loại giấy tờ khác tại trụ sở tòa án; tạm dừng mở các phiên tòa, phiên họp… đến hết tháng 3.

Doanh số giảm 50%

“Dù hoạt động rất khó khăn nhưng buộc chúng tôi phải chấp nhận vì đây là tình hình chung. Doanh thu của công ty giảm 50% và gây ra rất nhiều khó khăn” - LS Kim Ron Tha, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thành Văn, Đoàn LS TP.HCM, than thở.

Theo LS Kim Tha, tiền ông thuê mặt bằng để đặt nơi làm việc cho công ty là 12 triệu đồng/tháng. Tính cả các chi phí điện, nước, trả lương cho nhân viên thì công ty luật của ông phải tốn hơn 50 triệu đồng/tháng. Trong khi đó không tính các khách hàng, đối tác tư vấn thường xuyên, bình thường Công ty Luật TNHH Thành Văn mỗi tháng tiếp nhận từ 40 đến 60 khách hàng mới.

Tuy nhiên, từ thời điểm dịch COVID-9 diễn biến phức tạp, tòa tạm ngưng xử thì công ty phải tạm ngưng hoàn toàn việc nhận tư vấn, tranh tụng đối với khách hàng mới. Đối với các khách hàng cũ thì công ty cũng không tiếp xúc trực tiếp mà làm việc với nhau thông qua các kênh Zalo, Facebook, email…

LS Kim Tha cho biết bản thân vừa là lãnh đạo công ty vừa là LS trực tiếp tranh tụng tại tòa nên khi tòa tạm ngưng xét xử thì ông cũng mất đi một nguồn thu nhập đáng kể. Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng công ty vẫn cam kết chất lượng phục vụ tốt nhất cho những ai có nhu cầu tư vấn pháp lý.

“Công ty có số hotline để khách hàng có thể liên lạc bất cứ lúc nào. Để cùng chung tay chống dịch với xã hội thì công ty cũng đã cho nhân viên và LS làm việc tại nhà đến hết tháng 3. Mọi công việc được tiến hành qua các kênh như email, Zalo, Facebook; công ty cũng tiến hành họp trực tuyến để giải quyết các vụ việc phức tạp…” - LS Kim Tha nói.

Theo LS Nguyễn Đức Thắng Ý, Giám đốc Công ty Luật TNHH Bình Chánh, TP.HCM, hoạt động của LS và các tổ chức hành nghề LS thường gắn liền hoạt động với các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có tòa án.

Do vậy, theo Chỉ thị số 02 thì các LS không thể trực tiếp đến tòa nộp hồ sơ các loại mà chỉ gửi qua đường bưu chính hoặc qua cổng thông tin điện tử của tòa án. Mặt khác, các LS cũng phải tạm dừng các hoạt động tham gia tố tụng để bảo vệ cho khách hàng tại tòa án. Đây là những ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động và nguồn thu nhập của LS.

Hình ảnh các văn phòng luật sư vào chiều 16-3. Ảnh: M.VƯƠNG

Tạm ngưng hoạt động ở chi nhánh

LS Nguyễn Văn Dũ, Trưởng Văn phòng Luật sư  Chuyên Chính, Đoàn LS TP.HCM, cho biết: “Chúng tôi thuê mặt bằng mở chi nhánh tại TP Phan Thiết (Bình Thuận) mỗi tháng 4 triệu đồng. Nếu tính cả tiền điện, nước, Internet, điện thoại cố định và tiền thuê nhân viên thì mỗi ngày chi nhánh mất khoảng 500.000 đồng…”.

Theo LS Dũ, do là mặt bằng nhỏ, ở tỉnh và văn phòng có ít nhân viên nên thiệt hại không lớn chứ nếu ở các TP lớn, giá mặt bằng cao, đông nhân viên thì thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều. Nhưng để chung tay phòng, chống dịch, chi nhánh sẽ tạm dừng mọi hoạt động như tiếp khách hàng, dịch vụ soạn đơn, tư vấn pháp luật.

Vì mất các nguồn thu này nên đã ảnh hưởng rõ đến doanh thu của chi nhánh. Cũng vì không tiếp khách nên chi nhánh cũng mất lượng khách hàng tương lai có các nhu cầu dịch vụ pháp lý như bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong các vụ án, vụ việc.

Cũng theo LS Dũ, do dịch bệnh diễn biến khó lường, để ngăn ngừa sự lây lan, không chỉ ngành tòa án mà ngành công an cũng hạn chế giải quyết cho tiếp xúc giữa người bào chữa với bị can, bị cáo đang bị tạm giam. Thực tế này còn gây ra ảnh hưởng mang tính phi vật chất, đó là chất lượng bào chữa và việc bảo vệ quyền lợi cho thân chủ.

Đối với việc tòa án tạm dừng các hoạt động tiếp xúc trực tiếp thì một số hoạt động của LS cũng sẽ bị ảnh hưởng như thiếu chủ động trong việc tiếp xúc hồ sơ vụ án, vụ việc tại tòa án. LS còn thiếu chủ động trong việc trao đổi với người tiến hành tố tụng về hoạt động tố tụng, về chứng cứ để giải quyết vụ án, vụ việc, một số hoạt động tố tụng phải tạm dừng, kéo dài thời hạn giải quyết.

“Tuy nhiên, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ Chỉ thị số 02 của ngành tòa án. Chúng ta cùng có trách nhiệm góp phần chung tay phòng, chống dịch một cách tốt nhất, mỗi người hãy chịu một ít thiệt hại để cùng cả nước và thế giới vượt qua cơn đại dịch trong thời gian sớm nhất có thể” - LS Dũ trần tình.

LS Nguyễn Đức Thắng Ý thì chia sẻ: “Tôi biết ngành tòa án ban hành chỉ thị là nhằm bảo đảm cho việc phòng, chống đại dịch và đảm bảo sức khỏe cho các thành phần tham gia tố tụng nên nói chung tôi thoải mái khi tiếp nhận. Tuy không tiếp xúc trực tiếp nhưng nếu khách hàng có yêu cầu thì các LS sẽ tư vấn và làm việc qua các phương thức như email, điện thoại, tin nhắn. Thậm chí nếu cần thiết, LS chúng tôi vẫn trực tiếp gặp gỡ khách hàng để tư vấn và cung cấp dịch vụ pháp lý”.

Mọi hoạt động hầu như chững lại

Khi dịch COVID-19 xuất hiện, mọi hoạt động của văn phòng LS của tôi hầu như đã chững lại, mặc dù đến thời điểm này tỉnh Đồng Nai kiểm soát rất tốt tình hình lây nhiễm.

Hiện tòa án đã tạm ngưng mở các phiên tòa, những phiên hòa giải, cung cấp chứng cứ cũng đều bị hoãn lại hoặc dời ngày, nhằm để kiểm soát và phòng, chống dịch. Đối với việc giao nộp tài liệu, chúng tôi sẽ thực hiện đúng như thông báo của ngành tòa là chuyển theo đường bưu chính.

Đặc biệt, những loại việc ngoài tố tụng mà trước đây chúng tôi vẫn tiến hành như soạn thảo đơn, ủy quyền, giao dịch mua bán nhà, đất đến nay hầu như không có việc nào.

LS TRẦN QUỐC TUẤN, Trưởng Văn phòng Luật sư  Quốc Tuấn Phát,
Đoàn LS tỉnh Đồng Nai

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm