Giao đất cho Vũ 'nhôm' vì có văn bản của Bộ Công an

Chiều 2-2, phiên tòa xét xử Phan Văn Anh Vũ cùng 20 bị cáo bước sang phần xét hỏi đối với ông Văn Hữu Chiến, cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

Theo bị cáo Chiến, việc giảm 10% tiền sử dụng đất cũng như chuyển tên người sở hữu đất được thực hiện trong một thời gian dài, khi TP áp dụng cho tất cả chứ không riêng gì Vũ thì thấy có hiệu quả, sau này Thanh tra Chính phủ chỉ ra thì thấy không đúng với quy định pháp luật. Đến khi bị cáo làm chủ tịch UBND TP thì đã cho hủy tất cả.

Cựu chủ tịch Đà Nẵng nhiều lần khẳng định ký các văn bản trong việc chuyển nhượng nhà, đất công sản là theo quy trình, mình chỉ là một khâu trong đó, không hề có lợi ích cá nhân nào.

Bị cáo Văn Hữu Chiến, cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

Điển hình như nhà, đất số 16 Bạch Đằng, nếu căn cứ vào Luật Đất đai thì không đúng. Lúc đó, UBND TP đã có quyết định phê duyệt giá để đấu giá, tuy nhiên Bộ Công an có văn bản đề nghị chuyển nhượng cho Công ty Bắc Nam 79 để xây dựng, phát triển tiềm lực ngành.

Chủ tọa hỏi ông Chiến văn bản của Bộ Công an có bắt buộc phải chuyển nhượng cho Công ty Bắc Nam 79? Bị cáo nói về hình thức là chỉ đề nghị quan tâm giải quyết nhưng về hiệu lực thì lãnh đạo TP hiểu rằng đây là trách nhiệm cần phải ủng hộ cho lực lượng công an nhân dân hoàn thành nhiệm vụ.

Nhất là khi TP Đà Nẵng là vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng. Địa phương cũng luôn xác định phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng luôn đi đôi với nhau.

Đặc biệt, bị cáo rất băn khoăn về Điều 13 Luật Công an nhân dân lúc đó, về việc tất cả mọi tổ chức, công dân Việt Nam phải tạo điều kiện, giúp đỡ, ủng hộ lực lượng công an nhân dân hoàn thành nhiệm vụ.

Chủ tọa hỏi việc tạo điều kiện có phải dựa trên quy định pháp luật hay không?

Bị cáo nói thời điểm đó, tình hình biển Đông rất phức tạp, số lượng người nước ngoài đến Đà Nẵng đạt kỷ lục nên trong cuộc họp giao ban TP, bị cáo đã xin ý kiến của bí thư TP, trên cơ sở đề nghị của Sở TN&MT đề nghị cho thuê 50 năm.

Sau khi cân nhắc đủ thứ thì TP quyết định ủng hộ cho Bộ Công an vì nghĩ rằng đất cho thuê thì vẫn còn đó, từ Đà Nẵng qua Bộ Công an không mất đi đâu, khi cần thì sẽ thu hồi. Còn việc quản lý của Bộ Công an với công ty bình phong ra sao thì bị cáo không thể biết.

Bị cáo mong HĐXX xem xét cho mình vì bối cảnh lịch sử của Đà Nẵng là như thế, việc đặt vấn đề an ninh quốc gia là trên hết, đó là nhận thức của bị cáo và lãnh đạo TP, nếu cho đấu giá thì có thể mục đích của Bộ Công an không đạt được.

Cựu chủ tịch TP Đà Nẵng khẳng định quá trình làm không được hưởng lợi ích vật chất gì, mà chỉ vì sự phát triển chung của TP.

Đáng chú ý, HĐXX hỏi ông Chiến có biết việc chuyển nhượng các dự án nhà, đất công sản trong vụ án này gây thất thoát bao nhiêu tiền?

Cựu chủ tịch TP Đà Nẵng cho rằng còn nhiều vấn đề phải tranh luận. Ví dụ, những dự án thu tiền một lần thì TP sẽ có tiền ngay để xây dựng cơ sở hạ tầng, để trong vòng 10 năm Đà Nẵng trở thành một TP đáng sống…

Thời điểm xảy ra vi phạm trong việc giao nhà, đất công sản có bị thiệt hại không? Ông Chiến cho rằng cách tính của Hội đồng thẩm định giá trung ương khi tính chênh lệch so với trước đây là chưa khách quan lắm.

Chủ tọa truy vấn bị cáo có biết Phan Văn Anh Vũ sau khi nhận được dự án chuyển nhượng ngay cho người khác thì lãi gấp đôi, gấp ba không? Bị cáo nói không biết.

Chủ tọa tiếp tục cho hay kể cả ở thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội thì kết luận của Hội đồng thẩm định giá cũng cao hơn rất nhiều giá các bị cáo chuyển nhượng.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm