Giám đốc thẩm, tái thẩm có nguy cơ thành một số cấp xét xử

Chiều 9-11, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời câu hỏi chất vấn liên quan đến giải pháp nâng cao chất lượng và tỷ lệ giải quyết đơn giám đốc thẩm (GĐT).

Ông Nguyễn Hoà Bình cho hay thời gian qua, ngành toà án đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và tỷ lệ giải quyết đơn GĐT.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình. Ảnh: QH

Thứ nhất, tập trung lực lượng, kể cả các lực lượng có chức năng giải quyết đơn giám đốc thẩm, kể cả lực lượng không có chức năng này ở địa phương đến TAND cấp cao để giải quyết đơn GĐT.

Thứ hai, động viên anh em làm cả ngày nghỉ và ngoài giờ để giải quyết đơn. Thứ ba, phân loại đơn để giải quyết theo thứ tự ưu tiên, nhất là những đơn sắp hết hạn và những đơn đã được nhiều cấp trả lời trước đó.

Thứ tư, tập huấn để nâng cao chất lượng, kỹ năng giải quyết đơn cho các thẩm phán và thẩm tra viên.

Thứ năm, tổng kết thực tiễn giải quyết đơn để đề ra quy trình giải quyết đơn hợp lý và đề xuất những bất hợp lý cả trong cơ chế và pháp luật để kiến nghị giải quyết.

Cũng theo ông Bình, với những giải pháp này, năm 2020, ngành toà án nhận được 16.200 đơn đề nghị GĐT, giải quyết được gần 9.200 đơn (bằng 58%).

“So với yêu cầu của QH giao là 60% thì không đạt, nhưng so với các năm trước đây, số đơn được giải quyết trong năm qua cao hơn nhiều”- ông Bình nói. Ông Bình cho hay những năm tới, theo xu thế này, mỗi năm số đơn tiếp tục tăng lên khoảng 10%. 

“Tình hình đơn sẽ rất “căng” và nguy cơ có thể sẽ không hoàn thành chỉ tiêu QH giao”- Chánh án TAND Tối cao nói.

Ông Bình cũng nêu vấn đề: Theo quy định của Hiến pháp, chúng ta chỉ có hai cấp xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm) nhưng với số lượng đơn nhiều như hiện nay thì sẽ có nguy cơ trở thành nhiều cấp xét xử.

“Vấn đề không chỉ có động viên anh em, huy động lực lượng mà cần tổng kết căn cơ hơn, để rút ra những điều gì hợp lý, không hợp lý của quy trình giải quyết đơn. Có như vậy chúng ta mới giải quyết căn cơ được vấn đề này. Nếu không đơn GĐT, tái thẩm có nguy cơ trở thành một số cấp xét xử nữa”- ông Bình nhấn mạnh.

Liên quan đến việc chuyển hồ sơ cho VKS, ông Bình cho biết năm 2020, ngành toà án nhận được 435 đơn yêu cầu chuyển hồ sơ của VKS. 

“Phần lớn yêu cầu này, chúng tôi đã chuyển hồ sơ theo đúng quy định. Có một số chưa chuyển được hồ sơ, nhưng vấn đề đặt ra, toà án chuyển hết 435 yêu cầu này thì tình hình có được cải thiện hay không, vì 435 yêu cầu so với con số hơn 16.000 đơn yêu cầu giám đốc thẩm là con số rất nhỏ, không đáng kể”- ông Bình nói.

Theo ông việc không chuyển được hồ sơ không phải là nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị GĐT, tái thẩm cao hay thấp. 

Trả lời câu hỏi vì sao toà án không chuyển được hồ sơ theo yêu cầu của VKS, ông Bình cho biết theo quy định, việc giải quyết đơn của dân phải trên cơ sở hồ sơ gốc, không được sử dụng hồ sơ photo. Trong khi đó, mỗi bản án chỉ có 1 bộ hồ sơ gốc, nhưng có tám cơ quan giải quyết đơn GĐT (TANDTC, VKSNDTC; TAND cấp cao, VKSND cấp cao ở ba nơi là Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM).

“Nếu hồ sơ VKSND Tối cao yêu cầu đang được VKSND Cấp cao thụ lý thì buộc phải chờ VKSND Cấp cao thụ lý xong mới có hồ sơ chuyển cho VKSND Tối cao. Thực tế, cũng có một số trường hợp các toà án không chuyển kịp hồ sơ, chúng tôi sẽ có kiểm điểm và có chấn chỉnh”- Chánh án TAND Tối cao cho hay.

Trước đó, sáng nay, đại biểu Nguyễn Chiến (TP Hà Nội) chất vấn Chánh án TAND tối cao về việc tỷ lệ giải quyết đơn kháng nghị GĐT, tái thẩm chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. ĐB cho rằng Chánh án vẫn chưa đưa ra được giải pháp cho việc này.

"Hôm trước thì Viện trưởng VKSND Tối cao đề cập đến việc rút hồ sơ đơn kháng nghị tái thẩm, giám đốc thẩm vẫn còn khó khăn"- ông Chiến nêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm