Giám đốc 'của' Phạm Công Danh và điệp khúc không biết

TGĐ Trần Văn Bình mở đầu phần xét hỏi. Theo lời khai, Bình khai ông ta là lái xe của Phạm Công Danh tại Tập đoàn Thiên Thanh. Phạm Công Danh nhờ đứng tên làm giám đốc Công ty Trung Dung.

Về hồ sơ vay vốn 500 tỉ đồng, Bình ký nhưng không biết mục đích vay vốn, không đọc hồ sơ vay vốn. Sau khi ký xong, hồ sơ được chuyển cho kế toán của Tập đoàn Thiên Thanh.

Về nguồn tiền 500 tỉ, Trung Dung không sử dụng, có chuyển về tài khoản của Công ty Trung Dung hay không thì anh ta cũng không hay biết.

Bị cáo Trần Văn Bình. Ảnh: Đ.MINH

. HĐXX: Anh là người có cổ phần, vốn góp là 250 tỉ, thực tế anh có góp khoản tiền nào không?

+ Cái đó tôi không biết gì.

.Trung Dung được thành lập từ bao giờ?

+ (Ngập ngừng) Không biết.

. Liên quan đến Trung Dung anh biết gì?

+ Tôi không biết gì hết, bảo gì thì tôi làm đó.

. Quan hệ với Phạm Công Danh thế nào?

+ Làm công ăn lương thôi.

. Đã gặp Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Văn Hoàn chưa? Đã bao giờ gặp nhân viên của Oceanbank chưa?

+ Chưa.

Hà Văn Thắm đang trả lời HĐXX. Ảnh chụp qua màn hình: Đ.MINH

HĐXX chuyển qua xét hỏi Hà Văn Thắm.

. Bị cáo khai khi cho Trung Dung vay, bị cáo có niềm tin về quyền thụ hưởng thuê mặt bằng ở Tô Hiến Thành?

+ Bị cáo xem trong hồ sơ vay vốn, Công ty Trung Dung cho Siêu thị BigC và một trung tâm thuê làm trung tâm tiệc cưới. Bản thân bị cáo đã đến đó. Anh Danh nói dự tính sẽ mua lại để xây dựng một tổ phức hợp ở đó.

. Bị cáo đánh giá lại toàn bộ sự việc, bản chất thật là Trung Dung vay hay ai vay?

+ Bị cáo biết Phạm Công Danh là chủ Trung Dung, dù không đứng tên. Bị cáo hiểu ông Danh là người quyết định hoạt động của Trung Dung. Bị cáo đọc hồ sơ và nghe cấp dưới trình bày, thấy tài sản bảo đảm chưa đủ bảo đảm nên thống nhất chưa giải ngân khi chưa đủ chứng từ và phong tỏa tài khoản của Trung Dung ở ngân hàng.

Thắm thừa nhận khi cho vay khoản 500 tỉ, bị cáo có ý thức được hai nguồn rủi ro. Thứ nhất, về mục đích sử dụng vốn, nếu khách hàng sử dụng đúng mục đích (đầu tư vào sân vận động ở Đà Nẵng) thì không có rủi ro, nếu sử dụng không có mục đích thì có rủi ro. Thứ hai là rủi ro về phần vốn góp 250 tỉ của ông Bình.

. Vì sao nhận thức có rủi ro mà vẫn cho vay?

+ Bị cáo và anh Hoàn nghĩ phong tỏa tài khoản của Trung Dung thì sẽ xử lý được rủi ro này.

.“Bị cáo trình bày nhiều về việc phong tỏa tài khoản. Việc này giống như người ta thả gà ra rồi sau đó rất tích cực đi đuổi gà” - Thẩm phán Trương Việt Toàn nói.

Thắm cũng khai về khoản 500 tỉ Phạm Công Danh khai đưa cho mình: “Anh Danh đưa cho bị cáo vào tháng 4-2011 liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phiếu Trustbank, khoản vay 500 tỉ là sau đó một năm. Bị cáo đã chuyển trả lại cho anh Danh theo yêu cầu của anh Danh bằng chuyển khoản, bị cáo đã cung cấp chứng từ cho cơ quan điều tra”.

HĐXX sau đó công bố lời khai của Thắm tại cơ quan điều tra: “Cuối 2011, đầu 2012, Trustbank gặp khó khăn về tài chính, không bảo đảm khả năng thanh toán nên bị cáo đã chuyển 500 tỉ vào tài khoản của Trung Dung ở Trustbank nhằm hỗ trợ cho Trustbank”. HĐXX cho rằng thời điểm cho vay bị cáo đã nhận thức ngay từ đầu mục đích vay là “giải cứu” Trustbank chứ không phải đầu tư vào sân vận động Chi Lăng như bị cáo đã khai.

“Đúng là bị cáo có mục đích phụ là hỗ trợ thanh khoản cho Trustbank. Nếu đó là mục đích chính thì bị cáo đã phong tỏa tài khoản của Trung Dung ở Oceanbank” - Thắm đáp.

. “Hôm nay bị cáo mới khai có mục đích chính và phụ nhưng bản chất không thể hiện cái gì là chính, cái gì là phụ, chỉ có việc hỗ trợ cho Trustbank. Bị cáo ngay từ đầu đã nhận thức khoản vay này sẽ không dùng để đầu tư vào sân vận động Chi Lăng. Cái nào là phụ, cái nào là chính ở đây?” - HĐXX truy.

. Chốt lại theo nhận thức của bị cáo khoản vay 500 tỉ có gì sai phạm? Bị cáo nhận thức khoản vay có sai phạm, thiếu sót về tài sản bảo đảm. bị cáo chỉ xin quý tòa xem xét bị cáo đã có biện pháp xử lý thiếu sót đó nhưng do Trustbank không thực hiện đúng cam kết dẫn đến hậu quả như hiện nay.

Phiên tòa vẫn đang tiếp tục…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm