Giải quyết khi người thân của bị can kêu oan

VKSND Tối cao vừa ban hành Công văn số 1066 giải đáp một số khó khăn, vướng mắc trong công tác tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Đặc biệt, VKSND Tối cao đã giải đáp nhiều vấn đề trong giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của VKS trong lĩnh vực tố tụng hình sự.

Bị can không kêu oan nhưng người thân kêu oan

Trong đó có việc nếu bị can không có đơn kêu oan nhưng ông, bà; cha, mẹ; vợ hoặc chồng; anh, chị, em ruột của người đó liên tục kêu oan thay bị can thì có giải quyết hay không.

Theo VKSND Tối cao, khoản 1 Điều 469 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Bị can là người chịu tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi tố tụng, biết rõ hành vi vi phạm đã thực hiện và sự việc phạm tội đã xảy ra trong thực tế khách quan, có năng lực trách nhiệm hình sự có khả năng quyết định việc thực hiện quyền khiếu nại. Vì vậy, chỉ khi bị can khiếu nại thì mới xác định là đơn khiếu nại. Các trường hợp còn lại, khi nhận được đơn thì xử lý, giải quyết theo thủ tục đơn kiến nghị, đề nghị, phản ánh.

Ảnh minh họa

Ví dụ như bị can không có đơn kêu oan nhưng ông, bà; cha, mẹ; vợ hoặc chồng; anh, chị, em ruột của người đó liên tục kêu oan thay bị can, không chấp nhận quyết định khởi tố bị can đã được VKS phê chuẩn thì kiểm sát viên cần trực tiếp làm việc với bị can, giải thích để bị can quyết định việc thực hiện quyền khiếu nại.

Nếu bị can không kêu oan, nhận tội thì VKS không thụ lý đơn và thông báo cho người gửi đơn biết lý do không thụ lý. Nếu bị can khiếu nại, kêu oan, VKS thụ lý, giải quyết nội dung khiếu nại của bị can, đồng thời xem xét, trả lời nội dung đơn của thân nhân bị can theo trình tự của tố tụng hình sự và thông báo kết quả cho thân nhân bị can biết.

Trường hợp nào là lý do bất khả kháng?

Khoản 2 Điều 471 BLTTHS và Điều 502 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu thì thời gian có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hiệu. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để xác định những trường hợp nào được xem là lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan...

VKSND Tối cao hướng dẫn rằng việc xác định những trường hợp nào được coi là lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan có thể tham khảo các quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 3 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21-12-2018 (quy định về phối hợp thực hiện một số quy định của BLTTHS về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi).

Theo đó, lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan được hiểu là những lý do ngoài ý chí chủ quan của người khiếu nại. Khi đánh giá lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan phụ thuộc vào chủ quan của người đánh giá, song phải có căn cứ. Ví dụ do thiên tai, bão lụt, ốm đau mà người khiếu nại không thể thực hiện được việc khiếu nại trong thời hiệu quy định...

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại khi phó viện trưởng ký thay

Một vấn đề khác đặt ra là đối với Điều 476 BLTTHS quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định tố tụng của phó viện trưởng. Mặc dù BLTTHS quy định rõ những trường hợp quyết định tố tụng do phó viện trưởng ký, khi có đơn khiếu nại thì do viện trưởng giải quyết khiếu nại lần đầu.

Tuy nhiên, thực tiễn cũng thường xảy ra những trường hợp phó viện trưởng “ký thay” thì có xem là viện trưởng đã ký hay không? Khi bị khiếu nại thì thẩm quyền giải quyết là cấp nào? Cần hướng dẫn cụ thể trường hợp nào là phó viện trưởng ký thay là thực hiện thẩm quyền giải quyết của viện trưởng cùng cấp; trường hợp nào phó viện trưởng ký thay khi có khiếu nại là thuộc thẩm quyền của VKS cấp trên trực tiếp giải quyết.

VKSND Tối cao cho rằng theo quy định tại khoản 3 Điều 41 BLTTHS thì phó viện trưởng VKS không được giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành vi, quyết định của mình. Như vậy, nếu quyết định tố tụng do phó viện trưởng ký là theo nhiệm vụ, quyền hạn của phó viện trưởng thì viện trưởng có thẩm quyền giải quyết khiếu nại theo khoản 1 Điều 476.

Nếu quyết định tố tụng bị khiếu nại là thẩm quyền của viện trưởng nhưng được phó viện trưởng ký thay do phân công nội bộ thì được coi là quyết định của viện trưởng và do VKSND cấp trên giải quyết theo khoản 2 Điều 476 BLTTHS.

Khiếu nại thông báo không khởi tố hay việc không khởi tố?

Trong thực tế xảy ra một số trường hợp khi công dân gửi đơn tố giác, tin báo tội phạm, cơ quan điều tra tiến hành thụ lý, xác minh, giải quyết tin báo, xác định không có dấu hiệu tội phạm nên ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, cơ quan điều tra không gửi quyết định này cho công dân mà chỉ gửi thông báo về việc không khởi tố. Công dân không nhất trí và có đơn khiếu nại thông báo không khởi tố vụ án hình sự. Trường hợp này xác định là khiếu nại việc không khởi tố, được giải quyết theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền được quy định tại Điều 475 BLTTHS.

(Trích Công văn số 066/VKSTC-V12)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm