Gặp ‘oan gia ngõ hẹp’ khi đáo tụng đình

Trên số báo hôm qua (6-5), Pháp Luật TP.HCMđã phản ánh chuyện bà Nguyễn Thị Ước (ngụ huyện Chơn Thành, Bình Phước) gặp chuyện “oan gia ngõ hẹp” khi đáo tụng đình. Theo đó, trước đây bà Ước từng bị điều tra, truy tố và xét xử oan về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đến năm 2014, bà lại bị điều tra, truy tố và xét xử về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Điều đặc biệt là ở vụ án hiện tại, bà lại gặp lại hai “người quen cũ” trước đây từng làm oan bà. Đó là điều tra viên (ĐTV) Nguyễn Hữu Nhàn và Thẩm phán Bùi Thanh Thảo, Chánh án TAND huyện Chơn Thành.

Trong vụ án oan trước đây, bà Ước cho bà H. vay 3,5 triệu đồng cùng hai chỉ vàng, hẹn đến tháng 8-2002 phải trả. Đến hẹn, bà H. không trả nên bà Ước viết đơn báo cho Ban Nhân dân ấp 1 (xã Nha Bích, Chơn Thành) rồi đưa xe máy của bà H. về trụ sở nhờ chính quyền địa phương giải quyết. Trước sự chứng kiến của cán bộ địa phương, hai bên thỏa thuận bà H. trả tiền, bà Ước giao trả lại xe.

Thẩm phán Bùi Thanh Thảo, Chánh án TAND huyện Chơn Thành, công khai xin lỗi bà Ước năm 2009 vì đã kết án oan. Ảnh: TT

Chuyện là vậy nhưng cuối năm 2002, bà Ước lại bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi bị TAND huyện Chơn Thành (do Thẩm phán Bùi Thanh Thảo ngồi ghế chủ tọa) phạt 10 tháng tù, bà Ước kháng cáo kêu oan. Tháng 9-2004, TAND tỉnh Bình Phước đã hủy án sơ thẩm để điều tra lại. Sau đó VKS huyện rút quyết định truy tố và TAND huyện đình chỉ vụ án. (Trong vụ này bà Ước từng có đơn tố cáo mình bị bức cung và đề nghị thay đổi ĐTV Nhàn. Sau đó phó tổng cục trưởng Tổng cục CSĐT - Bộ Công an đã trực tiếp chuyển đơn cho giám đốc Công an tỉnh Bình Phước giải quyết, sau đó có thông báo cho bà Ước biết.)

Tháng 11-2009, TAND huyện Chơn Thành (do Thẩm phán Thảo đại diện) đã tổ chức xin lỗi công khai và bồi thường cho bà Ước 22 triệu đồng.

Đến tháng 8-2011, bà Ước vay của bà LTB 200 triệu đồng, thế chấp bằng giấy đỏ với thỏa thuận mỗi tháng trả lãi 12 triệu đồng. Sau khi nhờ người lấy lại giấy đỏ không thành, bà Ước làm thủ tục xin cấp lại giấy đỏ theo diện mất giấy thì bà B. phát hiện, tố cáo. Bà Ước bị khởi tố, truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Người trực tiếp điều tra vụ án này lại là ĐTV Nhàn, người từng làm oan bà gần 10 năm trước. Tương tự, trong phiên tòa sơ thẩm (hồi tháng 9-2014), bà Ước cũng lại gặp chính Thẩm phán Thảo, người từng làm oan và từng phải đứng ra xin lỗi bà. Kết quả là bị HĐXX TAND huyện Chơn Thành tuyên phạt bà 10 năm tù.

Bà Ước kháng cáo kêu oan. Trong đơn, bà viết: “Ngay từ đầu các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng khi ĐTV và thẩm phán chủ tọa phiên tòa sơ thẩm lại chính là những người từng làm oan tôi trong vụ án oan gần 10 năm trước. Việc phân công cán bộ tố tụng như vậy sẽ không đảm bảo tính vô tư, khách quan ngay từ giai đoạn điều tra đến xét xử”.

Đây quả là chuyện hi hữu trong tố tụng hình sự. Liệu người từng điều tra, xét xử oan một công dân nay lại tiếp tục điều tra, xét xử công dân ấy thì có đảm bảo vô tư, khách quan không? Liệu việc này có vi phạm tố tụng hay không? Dưới đây là ý kiến hai chuyên gia pháp luật.

THANH TÙNG

Từng làm oan thì phải từ chối

BLTTHS không cấm trường hợp này buộc phải thay đổi nhưng thực tiễn thì không nên như vậy. Thực tế cho thấy ngay từ đầu bị cáo đã nêu vấn đề này ra, chứng tỏ bị cáo đã không có niềm tin vào người tiến hành tố tụng và cảm thấy lo lắng. Tâm lý con người nói chung và người tiến hành tố tụng nói riêng ngoài việc làm theo cái đúng thì vẫn luôn có định kiến về vấn đề gì đó khi gặp lại “người quen”. Điều đó dẫn đến trạng thái tâm lý không được thoải mái trong khi làm nhiệm vụ, điều này có thể dẫn đến những sai sót về nội dung công việc. Vì vậy, cơ quan tố tụng không nên cử những người đã làm oan bị cáo tiếp tục xử lý hồ sơ vụ án mới.

Trong vụ án này, năm 2005 bị cáo từng có đơn tố cáo ĐTV bức cung mình và hiện nay bị cáo kháng cáo kêu oan hai nội dung: Oan về tội danh và cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Do vậy khi xét xử, tòa án cấp phúc thẩm cần phải kiểm soát và đánh giá rất kỹ về các chứng cứ trong quá trình điều tra và các chứng cứ khác xem có gì bất thường không. Tất nhiên về tố tụng thì tòa dựa vào quy định hiện hành để đánh giá nhằm cho ra một phán quyết phù hợp và đúng luật.

Tình huống này cũng làm nảy sinh một vấn đề về hoàn thiện quy định trong bối cảnh BLTTHS đang trong quá trình lấy ý kiến sửa đổi. Theo đó, luật nên quy định trường hợp trên là một trong những lý do phải thay đổi người tiến hành tố tụng. Cụ thể, ĐTV, kiểm sát viên và thẩm phán không được thực hiện nhiệm vụ đối với một bị cáo mà trước đó việc điều tra, truy tố và xét xử đã khiến bị cáo đó bị oan. Để giải quyết triệt để vấn đề oan trong TTHS thì việc bổ sung theo hướng mở rộng như trên cũng là cần thiết.

Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG,
Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng!

Không chỉ có ở Việt Nam mà trên toàn thế giới này luật tố tụng của các nước đều có một nguyên tắc,đó là phải bảo đảm sự vô tư của những người tiến hành hoặc người tham gia tố tụng. BLTTHS nước ta cũng có nguyên tắc này. Theo đó, thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, ĐTV, viện trưởng, phó viện trưởng VKS, kiểm sát viên, chánh án, phó chánh án tòa án, thẩm phán, hội thẩm, thư ký tòa án không được tiến hành tố tụng hoặc người phiên dịch, người giám định không được tham gia tố tụng nếu có lý do xác đáng để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình (Điều 14 BLTTHS).

Một ĐTV, một thẩm phán đã từng điều tra, kết tội oan một người, nay lại điều tra, xét xử người đó về một hành vi phạm tội khác thì thử hỏi có thể nào sẽ khách quan, vô tư không? Con người chứ đâu phải robot đâu mà vô tư đến nỗi không còn nhớ những gì mà mình đã làm oan người ta! Mà đã không thể vô tư thì rõ ràng đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, cụ thể là vi phạm Điều 14 BLTTHS rồi chứ còn gì nữa! Thiết nghĩ tòa án cấp phúc thẩm không cần phải suy nghĩ nhiều cũng có thể hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Không biết khi phân công ĐTV và thẩm phán xét xử vụ án của bà Ước, lãnh đạo công an và tòa án có biết rằng hai người này trước đây đã từng làm oan bà Ước dẫn đến hậu quả phải đứng ra xin lỗi công khai và Nhà nước phải bỏ tiền ra bồi thường oan? Nhiều người còn đặt câu hỏi tại sao một ĐTV và một thẩm phán đã làm oan một công dân lại không bị xử lý kỷ luật hay cho thôi làm ĐTV và thẩm phán mà vẫn còn tiếp tục để các vị này làm khổ dân!

ĐINH VĂN QUẾ,
nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm