Gắn nhãn nổi tiếng lên áo thun: Tội gì?

Nếu xử họ về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì thời gian họ bị tạm giam đã vượt quá mức án cao nhất của tội này...

Ngày 29-5, TAND huyện Bình Chánh (TP.HCM) sẽ đưa vụ vợ chồng Ngô Thị Thúy Phượng bị truy tố về tội sản xuất, buôn bán hàng giả ra xử sơ thẩm lần hai sau rất nhiều lần hoãn xử, trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Sản xuất áo thun gắn nhãn hiệu Lacoste

Theo cáo trạng, vợ chồng Phượng thuê công nhân may áo thun gắn nhãn hiệu Lacoste từ tháng 5-2012 tại quận Gò Vấp. Tháng 8-2012, vợ chồng Phượng bị Đội Quản lý thị trường 3A TP.HCM lập biên bản vi phạm. Quyết định xử phạt hành chính không có người nhận vì vợ chồng Phượng ngừng hoạt động, bán hết thiết bị máy móc, chuyển tất cả áo về huyện Bình Chánh.

Tháng 12-2012, chồng Phượng thuê xe vận chuyển số áo thun trên để Phượng đem bán thì bị Đội Quản lý thị trường huyện Bình Chánh kiểm tra, lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng gồm 13.240 áo thun nữ, 2.010 áo thun nam mang nhãn hiệu Lacoste.

Qua giám định, các nhãn giả không trùng với nhãn thiệt hiệu Lacoste. Kết quả định giá xác định tổng giá trị số áo tang vật tương đương với hàng thật là gần 25,5 tỉ đồng.

Vợ chồng Phượng bị bắt tạm giam từ tháng 8-2013. VKSND huyện Bình Chánh căn cứ vào kết quả định giá để truy tố cả hai về tội buôn bán hàng giả theo khoản 3 Điều 156 BLHS cũ. Đối với hành vi sản xuất hàng giả, theo CQĐT và VKS, vì công ty của vợ chồng Phượng đã ngưng hoạt động nên chưa đủ căn cứ xác định.

Áo thun đỏ Lacoste thật (trái) và hàng tang vật. Ảnh: H.YẾN

Tháng 8-2014, TAND huyện Bình Chánh xử sơ thẩm lần đầu đã phạt Phượng bảy năm tù, chồng Phượng năm năm tù về tội trên... Tòa cũng tuyên tịch thu, tiêu hủy 15.250 áo thun tang vật. Sau đó, vợ chồng Phượng kháng cáo xin giảm án.

Tháng 3-2015, TAND TP.HCM hủy án sơ thẩm vì quá trình điều tra chưa xác định số lượng công nhân, máy móc, địa điểm sản xuất, nguồn gốc nguyên vật liệu, sản phẩm tiêu thụ như thế nào… Về việc định giá, qua so sánh mẫu áo thun có gắn nhãn Lacoste do các bị cáo sản xuất với hàng thật của công ty không có mẫu hàng giống nhau nên cần phải xem lại việc lấy giá của hàng thật để xác định giá của hàng tang vật. Đồng thời việc tiêu hủy áo thun tang vật là không đúng vì vẫn có giá trị sử dụng. Hơn nữa, Điều 156 BLHS cũ là tội ghép, người nào phạm một trong hai hoặc cả hai hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả thì cũng chỉ bị xử lý về một tội chung là sản xuất, buôn bán hàng giả.

Hàng nhái chứ không phải hàng giả?

Vụ án gây tranh cãi về chuyện số áo thun tang vật của vụ án là hàng giả hay hàng nhái. Nếu là hàng giả thì việc xử lý vợ chồng Phượng về tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo Điều 156 BLHS cũ (mức án cao nhất đến 15 năm tù) là đúng. Nhưng nếu là hàng nhái thì các bị cáo có dấu hiệu vi phạm tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo Điều 171 BLHS cũ (mức án cao nhất chỉ ba năm tù).

Tại các phiên tòa, luật sư (LS) của hai bị cáo khẳng định hai bị cáo chỉ có dấu hiệu phạm tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và phân tích: Khách thể của tội sản xuất, buôn bán hàng giả xâm phạm đến tính trung thực, hoạt động đúng đắn của các chủ thể sản xuất, kinh doanh và xâm phạm đến lợi ích của người tiêu dùng. Còn hành vi sử dụng nhãn hiệu Lacoste trong vụ án này chỉ nhằm mục đích chiều thị hiếu người tiêu dùng. Thực tế, hai bị cáo bán đúng với giá trị thực tế của sản phẩm (từ 40.000 đồng đến 50.000 đồng). Người mua hoàn toàn nhận thức được đây là hàng nhái và chấp nhận mua với giá chỉ bằng 1/50 lần hàng thật.

Về mặt pháp lý, LS Nguyễn Hoàng Nam (Đoàn LS TP.HCM) cũng đồng quan điểm với LS của bị cáo.

Theo LS Nam, đối tượng tác động của tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp là nhãn hiệu hàng hóa, tên gọi, xuất xứ hàng hóa… đang được bảo hộ tại Việt Nam. Trường hợp này hai bị cáo chỉ gắn nhãn hàng nhái thương hiệu có bảo hộ, bán với giá rẻ và người mua đều biết đó là hàng nhái bởi họ không bán sản phẩm tương đương giá hàng thật. “Trường hợp làm rượu giả lừa người tiêu dùng bán với giá rượu thật hoặc sản xuất thuốc Tây từ các nguyên liệu như bột mì... rồi bán với giá thuốc thật thì xử lý về tội sản xuất, buôn bán hàng giả mới phù hợp” - LS Nam dẫn chứng.

“Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”

Theo một thẩm phán TAND TP.HCM (đề nghị không nêu tên), Điều 171 BLHS cũ quy định người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Theo khoản 2 Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu… đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu.

Cạnh đó, Thông tư liên tịch 01/2008 của TAND Tối cao - VKSND Tối cao - Bộ Công an - Bộ Tư pháp (hướng dẫn việc truy cứu TNHS đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ) quy định: Người nào vì mục đích kinh doanh mà cố ý thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp có đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu quy định tại khoản 2 Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu TNHS về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Cũng theo thông tư này, gây hậu quả nghiêm trọng là đã thu được lợi nhuận từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc gây thiệt hại về vật chất cho chủ sở hữu nhãn hiệu từ 50 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng hoặc hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng.

Như vậy, đối chiếu với quy định, hành vi của hai bị cáo có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, việc định giá thiệt hại cần phải xem lại vì các bị cáo không bán áo thun với giá hàng thương hiệu nên không thể lấy giá trị hàng thương hiệu để tính cho số áo tang vật. Cạnh đó, nếu thiệt hại các bị cáo gây ra dưới 150 triệu đồng thì chỉ có thể xử lý hình sự họ khi có tố cáo của đơn vị bị thiệt hại. Bởi lẽ tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo khoản 1 Điều 171 BLHS cũ hoặc khoản 1 Điều 226 BLHS 2015 đều là những tội phạm chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của bị hại.

Thêm một cái khó

Theo một số chuyên gia, nếu cơ quan tố tụng xác định hai bị cáo phạm tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì một vấn đề khá rắc rối sẽ được đặt ra: Tội này có mức hình phạt cao nhất là ba năm tù  trong khi hai bị cáo bị tạm giam đã bốn năm. Lúc đó, tòa sẽ giải quyết thời gian tạm giam “lố” của họ ra sao?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm